24/11/2016 10:05 GMT+7

Nghe bà Tám Trầu kể chuyện

MAI HƯƠNG, maihuong@tuoitre.com.vn
MAI HƯƠNG, maihuong@tuoitre.com.vn

TTO - Vừa mới đi thăm ruộng về, chưa kịp lột cái nón lá đội đầu, bà Tám Trầu đã nghe có người gọi: “Cô Tám ơi, có khách đoàn, nhờ cô Tám qua nói chuyện”.

Bà Tám Trầu kể chuyện về những bức ảnh trưng bày trong nhà di tích xã Xuân Thới Đông - Ảnh: Tự Trung
Bà Tám Trầu kể chuyện về những bức ảnh trưng bày trong nhà di tích xã Xuân Thới Đông - Ảnh: Tự Trung

Không kịp bước vô nhà, vẫn nguyên bộ đồ đi mần, bà Tám lội bộ qua nhà di tích xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, cách nhà bà chừng một khoảng sân rộng.

Bà Tám Trầu (tên thật là Lê Thị Lộc) năm nay đã 75 tuổi. Từ ngày gia đình bà hiến mảnh đất xưa kia vốn là nơi Xứ ủy Nam kỳ quyết định tổng khởi nghĩa ngày 23-11-1940 để xây nhà di tích, bà cũng thành hướng dẫn viên nghiệp dư.

Không có kịch bản, chẳng có tờ giấy lận lưng mà những câu chuyện từ khuôn miệng bỏm bẻm nhai trầu của bà còn lắng sâu hơn sách sử.

Chiến tranh kể mấy cho vừa...

“Chiến tranh mà tụi con, biết kể mấy cho vừa...” - bà Tám hay mở đầu câu chuyện bằng một câu buồn buồn như vậy kèm theo tiếng thở dài.

Rồi bà thủng thẳng: “Mấy đứa biết tại sao mấy bà, mấy cô vùng này uống được nhiều rượu hông? Thời chống Pháp, giặc tới vây làng, đốt nhà. Đàn ông, con trai trong làng tham gia du kích kéo lên miệt đồng bưng chiến đấu. Rồi Việt gian chỉ điểm, giặc nã súng lên đó chết biết bao nhiêu mà kể.

Đàn ông hi sinh hết, chỉ còn đàn bà, con gái chân yếu tay mềm. Ban đêm, mấy bả phải đem rượu ra uống cho nóng người đặng còn có sức, có gan lần mò lên đó ôm xác cha, chồng, con, anh, em về chôn cất. Có nhà trong một đêm kéo về hai xác, nhà thì ba bốn xác...”.

Nói về vai trò của tổ chức Đảng và tính tiên phong anh dũng của đảng viên, bà Tám không đem chuyện xứ ủy, hội họp, nghị quyết ra kể mà rơm rớm nước mắt nhắc chuyện chỉ riêng ở cái xã nhỏ xíu này, thời chống Mỹ đã có tới bốn bí thư xã bị giặc giết hại dã man: anh Tám Cá, anh Hai Nhạt, anh Tú, chị Hà.

Có người giặc giết rồi còn luồn cọng kẽm kéo cái mặt lên để tụi nó chụp hình, xong nó kéo xác lê khắp xóm làng để thị uy.

Chỉ lên mấy tấm ảnh chân dung các anh hùng liệt sĩ trưng bày trong nhà di tích, bà nói: “Tụi con thấy hông, người nào người nấy nằm xuống khi tóc còn xanh mướt đây nè.

Thời đó ai vô Đảng, đã là đảng viên, là bí thư thấy cái gì khó mình gánh vác, chuyện gì nguy nan nhất, gian khổ nhất mình xung phong. Dân mình thương Đảng, theo Đảng cũng vì như vậy đó!”.

Bà già trầu... xuất ngoại

Nhà di tích của xã Xuân Thới Đông rộng cỡ 750m2, nằm ngay mặt tiền đường. Hồi giá đất lên, có người hỏi bà Tám Trầu có thấy tiếc của không khi ngày xưa bà và mấy anh chị em gật đầu ủng hộ má mình (má bà là mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hồi) cắt đất hiến cho chính quyền làm di tích?

Bà trả lời: “Ừ thì má cắt bớt đất đem hiến, nghĩa là phần chia cho bầy con sẽ bị giảm đi. Nhưng má hi sinh cả cuộc đời, hiến dâng luôn bốn người con thương yêu cho quê hương thì sá gì miếng đất”.

Có lần vừa kể xong chuyện ở nhà di tích, có em học trò viết giấy hỏi bà Tám sao bà hổng chịu lấy chồng, bà cười, đọc mấy câu thơ: Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà/Vẹn tình non nước, thắm tình ta...

Bà nói quê hương thống nhất là mừng lắm rồi, chuyện riêng không trọn thì lấy niềm vui chung mà an ủi.

Theo gương má, theo chân các anh chị, bà Tám cũng đi làm cách mạng, cũng nếm mọi gian khổ, vào tù ra khám.

Quay đi ngoảnh lại, khi Sài Gòn giải phóng thì thời xuân sắc cũng qua rồi. Bà ở vậy với má. Năm 2000, má mất, bà Tám còn lại một mình.

75 tuổi rồi, bà vẫn một mình quán xuyến 4 công ruộng. Việc nặng thì thuê người, còn mấy chuyện “nhẹ nhẹ” cỡ gieo, nhổ, cắt, cấy, phơi lúa bà vẫn tự tay mần.

Miếng vườn gần 4.000m2 hồi xưa trồng trầu, giờ nước ngập trầu chết, bà Tám mua lưới quây kín, lên luống, làm đất trồng rau sạch bán cho siêu thị. Tiền cắt rau bán mỗi ngày được cả triệu đồng.

Nghe ai hỏi bà sao già rồi mà nhanh nhạy dữ vậy, bà đáp gọn hơ: “Hồi xưa đánh giặc có ai dạy đâu mà xứ này người nào cũng giỏi. Giờ hết giặc rồi, muốn hết đói, bớt nghèo thì phải tính cách mà làm chớ”.

Chuyện bà Tám Trầu kể nếu chỉ toàn chiến tranh, bom đạn, chết chóc chắc kể riết cũng mòn. Bà có cách làm mới buổi “thuyết minh” của mình bằng những câu chuyện mắt thấy tai nghe bên... nước ngoài.

Có ai ngờ bà già trầu 75 tuổi ngó bộ cù lần, ngày nào phải nhai 5-6 cữ trầu, mang dép lào, vận bà ba, đội nón lá, móng chân đóng phèn mà đã đi nước ngoài chơi miết.

Bà Tám đã đi du lịch tới bảy nước: Trung Quốc, Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, giờ còn đang lên kế hoạch đi Mỹ.

Qua Thái Lan, bà Tám kể thấy người ta làm nông thiệt sướng, thu hoạch bằng máy móc chừng một tiếng đồng hồ đầy cả xe trái cây, đâu như mình leo trèo còng lưng cả ngày.

Bên Singapore thì sạch sẽ thôi rồi, ra đường kiếm cọng rác hổng ra. Rồi đi các nước ở đâu người ta cũng xếp hàng: xuống máy bay, đi ăn, đi siêu thị đều trật tự nghiêm túc...

Có chỗ người ta đang xếp hàng, người Việt mình chạy tới tự nhiên chen ngang vô, bà Tám ngó thấy mắc cỡ gì đâu. Mấy chuyện đó bà Tám đem về kể cho sấp nhỏ rồi nhắn nhủ: “Thời ông bà, cha mẹ rồi thời của dì Tám giữ nước bằng hai bàn tay trắng, bằng tầm vông vạt nhọn, bằng kiến thức i tờ - chỉ có lòng yêu nước trong tim.

Còn mấy em, mấy cháu bây giờ muốn giúp nước phải đi nhiều, học hỏi nhiều, mở mang kiến thức, đừng có bó hẹp con mắt mình quẩn quanh một chỗ, dì Tám nhà quê vậy rồi còn đi được mà. Người ta đi nhanh lắm rồi, mình phải ráng nhiều mới kịp...”.

Nghe bà nói vậy, mấy cô cậu sinh viên thích chí vỗ tay rần rần, không ngờ bà Tám thiệt tân thời. Bà Tám Trầu đặt micro xuống, lấy miếng trầu têm sẵn trong túi bỏ miệng nhai, đội cái nón lá lên đầu rồi xin phép về đặng kịp ra đồng gặt lúa.

Lễ giỗ chiến sĩ Nam kỳ

Từ ngày gia đình bà Tám Trầu hiến đất rồi nhà di tích xã được xây lên, hằng năm cứ đúng kỷ niệm Ngày khởi nghĩa Nam kỳ 23-11, chính quyền và bà con xã Xuân Thới Đông lại tổ chức một lễ giỗ tập thể cho các chiến sĩ Nam kỳ.

Đám giỗ làm kiểu nhà quê, có 50-60 mâm đãi từ sáng tới chiều. Ngoài phần cỗ được xã chuẩn bị sẵn, thân nhân liệt sĩ, bà con quanh vùng người hái mớ trái cây, người câu con cá, người bắt con gà, con vịt, người khá hơn thì quay con heo làm món đem tới cúng.

Sau phần nghi lễ, bà con quây quần ngồi ăn với nhau bữa cơm, cùng nhắc chuyện ngày xưa ở 18 thôn vườn trầu...

Đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM dâng hương tại khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng - Ảnh: Nam Phạm
Đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM dâng hương tại khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng - Ảnh: Nam Phạm

Họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày khởi nghĩa Nam kỳ

Ngày 23-11, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM phối hợp với Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn tổ chức họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày khởi

nghĩa Nam kỳ (23-11-1940 - 23-11-2016).

Đến dự có Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung, Phó chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng; các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng. Trước đó, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện 

Hóc Môn) và tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trụ sở UBND huyện Hóc Môn).

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn, ông Nguyễn Cư - bí thư Huyện ủy Hóc Môn - đọc diễn văn ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của người dân Hóc Môn trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy chưa thành công như mong muốn nhưng để lại nhiều bài học có ý nghĩa vô cùng to lớn, nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng, ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công chống thực dân, giành độc lập của nhân dân ta.

“76 năm đã đi qua, nhưng tinh thần của cuộc khởi nghĩa vẫn luôn sống mãi cùng thời gian. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Hóc Môn tiếp tục sẽ học tập, nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - ông Cư nhấn mạnh.

MAI HƯƠNG

 

MAI HƯƠNG, maihuong@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên