02/07/2021 12:00 GMT+7

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 3: Sự trở về của đôi dép vỏ xe

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Nguyễn Tiến Cường quay lại thị trường nội địa. Những đôi dép được làm từ lốp xe (vỏ xe) hư mà lại được nhiều người ưa thích.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 3: Sự trở về của đôi dép vỏ xe - Ảnh 1.

Những người thợ làm dép lốp đã sống được với nghề - Ảnh: VŨ TUẤN

"Bảy năm lăn lộn với đôi dép, cái tôi lời nhất là biết bán cho ai, và có một đội thợ trẻ giỏi.

Anh Nguyễn Tiến Cường


Thời trang từ lốp phế thải

Nghề làm dép từ những chiếc lốp xe hư bỏ đi tưởng như đã biến mất mấy chục năm nay, ít ai nghĩ CEO của thương hiệu Vua dép lốp Nguyễn Tiến Cường đã âm thầm đưa đôi dép cao su (dép lốp) sang cả nhiều nước. 

Dép cao su không còn cục mịch, nặng nề gắn với kỷ niệm thời khốn khó mà đang trở lại là một sản phẩm thời trang đa dụng, cá tính.

Anh Nguyễn Văn Trường - một người thợ của Vua dép lốp nhúng con dao chuyên dụng vào nước xà phòng rồi đưa một đường ngọt xợt lên miếng cao su. Con dao gần giống một chiếc đục to bản, sắc lẹm, anh thợ nhấn một nhát, chiếc vòng cao su lì lợm, cứng ngắc, to như cái nong bị thái làm đôi.

Ngoài "thịt" của những chiếc lốp monstertruck (xe tải hạng nặng) còn có cả thịt của lốp máy bay. Kinh nghiệm những người làm dép lốp lâu năm, những loại cao su này là bền nhất nhưng cũng khó "thi công" nhất.

Trước đây, ông chủ thương hiệu Vua dép lốp từng mua cả ôtô lốp xe tải hư từ Quảng Ninh về để chất đầy đường. Mỗi quả lốp nặng trịch, anh em thợ hò nhau xẻ thịt. Đến giờ công đoạn xẻ lốp đã có xưởng nơi khác làm dịch vụ, công ty chỉ nhập phần "thịt" để làm.

Anh Trường là một trong 20 "truyền nhân" của nghệ nhân Phạm Quang Xuân. Ông Xuân đã từng được xem là người làm dép lốp cuối cùng ở miền Bắc. 

Ông là công nhân làm việc trong phân xưởng sản xuất dép cao su của Xí nghiệp dép lốp Trường Sơn (Hàng Bồ, Hà Nội). Năm 1985 xí nghiệp giải thể, những đôi dép cao su dần bị thay thế bằng dép nhựa, dép da, nghề làm dép lốp cũng gần như biến mất.

Anh Trường bộc bạch cũng không nghĩ mình có duyên với những chiếc dép lốp đến vậy. Anh từng theo cụ Phạm Quang Xuân học nghề từ mấy chục năm trước, sau anh đi làm công nhân cho một nhà máy in, rồi nghỉ việc làm nhiều nghề kiếm sống. 

Đến khi con rể cụ Xuân hồi sinh xưởng sản xuất dép lốp, anh được mời về tiếp tục học nghề và được giao phụ trách một xưởng nhỏ nằm trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Anh Trường vừa làm dép, vừa sửa những đôi dép hỏng theo yêu cầu của khách ở đây, nhưng quan trọng nhất là biểu diễn thao tác của nghề để du khách được tận mắt chứng kiến.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khách du lịch gần như không có nhưng anh Trường và cả 19 thợ làm nghề khác của công ty vẫn cần mẫn làm việc. 

"Dép lốp bây giờ khác nhiều rồi, không phải chỉ mấy đôi quai hậu như thời chiến tranh mà có rất nhiều loại, nhiều mẫu. Người trẻ, người già, phụ nữ hay trẻ em đều có mẫu riêng. Nhưng đặc biệt là tất cả đều làm thủ công" - anh Trường nói.

Ba mẫu dép cao su được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất trong showroom của Vua dép lốp là đôi dép "Bác Hồ", đôi "Bác Giáp" và đôi "Khe Sanh". Đây là cái tên do những người thợ làm dép lốp đặt cho. 

Đôi dép Bác Hồ lấy nguyên mẫu là đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại bảo tàng. Bố vợ anh Cường - nghệ nhân Phạm Quang Xuân, cũng chính là một trong bốn người thợ được chọn để tái tạo đôi dép huyền thoại lịch sử ấy từ ngày mới thành lập bảo tàng.

Đôi dép thứ hai "Bác Giáp" chính là mẫu dép cao su được sản xuất trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đôi "Khe Sanh" là mẫu dép huyền thoại của bộ đội trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Anh Cường nói đó là những đôi dép truyền thống mà những người thợ làm dép lốp luôn trân trọng. Những mẫu đó đến giờ vẫn bán chạy. Khách hàng là người nước ngoài, cựu binh hoặc những người thích phong cách cá tính.

Ấy thế nhưng trong showroom của anh Cường vẫn có đến vài chục mẫu khác, chia thành nhiều dòng. Có dòng truyền thống quai hậu, dép rọ, có dép lê, có xăng đan... Đặc biệt có cả những đôi cao gót vừa phải dành cho phụ nữ. Có những đôi làm từ cao su lốp máy bay, những đôi khác làm từ lốp xe tải hạng nặng, lại có nhiều đôi được làm từ cao su non và nhuộm màu tinh tế.

"Cái khó nhất của tôi khi quyết định phát triển nghề của bố vợ chính là làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của khách hàng về đôi dép lốp. Giá trị lịch sử chúng tôi giữ lại, đó là một thế mạnh, nhưng chúng tôi phải chinh phục khách hàng bằng chất lượng, mẫu mã, sự thoải mái, bền đẹp chứ không phải chỉ dựa vào giá trị lịch sử" - anh Cường tâm sự.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 3: Sự trở về của đôi dép vỏ xe - Ảnh 4.

Mẫu mã của dép cao su được thiết kế đa dạng, thời trang - Ảnh: VŨ TUẤN

Mua hàng hiệu cho thợ trải nghiệm

Nhấc một đôi dép đế cao su máy bay, lót cao su non và có quai màu xanh trang nhã, anh Cường nói để tìm ra công nghệ dán lớp cao su non vào lớp đế, trung tâm của anh mất ba năm nghiên cứu. Những chiếc quai dép mềm mại, có màu sắc cũng do xưởng của anh nghiên cứu, tự đúc, tự nhuộm màu.

"Thế mạnh của dép lốp là bền, chịu nước, nhưng cao su trước đây thường nặng và bị dây màu đen ra chân. Chúng tôi phải nghiên cứu khắc phục nhược điểm đó. Dép lốp chỉ để bày không là không được, nó phải được sử dụng như một vật dụng hằng ngày và cũng phải hợp thời trang" - CEO Vua dép lốp khẳng định.

Mười năm trước, khi anh con rể có ý học nghề, ông Xuân gạt phắt. Anh Cường khi đó là phó giám đốc một công ty công nghệ, nghề "hot" thu nhập cao. Chính bản thân cụ Xuân là thợ giỏi nhưng không sống được bằng nghề, cuộc sống của cụ rất đạm bạc. Anh Cường cũng thừa nhận anh không làm được việc tay chân, buộc cái dây cao su cũng bị bố vợ mắng vì không vừa ý.

"Bố tôi cực kỳ kỹ tính - anh Cường chia sẻ - đôi dép ông làm tỉ mẩn, cẩn thận đến mức rút cái dây cao su cũng phải rút cái nào trước, cái nào sau? Đục lỗ trên đế không được đục thẳng mà phải vát, phải gấp khúc, lỗ đục vừa phải nhỏ, vừa dích dắc để giữ chặt quai".

Anh lập trang web Depcaosu.com rồi đăng vài hình ảnh của những đôi dép do bố vợ làm. "Không ngờ có rất nhiều người quan tâm. Họ tìm đến tận nhà bố tôi, lúc đó ở một ngách rất sâu trong ngõ chợ Khâm Thiên để mua dép" - anh Cường nói.

Từ ngày ấy, anh Cường giúp bố vợ bán hàng và mò mẫm học ông những ngón nghề. Khi ấy ông Xuân đã 72 tuổi, không làm được nhiều. Ai muốn mua phải đặt trước cả tháng trời. Khi mua thì mang chứng minh thư đến. Anh Cường ghi lại mỗi năm chỉ được mua một đôi, có năn nỉ, thêm tiền anh cũng không bán. Mua hàng cũng chỉ trong thời gian từ 18-21h, quá một phút anh Cường đóng cửa.

"Chúng tôi không phải "chảnh" gì đâu mà làm không nổi. Dép lốp chỉ có bố tôi làm, mà ông đã đến tuổi phải được nghỉ ngơi nên không làm nhiều. Tính ông kỹ tính, làm dép phải thật chuẩn, thật vừa vặn, ưng ý mới giao cho khách" - Vua dép lốp Tiến Cường kể lại.

Phó giám đốc công ty công nghệ khi ấy quyết định bỏ việc, lặn lội đi khắp nơi từ Thái Bình, Nam Định, vào tận Thanh Hóa để tìm những người biết làm dép lốp. Chỉ cần tìm được người, anh đến thuyết phục họ, mời về xưởng của cụ Phạm Quang Xuân vừa làm vừa học nghề của cụ. 

Anh thành lập cả một trung tâm nghiên cứu, ra mẫu rồi nhờ cụ Xuân chỉnh sửa cho thật chuẩn. Đội thợ lành nghề còn được anh tặng những đôi dép hàng hiệu để đi và cảm nhận yêu cầu của đôi dép tốt là như nào. Mẫu ra, 20 người làm thủ công, trăm đôi như một, tinh tế, giống nhau như làm bằng máy...

CEO Nguyễn Tiến Cường của thương hiệu này đang kỳ vọng khi dịch COVID-19 lắng xuống, anh sẽ tổ chức được "show" diễn làm dép cao su phục vụ khách du lịch.

Anh khẳng định những người thợ trẻ trong công ty hiện đang là những người thợ giỏi nhất anh từng biết. Những nhát dao, nhát đục, những đường cắt, mũi khâu của họ điêu luyện đến mức nghệ thuật.

*************

Từ một người giúp việc nơi đất khách, bà đã học được nghề "trồng" hoa độc đáo như không bao giờ héo úa trong lọ thủy tinh.

>> Kỳ tới: Người ướp hoa "bất tử"

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 2: Kiếm tiền nhờ... chạy Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 2: Kiếm tiền nhờ... chạy

TTO - Mỗi ngày chạy từ 10 đến 20km, người ta ví von những người chạy dây keo (bện thừng) như những vận động viên chạy bộ bởi sự dẻo dai và bền bỉ. Kiếm tiền nhờ chạy, tưởng đùa mà thật tại miệt châu thổ phương Nam.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên