08/07/2019 14:10 GMT+7

Thanh Sơn gầy dựng đoàn tuồng cổ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Là con trai út cố nghệ sĩ Minh Tơ và là em trai của cố NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Thanh Sơn đang nỗ lực duy trì bộ môn cải lương tuồng cổ, phát triển đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn.

Thanh Sơn gầy dựng đoàn tuồng cổ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thanh Sơn dạy vẽ mặt hát bội cho học viên ở Nhà hát Le Mandapa ở Paris, Pháp - Ảnh: NVCC

Thanh Sơn cũng là người đầu tiên được Nhà hát Le Mandapa (Paris, Pháp) mời sang giảng dạy về bộ môn hát bội, cải lương pha hát bội, cải lương tuồng cổ trong 18 ngày tháng 3 vừa qua. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với anh.

* Cơ duyên nào đã đưa anh sang Pháp trong đợt giảng dạy vừa qua?

- Người mời tôi sang là bà giám đốc Nhà hát Le Mandapa. Con gái út chị Bạch Lê (chị ruột NSƯT Thành Lộc) là Sophie sau khi học nhạc về làm trong nhà hát này. Bà giám đốc bày tỏ ý định mời một người về dạy một đợt ngắn hạn về hát bội. Cháu gái tôi thốt lên đúng nghề của gia tộc mình. Cháu cho bà xem qua clip tôi biểu diễn, xem xong bà rất thích và mời tôi sang luôn.

* Lớp học đó như thế nào, thưa anh?

- Đây là lớp học dành cho những người yêu và muốn tìm hiểu về nghệ thuật. Rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau như Ý, Pháp, Chile, có cả con cháu kiều bào cũng đăng ký học. Trong đó có Lê Tiến - cháu ngoại của cố nghệ sĩ Hữu Phước. 

Tôi dạy các bạn cách vẽ mặt hát bội, cách hát bội, hát cải lương tuồng cổ, dạy vũ đạo múa roi ngựa của hát bội Quảng Đông và Việt Nam khác nhau như thế nào...

Tôi còn dạy các bạn ngâm bài Nam quốc sơn hà chất hát bội, dạy các bạn ca bài dân ca Lý cây bông mà hơn 30 năm trước anh trai tôi, NSND Thanh Tòng, đã hát khi diễn vai Lý Đạo Thành trong vở Câu thơ yên ngựa tại Paris, dịp đoàn 2-84 sang Pháp biểu diễn.

Cuối đợt dạy, bà giám đốc tổ chức cho chúng tôi diễn báo cáo, trong đó có một đêm dành riêng cho tôi với các vai diễn Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Lý Đạo Thành, Bao Công... Còn có đêm diễn với các học viên, tôi vừa diễn vừa giải thích cho khán giả. 

Ba anh em tôi (anh Thanh Bạch và chị Bạch Lê) cùng nhau diễn vở Bức ngôn đồ Đại Việt, vui và xúc động lắm. Sophie cháu tôi điều phối chương trình, làm thông dịch để khán giả có thể hiểu, có thể cảm.

Thanh Sơn gầy dựng đoàn tuồng cổ - Ảnh 2.

Poster buổi trình diễn của nghệ sĩ Thanh Sơn, Bạch Lê và Thanh Bạch tại Nhà hát Le Mandapa

* Và hiệu ứng sau các buổi giảng dạy?

- Các học viên và khán giả tỏ ra rất thích thú, có một trường nhạc của Đức đặt tại Pháp mời tôi đến dạy mấy buổi với mấy chục học viên. Một học viên từ Mỹ sang đăng ký học cũng đã ngỏ lời mời tôi sang Mỹ dạy và biểu diễn, nhưng vì thời gian eo hẹp, tôi đành hẹn dịp khác. 

Sau đợt dạy ở nhà hát, bà giám đốc đã cắt hình tôi dán vào phần Việt Nam ở bản đồ thế giới mà bà đặt tại nhà hát. Hình ảnh đó làm tôi xúc động và tự hào vì mình đã làm được gì đó để quảng bá nghệ thuật dân tộc cho bạn bè thế giới.

* Giữa tháng 6 vừa qua, anh đã tổ chức chương trình "Nghề nối nghề" lần 3 tại quận 5, TP.HCM. Anh có kế hoạch gì để phát triển cải lương tuồng cổ?

- Nhiều năm trước, chùa Quan Âm tu viện (Đồng Nai) thường mời tôi về dựng chương trình biểu diễn hằng năm. Từ đây, tôi quy tụ được khoảng 30 bạn trẻ yêu cải lương tuồng cổ. Bên cạnh dạy ở trường đại học, tôi cũng mướn một địa điểm ở quận 5, lặng lẽ dạy cho các bạn trẻ, chừng 3 tháng thầy trò làm một buổi báo cáo, ra nhà hát lớn thì tôi không đủ sức nên chúng tôi tổ chức buổi diễn ấm cúng cho những người thực sự mê cải lương tuồng cổ.

Vừa rồi hát vai Quan Công, tự nhiên tôi xây xẩm mặt mày. Một học trò có mẹ là bác sĩ đã khám và phát hiện tôi bị cao huyết áp, phải uống thuốc hoài. Thấy mình nay cũng gần 60 rồi, ráng làm gì được cho nghề thì làm. Trước hết là dạy thêm cho con cháu trong nhà, sau đó là cho những bạn trẻ còn mê nghề hát.

Tôi gom nhiều tuồng tích xưa từ thời chú tư tôi (nghệ sĩ Khánh Hồng) đến thời anh năm Thanh Tòng, biên tập lại rồi dàn dựng mới hơn để thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ. 

Mừng là có những tổ chức thấy được sự nỗ lực và động viên chúng tôi rất nhiều. Như Trung tâm Văn hóa quận 5 cũng đang muốn tạo điều kiện, nếu có thêm sự hợp lực, thầy trò chúng tôi sẽ có thêm động lực để bền bỉ theo con đường nghề.

Thanh Sơn hiện là giảng viên bộ môn vũ đạo của khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, trưởng khoa kịch hát dân tộc, nói về anh: "Cái người này có nhà mặt tiền cho thuê hằng tháng sống khỏe vậy mà thương nghề, muốn truyền nghề nên cặm cụi đi dạy hoài, dù tiền dạy chẳng bao nhiêu mà còn hao tốn sức lực!".

Tuồng cổ Ngọc Khanh - đoàn hát bội hiếm hoi ở Sài Gòn Tuồng cổ Ngọc Khanh - đoàn hát bội hiếm hoi ở Sài Gòn

TTO - 'Hát vì khán giả, vì đam mê chứ đừng nói đến kinh tế. Vì nếu muốn kiếm tiền thì chắc sẽ không chọn nghề này' là lời mà nghệ sĩ hát bội Minh Minh Tài nhắn nhủ khi nhắc đến cái nghề làm Kép, làm Đào...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên