01/12/2006 06:08 GMT+7

Nghệ nhân và người đương thời Bulgakov

Dịch giả Đoàn Tử Huyến
Dịch giả Đoàn Tử Huyến

TT - Đọc lại Nghệ nhân và Margarita (NNVM) vừa được tái bản nhân kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh Bulgakov, người đọc bắt gặp mấy dòng của tác giả bài thơ Đợi anh về - K.Simonov: “Bulgakov có ba tài năng cùng song hành suốt đời tranh đoạt nhau vị trí số 1: đó là tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn giả tưởng và tài năng của nhà văn hiện thực”.

NuEa3ks7.jpgPhóng to

...“Bi kịch của Nghệ nhân là anh không được người đương thời hiểu và đánh giá đúng. Nó cũng là bi kịch của đời riêng Bulgakov và nhiều thiên tài khác. Nhưng ở đây có điểm khác biệt giữa cuộc đời Nghệ nhân và đời thật của nhà văn: Bulgakov đã đấu tranh quyết liệt cho số phận của mình, còn Nghệ nhân thì không.

Có lẽ điều khác biệt này thể hiện lập trường của Bulgakov trong nghệ thuật. Về điều này một nhà nghiên cứu Bulgakov viết: “Nghệ nhân không phải là chiến sĩ. Nghệ nhân là nghệ sĩ. Mỗi người cần phải là chính mình. Và Nghệ nhân, hơn bất kỳ một ai khác, đã sống đúng là mình - là hiện thân vừa của sức mạnh vô biên, vừa của sự yếu đuối vô bờ của sự sáng tạo...”.

Bên cạnh Nghệ nhân là nàng Margarita. Đây là một trong những hình tượng phụ nữ tuyệt vời nhất của văn học Nga, mà nguyên mẫu là người vợ yêu quí của nhà văn Elena Sergeevna với tình yêu trong trắng, cao thượng của mình đã đi vào bất tử.

Margarita là hiện thân của tình yêu vô bờ bến, vì tình yêu chấp nhận tất cả. Để cứu người tình, nàng sẵn sàng trở thành phù thủy, đi cùng quỉ sứ. Margarita là thần hộ mệnh của Nghệ nhân, cũng như tình yêu là thần hộ mệnh của nghệ thuật - cặp bài trùng làm nên số phận...”.

Bulgakov viết NNVM trong 12 năm (1928-1940) với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỉ sứ, từng bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần! Một cuốn sách không dễ đọc nhưng có sức cuốn hút và ám ảnh kỳ lạ.

Không dễ đọc, trước hết vì độ dày của nó (gần 800 trang khổ lớn), vì hệ thống nhân vật đông đảo (506 nhân vật), nhưng chủ yếu vì nó không tầm thường, không chỉ là kiểu “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” (“2 trong 1”) mà nhân vật, sự kiện của hai tiểu thuyết cách nhau đến...1.900 năm, lại thực - hư lẫn lộn...

Tuy vậy, nó vẫn cuốn hút vì cách viết mới lạ, vì độc giả như được sống, được bay lượn trong một thế giới khác - với cách phù phép của nhà hắc ảo thuật Voland từ nước ngoài đến, các nhân vật có thể tàng hình, hóa thân, bay khắp nơi, trò chuyện với người đã chết...

Điều thú vị là nhờ sống trong “thế giới khác”, chúng ta có cơ hội được thấy rõ chân tướng của cuộc sống thật hôm nay (trong sách là hiện thực xã hội ở thành phố Matxcơva những năm 1920-1930, khi Liên Xô thực hiện chính sách “kinh tế mới”).

Cuộc sống sau bao năm tù hãm vừa được “giải phóng” đã bị bóc trần với đủ trò lố lăng bi - hài. Ví như cảnh cả đoàn người xếp hàng để xin căn hộ của Berlioz - chủ tịch Hội Nhà văn Matxcơva - khi nghe tin ông vừa bị xe điện chẹt chết; rồi các vị chức sắc ăn hối lộ, hám đôla, ngoại tình vụng trộm... dần lộ mặt...

Tiểu thuyết NNVM hấp dẫn, giàu tính trí tuệ còn vì đề tài mà Nghệ nhân (nhân vật chính của NNVM và là “cái tôi thứ hai” của tác giả) chọn để viết cuốn tiểu thuyết chính là câu chuyện đã xảy ra 1.900 năm trước với hai nhân vật chính là quan tổng trấn Pontius Pilate và Jesus Christ.

Đã có nhiều tác phẩm văn học dựa vào các sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng Bulgakov chỉ tập trung xoay quanh tâm trạng của Pilate trước và sau khi chàng trai quê ở Nazareth bị hành hình trên núi Trọc.

Quan tổng trấn tuy có thiện cảm với “nhà triết học lang thang rách rưới”, từng muốn cứu chàng khỏi tội chết (bằng cách gợi ý cho chàng chối bỏ việc tên Judas tố cáo chàng đã nói những lời xúc phạm đến hoàng đế...), nhưng rồi vẫn tuyên án tử hình và sau đó thì ân hận.

Nhân vật Pilate hèn nhát không dám từ bỏ danh vọng, bổng lộc để thực hiện thiện chí cứu người vô tội vì dù sao y cũng là vị quan của hoàng đế để rồi lương tâm cắn rứt cho mãi... 1.900 năm sau (cảnh gặp lại Chúa Jesus ở cuối tiểu thuyết) cũng như hình ảnh kẻ tử tù không thể nói dối để giữ mạng sống (đã đáp lại “gợi ý” của quan tổng trấn: “Nói sự thật dễ dàng và dễ chịu hơn...”), và việc chàng nhường những giọt nước lúc sắp chết khát cho tên tội phạm bên cạnh trên núi Trọc có ý nghĩa đến muôn đời vì nó tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa thiện và ác của nhân loại...

Chính vì thế, một nhà văn nổi tiếng người Gruzia đánh giá Bulgakov “đã là người đương thời của cha ông chúng ta, đang là người đương thời với chúng ta và sẽ là người đương thời của con cháu chúng ta”.

IuZLaWe4.jpgPhóng to

Cuộc đời M.Bulgakov (1891-1940) cũng như nhiều tác phẩm của ông gặp vô vàn gian truân, mặc dù từ năm 1925, khi phần đầu tiểu thuyết Bạch vệ của ông ra mắt, nhà thơ M.Voloshin đã đánh giá: “...Đây là một tác phẩm rất lớn và độc đáo; với tư cách là tác phẩm trình làng, chỉ có thể so sánh nó với sự ra mắt của Dostoevsky và Tolstoi...”.

Tác phẩm này lập tức được ông chuyển thành kịch, đích thân Stalin xem 15 lần. Tuy vậy, từ năm 1929, sau một ý kiến của Stalin cho rằng vở kịch Chạy trốn là một hiện tượng chống Xô viết, trên báo chí có đến 298 bài buộc tội ông bôi nhọ cách mạng!

Hầu hết các vở kịch và sách của ông bị cấm. Ông xin làm người gác cổng cũng không ai dám nhận! Thật may là ông không tự sát như nhà thơ Mayakovsky, nhà văn Fadeev... vì bốn ngày sau khi Mayakovsky bắn vào đầu tự tử (ngày 18-4-1930), đích thân Stalin gọi điện cho Bulgakov hứa giúp đỡ... và ông đã vứt khẩu súng nạp đạn sẵn...

Mặc dù suốt từ đó cho mãi đến gần một phần tư thế kỷ sau khi ông mất, tác phẩm của Bulgakov không được in dòng nào nhưng ông đã không buông bút. Nhờ đó mới có NNVM, một tác phẩm đỉnh cao của ông và của văn học Nga thế kỷ 20, được dịch in và dựng thành phim, kịch ở nhiều nước trên thế giới.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên