25/04/2020 21:03 GMT+7

Nghệ sĩ tuồng Đàm Liên - ‘ông già cõng vợ đi xem hội’ - vừa qua đời

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - NSND Đàm Liên, người ‘đóng đinh’ vào lịch sử sân khấu tuồng Việt Nam với vai diễn ông già cõng vợ đi xem hội, được mệnh danh là ‘Bà chúa sân khấu tuồng’, vừa qua đời hôm nay 25-4 tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.

Nghệ sĩ tuồng Đàm Liên - ‘ông già cõng vợ đi xem hội’ - vừa qua đời - Ảnh 1.

NSND Đàm Liên vừa qua đời tại Hà Nội

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho biết NSND Đàm Liên mất vì bệnh thận. Bà phải chạy thận suốt mấy năm qua.

"Bà là một ngôi sao sáng của làng sân khấu tuồng Việt Nam, một người được đào tạo bài bản, rất giỏi nghề, sáng tạo và say nghề, luôn trăn trở sáng tạo những vai diễn để đời, một tài năng mà sân khấu tuồng sẽ còn lâu mới lại xuất hiện thêm một người thứ hai", NSND Lê Tiến Thọ nhận định về nữ nghệ sĩ ông rất kính trọng, người bạn diễn rất "ăn săm" với ông trong nhiều vở diễn lớn.

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, trước khi làm công tác quản lý, ông đã có khoảng 20 năm gắn bó với NSND Đàm Liên ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, từ sau năm 1975 cho tới năm 1996.

Cũng là một tài năng sân khấu tuồng, NSND Lê Tiến Thọ đã từng đóng cặp với NSND Đàm Liên trong nhiều vở tuồng từ truyền thống đến hiện đại như vở Lý Phụng Đình (NSND Đàm Liên vào vai Loan Dung), vở Đào Phi Phụng (NSND Đàm Liên vào vai Liễu Nguyệt Tiêm), vở Nghêu sò ốc hến (NSND Đàm Liên vào vai bà huyện), hay vở kịch tuồng hiện đại Không còn đường nào khác (NSND Đàm Liên trong vai má Tư)…

Ngoài ra, bà còn được công chúng rất mến mộ qua các vai diễn: Trưng Trắc trong vở Trưng Nữ Vương, Phương Cơ trong vở Ngọc lửa Hồng Sơn, Công chúa Quỳnh Nga trong vở Thạch Sanh, Hồ Nguyệt Cô trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo...

Theo NSND Lê Tiến Thọ, đây đều là những vai diễn xuất sắc của NSND Đàm Liên, nhưng vai diễn để đời, đóng đinh tên tuổi của bà trong lòng công chúng phải kể đến vai diễn xuất thần Ông già cõng vợ đi xem hội.

"Bây giờ hễ cứ nhắm mắt là lại hình dung NSND Đàm Liên trong vai Ông già cõng vợ đi xem hội trên sân khấu", NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.

Với vai diễn Ông già cõng vợ đi xem hội, bà đã đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn.

Vai diễn này cũng là nguyên mẫu để xây dựng vai hề trong bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam Đêm hội Long Trì và cũng xuất hiện trong bộ phim Mê Thảo thời vang bóng.


Nghệ sĩ tuồng Đàm Liên - ‘ông già cõng vợ đi xem hội’ - vừa qua đời - Ảnh 2.

Với vai diễn Ông già cõng vợ đi xem hội, NSND Đàm Liên đã đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn

Nói về sự say nghề của NSND Đàm Liên, ông Lê Tiến Thọ nói bà "say nghề nhất trong sự say nghề, đến mức cực đoan".

Sự say nghề của NSND Đàm Liên không chỉ khiến bà luôn luôn tìm tòi học hỏi, sáng tạo cho chính mình mà bà còn luôn riết róng "chỉ đạo", chăm lo nghề cho các lứa nghệ sĩ trẻ, thậm chí chỉ đạo cả các đạo diễn, tác giả kịch bản để làm sao cho ra được những tác phẩm hoàn hảo nhất có thể.

Tuy không mở lớp chuyên chú dạy học trò, nhưng có thể nói, các NSND Minh Gái, Văn Quý, Hương Thơm, Hồng Khiêm, Văn Thủy, và các NSƯT Minh Tâm, Bích Tần, Kim Oanh… ở Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện nay đều là học trò của bà.

NSND Đàm Liên còn bỏ công viết sách về những sáng tạo của bà trong nghệ thuật tuồng để truyền lại cho các lớp kế cận như một sự đóng góp của bà cho nghệ thuật tuồng mãi về sau.

NSND Lê Tiến Thọ cho hay, NSND Đàm Liên là người miền Trung, con nhà nòi, được học tuồng bài bản từ các cụ nghệ sĩ tuồng Liên khu 5. Sau này khi đầu quân cho Nhà hát Tuồng Việt Nam thì bà tiếp tục học trau dồi thêm phong cách nghệ thuật tuồng Bắc.

Rất thành công với vai trò diễn viên tuồng, nhưng NSND Đàm Liên còn theo học đạo diễn sân khấu và dàn dựng những vở sân khấu tuồng truyền thống.

"Bà là một tấm gương về rèn luyện tài năng không ngừng và say nghề. Bà mất đi là một mất mát lớn của sân khấu tuồng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng nhân lực ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống hiện nay", NSND Lê Tiến Thọ ngậm ngùi chia sẻ.

Cô Trưng Trắc của Bác Hồ

NSND Đàm Liên tên thật là Đàm Thị Liên, sinh năm 1943 tại xã Xuân Long, Đồng Xuân, Phú Yên. Bà sinh ra trong một gia đình có nghề tuồng, ông ngoại là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng với nghệ danh đào Cúc.

Bà bắt đầu đi học tuồng với những nghệ sĩ - đồng nghiệp của mẹ trong đoàn tuồng Liên khu 5 từ năm bà 14 tuổi.

Năm 1960, bà học được vai truyền thống như Trưng Trắc và sau đó lại được vinh dự diễn vai này cho Bác Hồ xem. Kể từ đó bà có biệt hiệu "cô Trưng Trắc của Bác Hồ".

Kể từ khi công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 1970, bà trở thành một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng với nhiều vai diễn xuất sắc để đời. Bà từng biểu diễn ở nhiều nước như: Nga, Bulgaria, Ba Lan, Ý, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan, Ấn Độ...

Bà đã giành được 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc các Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Bà còn giành được huy chương vàng "Tiếng cười đầu tiên" và Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Năm 1993, nghệ sĩ Đàm Liên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Bà cũng là người đầu tiên cho ra mắt VCD, DVD tuồng ở Việt Nam mang tên Nghệ thuật tuồng qua những vai diễn của Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên vào năm 2007.

Thanh Sơn gầy dựng đoàn tuồng cổ Thanh Sơn gầy dựng đoàn tuồng cổ

TTO - Là con trai út cố nghệ sĩ Minh Tơ và là em trai của cố NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Thanh Sơn đang nỗ lực duy trì bộ môn cải lương tuồng cổ, phát triển đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên