04/07/2021 11:46 GMT+7

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 5: Người thợ làm... máy bay chiến đấu

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Những chiếc máy bay tiêm kích biểu tượng của sức mạnh chiến tranh. Sở hữu được một chiến đấu cơ y hệt thực là niềm đam mê của không ít người dù chỉ là mô hình thu nhỏ.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 5: Người thợ làm... máy bay chiến đấu - Ảnh 1.

Ông Thành vẫn say mê làm việc sau khi nghỉ hưu - Ảnh: B.D.

Cả bầu trời trong góc nhà nhỏ

Từ thú vui của mình, một người thợ sửa chữa máy bay về hưu tại Đà Nẵng đã khéo léo, tỉ mẩn chế tạo ra hàng ngàn nguyên mẫu. Điều bất ngờ hơn, những mô hình của ông làm ra lại trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đình những ngày về hưu.

Ông Bùi Xuân Thành (67 tuổi) - chủ nhân của hàng ngàn mô hình chiến đấu cơ hiện sống ở con hẻm nhỏ trên đường Lê Trọng Tấn, TP Đà Nẵng. Đây là khu gia binh lớn nhất của Đà Nẵng, kế các đơn vị phòng không - không quân. 

Dù chỉ là một căn nhà nhỏ, nằm loằng ngoằng trong ngõ, nhưng nhà ông Thành được khá nhiều người chơi máy bay mô hình biết tới bởi đây là chiếc "lò" mỗi năm cho ra xưởng không dưới 100 mô hình phi cơ chiến đấu các loại có hình thức y như thật.

Ông Thành gốc quê miền Bắc. Chuyển vào Đà Nẵng sinh sống, làm việc, dù đã ngót 40 năm nhưng ông vẫn giữ thói quen hút thuốc lào và uống nước chè xanh cùng bạn bộ đội mỗi sáng. 

Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ lúc 9h30 và dấu hiệu dễ nhận biết là tiếng lè xè của chiếc máy mài được bật lên dội dọc con hẻm nhỏ. Trong khoảnh sân rộng chừng 6m2 làm chỗ để xe máy, ông Thành đã cơi nới rồi quây thành một gian nhỏ làm nơi chế tạo máy bay mô hình.

"Đây là mẻ máy bay thứ 3 tôi đang làm để giao cho khách từ TP.HCM trong tháng. Làm chưa kịp phun xịt sơn, lắp giá tên lửa, đánh phiên hiệu bên ngoài vỏ thì khách đã tới nhà đứng đợi để lấy. Tháng nào tôi cũng làm ít nhất 10 cái để kịp tiến độ giao cho khách" - ông Thành cầm trên tay mô hình chiến đấu cơ SU-30MK2, nói. 

Xung quanh vị trí ông Thành đứng lỉnh kỉnh những lá nhôm đang cắt dở, mùn sắt phủ dày thành lớp dưới nền đất. Những chiếc máy bay chiến đấu mô hình đang xếp dãy chờ tới lượt được trang điểm, tỉa tót và gia công hoàn thiện.

Quan sát bằng mắt thường thật khó có điểm nào khác so với một phiên bản tiêm kích ngoài đời thật. Các chiến đấu cơ đủ chủng loại như SU-MK2, MIG-15, 17, 19 cho tới dòng máy bay huấn luyện như L-29... xếp dãy trên bàn. Cúi người thấp xuống nhìn ngang, những chiếc máy bay này y như đang chuẩn bị cất cánh, xé gió lên không chiến trên bầu trời.

Chế tạo máy bay bằng... trí tưởng tượng

Người lính kỹ thuật hàng không Bùi Xuân Thành từng là một trong những học viên xuất sắc nhất của khóa đào tạo cơ khí hàng không thuộc lực lượng không quân những năm 1973. Năm 1975, ông được biên chế về Nhà máy A39 đóng tại sân bay Yên Bái (sau này sáp nhập vào Nhà máy A32 hiện đóng tại Đà Nẵng) trong vai trò là thợ kiểm soát kỹ thuật.

Ông Thành cho biết dù làm trong sân bay, nhưng những năm 1975 ít khi ông được tiếp xúc trực tiếp với các chiến đấu cơ thật do yêu cầu công việc. Vì quá thích thú nên năm 1980 khi nhà máy chuyển về Đà Nẵng, ông tự tưởng tượng và cắt tấm mica để làm cho mình một mô hình MIG-21. 

"Tôi đem về tặng cho bố để ông tự hào rằng có cậu con trai làm thợ sửa chữa máy bay. Nhưng khi chưng lên thì đồng đội tới nhà ai cũng cười và bảo rằng máy bay gì nhìn như... con cào cào bị bỏ đói. Đầu thì giống MIG-21 nhưng cánh lại là của MIG-17" - ông Thành kể.

Những năm sau 1980, việc kiểm soát trong nhà máy sửa chữa được nới lỏng dần. Ông Thành hay lên phân xưởng cuối cùng của quá trình sửa chữa, lắp ráp để được nhìn thấy máy bay ngoài đời thực. Lần đầu thấy chiến đấu cơ lừng lững dưới mặt đất, ông sướng run lên. Đầu óc mở hết cỡ "bộ nhớ" để ghi lại những gì có trên máy bay thật. Về nhà ông lầm lũi ghi chép lại, tự vẽ ra mô phỏng. Một ngày đẹp trời, thấy ông say mê với mô hình máy bay, vị giám đốc nhà máy A32 đã gọi lên và đặt vào bàn tay ông tờ catalog (tài liệu giới thiệu sản phẩm) về chiến đấu cơ.

Ông Thành cho biết khi làm tới chiếc máy bay mô hình thứ 3 thì một bất ngờ ập đến thay đổi toàn bộ niềm đam mê của ông. Giám đốc Nhà máy A32 đã tiếp tục gọi ông lên và đưa hẳn bản vẽ tỉ lệ các máy bay chiến đấu mà đơn vị này đang quản lý, sửa chữa. 

"Tỉ lệ, sơ đồ bố trí thiết bị máy bay là bộ khung cho một sản phẩm hoàn chỉnh. Tui cầm mà bước ra phòng trong lòng vui sướng tột độ, tự nhủ mình phải bảo mật thật kỹ, lo sợ thủ trưởng đổi ý... thu hồi lại" - ông Thành kể.

Có tài liệu, ông Thành dành hết thời gian ngoài giờ làm việc cho chế tạo máy bay mô hình. Bản tỉ lệ về các mẫu chiến đấu cơ đã giải tất cả các bài toán về kích thước lớn nhỏ mà lâu nay ông Thành không tự mình giải quyết được. 

Những chiếc máy bay ông tự làm, từ việc đuôi quá dài, bụng máy bay quá to..., nay được gọt giũa và biến thành phiên bản y như thật. Ông Thành được giám đốc nhà máy giao hẳn việc chế tạo ra 3 mô hình chiến đấu cơ bằng gỗ mít, đặt trong nhà truyền thống đơn vị.

Người thợ kỹ thuật máy bay Bùi Xuân Thành cho biết những năm 1985 cho tới ngày ông về hưu vào năm 2015, ông gần như được "biên chế" qua chế tạo máy bay mô hình. 

Thủ trưởng đơn vị qua các thế hệ khi nhận ra bàn tay tài hoa của ông thì đã yêu cầu cấp dưới phân bổ công việc hợp lý, giãn việc để ông Thành có thời gian chế tạo ra các mô hình chiến đấu cơ làm quà tặng cho các đoàn tới thăm.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 5: Người thợ làm... máy bay chiến đấu - Ảnh 2.

Những máy bay mô hình bằng nhôm được ông Thành dày công chế tạo - Ảnh: B.D.

Về hưu vẫn làm việc

Ông Thành cho biết từ năm 2015 đến nay khi về hưu, ông dành hết thời gian để tìm hiểu các mẫu máy bay chiến đấu từ kiểu cũ tới hiện đại để chế tạo, bán cho khách. Khi còn làm trong nhà máy, các máy bay mô hình của ông dù được nhiều người đặt hàng nhưng ông đều để lại cho đơn vị. Khi về đời thường, ngôi nhà của ông được biến thành "công xưởng" để thỏa chí đam mê.

Điều rất khác biệt trong các máy bay mà ông làm là vật liệu được sử dụng toàn bộ bằng nhôm, không sử dụng sắt thép. Ông đặt nhôm được tinh luyện, tuyển lựa kỹ rồi gửi thợ hàn. Bộ thân chính máy bay khi về tới nhà, ông tiếp tục hoàn thiện các công đoạn kỹ thuật đòi hỏi độ tinh xảo, chi tiết như mài cánh hãm lực, bố trí giá tên lửa, lắp ăngten, rađa... 

Những chi tiết nhìn qua rất nhỏ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và am hiểu về máy bay mà không phải người làm trong ngành quân sự nào cũng tích lũy được như ông.

Những chiếc máy bay mô hình do ông Thành chế tạo đã được trao tặng cho các nguyên thủ quốc gia từng tới thăm đơn vị như cố Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các đoàn ngoại giao, quân đội...

Ông Thành cho biết ông vừa làm, vừa chơi nhưng mỗi tháng cũng chế tạo được 10-15 chiến đấu cơ mô hình. Mỗi chiếc nặng chừng 1,5 - 3kg tùy loại, được mài giũa tinh xảo, đánh phiên hiệu theo yêu cầu của khách hàng. Hàng của ông gần như được đặt sẵn, ông bán mỗi chiếc từ 3-5 triệu đồng và thu nhập 150 - 200 triệu đồng trừ chi phí mỗi năm.

*******

Gần 20 năm qua, người đàn ông đã hồi sinh cho nhiều cây kèn đồng của các nghệ sĩ saxophone nổi danh trong, ngoài nước. Đặc biệt, nhiều cây kèn quý cũng "vượt" đại dương tìm về đây để được sửa chữa.

>> Kỳ tới: Người sửa kèn đồng hiếm hoi ở Sài Gòn

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 4: Người ướp hoa Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 4: Người ướp hoa 'bất tử'

TTO - Từ một người giúp việc nơi đất khách, bà Lê Thị Việt đã học được nghề ướp hoa độc đáo. Nghề đã giúp bà thoát cảnh osin lên vị trí người chủ, trả lương cho những nhân viên giúp việc của mình.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên