Kỳ 1: Sa mạc xanh
![]() |
Cụ bà Makiko tỉ mẩn đóng gói lá momisi - Ảnh: H.T. |
Trong một chuyến đi đến đất nước này, phóng viên Tuổi Trẻ ghi được những câu chuyện thú vị về việc “sám hối” của người Nhật.
Các bạn đã bao giờ nghe câu chuyện về những người tuổi từ 60 đến trên 80 mỗi ngày kiếm 200-400 USD chưa? Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm sa mạc xanh chưa? Người hướng dẫn Emiko Katayama đã tạo sức hấp dẫn cho chúng tôi ngay trước khi bước lên xe để đi đến thành phố Kamikatsu thuộc tỉnh Tokushima.
Triệu phú hái lá
Việc khai thác tận diệt, hối hả đã khiến thảm thực vật không còn, dẫn đến việc sâu bọ cũng không còn đất sống thì lấy gì chim chóc tồn tại! |
Những người già làm gì để giàu? Họ hái lá rừng! Hái lá rừng để làm gì? Đến Nhật, khi bước vào bất cứ quán ăn nào, từ bình dân đến sang trọng, mọi đĩa thức ăn dù to hay nhỏ luôn có những chiếc lá be bé xinh xinh để trang trí. Đó là truyền thống ẩm thực của Nhật, rất xem trọng chuyện hình thức. Những chiếc lá ấy phần lớn được cung cấp từ thành phố Kamikatsu.
Chúng tôi đến nhà bà cụ Makiko Shobu, năm nay 82 tuổi. Cũng như mọi người già khác ở thành phố Kamikatsu, con cháu của cụ Makiko đã đổ hết về những thành phố lớn làm việc cho các công ty, nhà máy nên cụ sống một mình. Công việc mỗi ngày của cụ Makiko là mở email xem khách hàng gửi thư đặt mua loại lá gì, bao nhiêu hộp. Loại lá người ta mua nhiều nhất là lá momisi, hình dáng như lá phong.
Cây momisi khá to lớn, đầy quanh nhà cụ Makiko nên chỉ cần đi vài chục mét là đến nơi khai thác. Còn nếu khách hàng đặt những loại lá khác, ở xa nhà thì cụ lái xe hơi đi hái. Cụ thong thả trèo lên chiếc thang nhôm và cẩn thận hái từng chiếc lá bỏ vào túi đan bằng tre đeo bên hông. Hái đủ số lượng cần thiết, cụ thong thả về lại nhà, tỉ mẩn rửa từng chiếc lá rồi xếp vào hộp xốp với số lượng 50 lá/hộp. Khi đã đủ số lượng, cụ thong thả mang ra xe hơi tự chở đến Công ty Irodori, nơi đảm trách công việc chuyên chở những hộp lá này đến các khách hàng của cụ Makiko rải rác trên toàn nước Nhật.
Cứ mỗi hộp 50 chiếc lá momisi như thế, Công ty Irodori trả cho cụ Makiko số tiền tương đương 300.000 đồng VN. Mỗi ngày cụ sản xuất vài chục hộp lá như thế thì rõ ràng việc kiếm vài trăm USD là quá bình thường. Và đơn đặt hàng thì cụ Makiko cho biết đến liên tục nên làm không xuể. Tiền nhiều thế cụ dùng làm gì? Trả lời câu hỏi của tôi, cụ Makiko cười móm mém: ”Thì để trong nhà băng, giúp đỡ xã hội, để dành cho con cháu”.
![]() |
Khách sạn Tsukigatani Onsen giữa sa mạc xanh với cây cối um tùm, suối chảy róc rách nhưng không một bóng chim, tăm cá! - Ảnh: H.T. |
Ở nơi trong lành
Đêm ở Kamikatsu, đoàn chúng tôi đã có được một giấc ngủ êm đềm trong khách sạn Tsukigatani Onsen. Thật thú vị khi được biết đây là một khách sạn xanh, tuy không sang trọng hiện đại kiểu 4-5 sao nhưng về các tiêu chuẩn môi trường thì người dân Kamikatsu tự hào đây là khách sạn số một thế giới.
Điện để thắp sáng, chạy máy sưởi vào mùa đông, máy lạnh ở mùa hè, điện cho việc đun nước nóng... của khách sạn, thậm chí còn dư giả để cung cấp cho một số hộ dân quanh vùng, được cung cấp bởi một máy phát điện hiện đại sử dụng bằng gỗ thông vụn! Kỹ sư Kakagawa, người phụ trách nhà máy điện hiện đại này, cho biết gỗ vụn không bao giờ lo hết ở đây. Ông vừa nói vừa khoát
tay chỉ những ngọn núi xanh mướt của vùng này. Mỗi ngày công nhân vào rừng chặt cành, mé nhánh đem về cho vào máy nghiền thành gỗ vụn cung cấp cho máy phát điện.
Sáng sớm khi mặt trời còn chưa ló dạng, các thành viên trong đoàn chúng tôi không hẹn mà gặp đều cùng choàng dậy để ra ngoài tận hưởng không khí trong lành. Ô hay, rừng núi bao quanh nhưng sao không nghe một tiếng chim hót? Suối trong xanh róc rách dưới chân sao chẳng thấy một con cá nào? Đem thắc mắc ấy hỏi kỹ sư Kakagawa trong buổi ăn sáng, ông cười bảo đó là chủ đề sẽ được giới thiệu ở buổi thuyết trình do chính ông thực hiện diễn ra ngay sáng hôm ấy.
Mở đầu buổi thuyết trình, ông Kakagawa chiếu cho chúng tôi xem những bức ảnh thật quen thuộc. Đó là những cánh rừng bị khai thác trụi lủi, nhựa cây tươm ra từ những vết cưa ngang đỏ bầm như máu. Những cơn lũ quét hung hãn cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó.
Kỹ sư Kakagawa nói: “Hơn một thế kỷ trước, nơi đây là nguồn cung cấp gỗ thông lớn cho cả Nhật Bản. Những cánh rừng nguyên sinh bị đốn trụi, rồi tiếp đến là hối hả trồng những cánh rừng thông thay thế. Rồi vài năm sau, khi thông đủ lớn để khai thác lại tiếp tục cưa. Cưa rồi trồng, trồng rồi cưa... Rừng đã đem lại những món lợi khổng lồ cho con người, đặc biệt vào giữa thế kỷ 20, khi giá gỗ thông lên đến mức đỉnh điểm là 180.000 yen/m3 (gấp đôi so với hiện nay)”.
Việc khai thác tận diệt, hối hả như thế đã khiến thảm thực vật không còn, dẫn đến việc sâu bọ cũng không còn đất sống thì lấy gì chim chóc tồn tại! Quả thật, nhìn những cánh rừng ở đây từ xa trông rất đẹp, nhưng lại gần thấy dưới đất trống huơ trống hoác.
Tương tự, đập nước được xây dựng ở đầu nguồn đã làm thay đổi hệ sinh thái, rồi phân bón hóa học kích thích cho cây rừng mau lớn, thuốc trừ sâu đã ngấm vào đất, theo nước mưa chảy vào sông suối hủy diệt các loài cá tôm.
Tất cả đều đã chấm dứt hơn 30 năm nay nhưng hậu quả vẫn chưa khắc phục. Vì thế, rừng ở Kamikatsu tuy mang một bộ áo xanh thật đẹp, nhưng đó là sa mạc xanh! Chỉ mới đẹp mắt, mang lại không khí trong lành chứ chưa thật sự là nơi sinh sống của muôn loài như ngày xưa.
-----------------------------------------------
Đau quá, đau quá... Những người mắc căn bệnh lạ liên tục kêu than như thế cho đến chết...
Kỳ tới: Hiện tại được 1, tương lai tốn 10
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận