Nghệ sĩ piano Bích Trà - Ảnh: Jack Hui
Bích Trà nói mấy tháng qua có lẽ lần này xa mẹ lâu nhất, cũng vì COVID. Cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ cũng phải từ xa.
Cảm giác mới, góc nhìn mới
* Chị có nhiều năm sống xa Việt Nam, hiện tại chị chuyển về Hong Kong, gần mẹ chị hơn. Những dự án âm nhạc nào ở Hong Kong chị đang theo đuổi và tại sao chưa là Việt Nam?
- Tôi về Việt Nam thường xuyên hơn khi tham gia biểu diễn, giảng dạy các khóa ngắn hạn nhiều năm qua. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục âm nhạc của Hong Kong có nhiều đặc điểm giống Anh, nên ở đây tôi có thể phát triển công việc theo các kinh nghiệm mình đã tích trữ được.
Bên này tôi có một nhóm đồng nghiệp là bạn học cũ có cùng chí hướng khám phá những tác phẩm còn ít được biết đến. Hãng thu đĩa Naxos của tôi đặt trụ sở tại Hong Kong nên công việc cũng tiện lợi hơn.
Bản concerto số 2 dành cho piano của Sergei Rachmaninov vừa được nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà trình diễn đầy thăng hoa dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch và dàn nhạc HBSO tại Nhà hát TP.HCM.
* Những tâm sự gần đây của chị cho thấy khao khát được đi tới vùng đất mới.
- Âm nhạc là người bạn đồng hành và là niềm cảm hứng lớn nhất của tôi. Khi còn bé, lúc ấy thế hệ tôi có lẽ đều ở nhà một mình khi cha mẹ đi làm, nhiệm vụ của tôi là tập đàn và làm bài tập.
Thời ấy ban ngày không có điện nên không nghe được nhạc, mà các bài tập chưa cuốn hút tôi như thế giới rộng mở lung linh màu sắc trong những cuốn sách trong tủ sách của mẹ. Tủ sách này là cánh cửa cho tôi rời khỏi căn phòng bé tí của mình để chu du thiên hạ.
Lúc qua Nga học khi 14 tuổi, tôi mang trong mình thế giới của các kịch bản phim mẹ đóng, của thần thoại Hi Lạp, kịch Shakespeare, các cuộc đời muôn màu sắc của Hugo, Dickens, Dostoievski, Chekhov, Hemingway...
Là sinh viên ít tiền khó xin visa du lịch, tuy vậy nếu tham gia các cuộc thi âm nhạc thì có thể đi được. Tôi lên kế hoạch đi thi ở Pháp, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Mỹ để được nhìn thấy những bức tranh cuộc sống và trong bảo tàng tôi được đọc từ bé.
Trong nghệ thuật, thói quen là thứ cần tránh: những chuyến đi này luôn cho tôi các cảm giác mới và góc nhìn mới. Thói quen đi để học này là một thói quen rất hữu ích cho tôi về sau.
Đến bây giờ thật khó có thể tách rời âm nhạc với tôi. Tôi duy trì thói quen từ lúc tốt nghiệp, ngoài chủ nhật tôi làm việc từ 8-10 tiếng một ngày để tập đàn, nghiên cứu, dạy học sinh.
Tuy nhiên, cũng có lúc tôi ngừng tập đàn hoàn toàn trong nhiều tháng để sau đó được quay lại với cảm giác tươi mới.
Nghệ sĩ piano Bích Trà - Ảnh: Jack Hui
* Nhạc cổ điển có sức hấp dẫn đến mức thế nào với chị, để chị có thể vì theo đuổi nó mà không ngừng lao động từ lúc còn rất nhỏ đến tận bây giờ?
- Từ lúc bé, ba tôi (nghệ sĩ violon Bích Ngọc) phát hiện khả năng âm nhạc của tôi. Đến tận bây giờ khi nghe nhạc, sự giao thoa của âm thanh - âm vực vẫn luôn đi xuyên qua tôi như một mũi tên, bắt tôi phải lắng nghe với tất cả các tế bào.
Thời gian chỉ khiến tôi thêm yêu nhạc vì có cơ hội làm việc với các tác phẩm lớn hơn so với khi bé, có phải đó là lý do tôi vẫn mải miết đi theo âm nhạc mà không thấy điểm dừng.
Từ lúc 14 tuổi khi mới sang Nga, được nghe concert mà các em học sinh thần đồng Nga biểu diễn tôi rất choáng váng vì hiểu ra hạn chế tài năng của mình, từ kỹ thuật tới tư duy âm nhạc. Bé như vậy mà tôi suy nghĩ rất nghiêm túc về con đường đi của mình.
Sau một tuần tôi quyết định không bỏ cuộc vì hiểu là tôi không thực sự tha thiết với các lựa chọn khác ngoài âm nhạc.
Tôi miệt mài luyện tập để bù đắp những khiếm khuyết, tự nhủ chỉ cần được theo nghề và làm hết khả năng của mình là được.
Nghệ sĩ Bích Trà sau một màn trình diễn - Ảnh: HBSO
Là con gái của ba mẹ
* Tôi có lần tình cờ được xem một tấm thiệp mà chị gửi cho mẹ Trà Giang, chị viết những dòng đầy tình cảm. Tình yêu với mẹ nồng nhiệt ấy và khoảng cách địa lý, hai mẹ con sống bên nhau ra sao?
- Tôi yêu mẹ lắm vì mẹ cho tôi sự tự do để tự đi bằng đôi chân của mình. Khi thấy mình vững vàng hơn về nghề nghiệp, tôi muốn dành thời gian cho mẹ nhiều hơn. Lúc trước COVID-19 tôi về hằng tháng hoặc cách ra một chút.
Hiện tại vì các chuyến bay hạn chế nên mẹ con tôi trò chuyện qua mạng ngày hai lần sáng và tối. Thấy mẹ tự tạo ra niềm vui cho mình hằng ngày qua việc vẽ tranh, tôi vô cùng hạnh phúc.
* Chị từng chia sẻ rằng là con gái của hai nghệ sĩ nổi tiếng như Trà Giang và Bích Ngọc, có áp lực đến mức không hiếm người khuyên chị nên giấu thân phận đi. Cũng không ít lần chị nói về những khó khăn, khó khăn theo chị là cái khó ló cái khôn hay bó cái khôn?
- Những năm đầu lập nghiệp vất vả vì môi trường cạnh tranh lớn, kinh tế - công việc - visa chưa ổn định, vẫn phải đi tập đàn nhờ hoặc xin vào trường cũ tập lúc tối khuya, tôi chỉ tự nhủ phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn cho lựa chọn của mình để không sống một cuộc sống an toàn hơn ở quê nhà mà lao vào con đường khó khăn lập nghiệp xứ người.
Đối với tôi, cái khó ló cái khôn, cái khó cho tôi bài học lớn: khi còn sống là ta còn cơ hội để chọn lựa giải pháp cho các khó khăn và làm chủ hướng đi của mình. Ngay cả khi ở tình thế khó khăn thế nào mình cũng vẫn có sự lựa chọn làm chủ suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề với hướng tích cực.
Là con gái của ba mẹ, tôi thấy được nỗ lực lao động của họ từ bên trong khác với nhìn nhận của xã hội từ bên ngoài, do vậy tôi không thấy bị áp lực về sự thành công của họ.
Tuy nhiên, tôi là người rất tự trọng, áp lực để tôi biết là tôi có thể đi bằng đôi chân của chính mình cũng là một trong những lý do tôi quyết định lập nghiệp phương xa.
Nghệ sĩ piano Bích Trà - Ảnh: Jack Hui
* Khái niệm thành công ở mỗi người dường như mang khuôn mặt khác nhau. Nhưng khó mà thành công nếu không có nỗ lực. Thành công của chị gồm những nỗ lực, hi sinh gì?
- Dường như tôi không có chữ "thành công" trong định hướng của mình. Tôi hướng tới sự tự do diễn đạt được các ý tưởng của tác phẩm trên cây đàn và tự do chọn lựa con đường phát triển. Tôi hằng ngày vẫn rèn luyện để đạt tới trạng thái tự do trong tư duy và biểu cảm.
Mong rằng ngày hôm nay mình làm được những việc hôm qua chưa làm được. Nếu phải dùng chữ thành công, tôi thấy mình thành công nhất trong việc vẫn yêu say đắm ngôn ngữ của môn ngành này, để luôn hạnh phúc mỗi khi ngồi vào cây đàn, khám phá và để được thách thức, phá vỡ những giới hạn rào cản của chính mình trong tư duy, trong kỹ thuật.
Nghệ sĩ Bích Trà sinh tại Hà Nội và đã biểu diễn lần đầu tiên trước khán giả tại Nhà hát lớn khi 10 tuổi. Năm 14 tuổi được chọn đi lưu học ở Nga, sau đó nhận học bổng du học tại Anh và tốt nghiệp năm 1999.
Năm 2012, Bích Trà được NAXOS mời độc quyền thu và phát hành các đĩa nhạc thuộc tuyển tập âm nhạc cho piano của Joachim Raff cho nhãn đĩa Grand Piano (thuộc Hãng Naxos).
Bích Trà được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam năm 2002 và gần đây cô là người Việt Nam đầu tiên đã được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện Âm nhạc hoàng gia, Anh) cho những cống hiến âm nhạc nổi bật trong năm 2013.
Tôi cũng khâm phục con tôi
Thực ra lúc quyết định cho Trà đi học nước ngoài từ năm 14 tuổi thì cả vợ chồng tôi đều lo lắng lắm, chứ không phải yên tâm đâu.
Nhưng chính anh Đặng Thái Sơn, khi ấy thỉnh thoảng về nước, qua nhà tôi chơi đàn và nghe Bích Trà đàn, anh Sơn đã động viên khuyên chúng tôi phải đưa Trà đi học nhạc ở nước ngoài từ khi em còn bé.
Bích Trà bên mẹ - NSND Trà Giang
Xa con từ nhỏ đến khi con trưởng thành, người mẹ nào muốn chứ? Nhưng tôi tôn trọng quyết định của con mình bởi việc cho con học piano là vợ chồng tôi chọn, nhưng để đi theo được đam mê nhọc nhằn này lại là cố gắng của cá nhân Bích Trà.
Chứng kiến con lao động, tôi cũng khâm phục con tôi. Tôi nhớ khi anh Bích Ngọc còn sống, anh cũng có lần thì thầm: Anh biết con mình giỏi nhưng anh không dám nói. Trà luôn vươn tới, luôn học hỏi, đến giờ con vẫn học không ngừng.
NSND Trà Giang
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận