12/02/2017 11:16 GMT+7

Ngày thơ ngày càng nhạt nhòa và cẩu thả

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Đến Nguyên tiêu năm nay, Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám bước sang tuổi 15, cái tuổi lẽ ra phải mang vẻ đẹp tròn trịa và rực rỡ. Nhưng tiếc thay, dường như qua mỗi tuổi, ngày thơ thêm lê thê, nhạt nhòa...

Không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám rực rỡ nhưng Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại đây ngày càng nhạt nhòa - Ảnh: Đ.Triết
Không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám rực rỡ nhưng Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại đây ngày càng nhạt nhòa - Ảnh: Đ.Triết

Phải công nhận là mỗi năm ban tổ chức đều rất nỗ lực trang hoàng không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám bừng sáng sắc đỏ khi là những chiếc đèn lồng, khi là những nón bài thơ và năm nay là những cánh chim hạc đỏ...

Dẫu vậy, không gian bắt mắt không thể khiến ngày thơ thêm đằm thắm khi chương trình mỗi ngày một lê thê với những nội dung cũ kỹ.

Cũng như những năm trước, trong ngày thơ năm nay, hàng ngàn khách yêu thơ “tụ” lại ở sân Văn Miếu (được gọi là sân thơ truyền thống) tiếp tục “biết rồi” với những màn ca múa (thơ phổ nhạc như Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Màu hoa đỏ, Trúc xinh, Khúc hát sông quê...) và nghe 17 nhà thơ đọc thơ và hai nhà văn trò chuyện.

Có chăng là trò chuyện của hai nhà văn vừa nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 - Lê Thị Minh Khuê và Chu Lai - là mới mẻ, còn lại vẫn những giọng thơ đã quen thuộc với những ngày thơ nhiều năm qua.

Cùng với đó, hình thức trình diễn chỉ có đọc và nói đôi lời vội vã (mỗi lần lên sân khấu có ba đến bốn nhà thơ) làm cho thơ ca dường như chìm vào những tiết mục ca múa tưng bừng của những cô đào mang yếm thắm.

Bên sân thơ trăm miền cũng vẫn là đọc thơ trên nền guitar và violon của nhiều gương mặt quen thuộc như Nguyễn, Minh Cường, Nguyễn Quang Hưng, Hồ Minh Tâm, Lữ Thị Mai...

Dù có sự tham gia của một số gương mặt mới như Nguyễn Minh Khiêm, Đào Quốc Minh, Mai Nam Thắng hay họa sĩ Lê Thiết Cương có đôi lời chia sẻ về triển lãm thơ gốm, song không thể xóa đi cảm giác tẻ nhạt của sân thơ này so với mấy năm trước đó.

Điều đáng tiếc nhất là chương trình đọc thơ ở đây chỉ vội vã diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, sau đó thì nhường lại cho chương trình ca múa nhạc của các câu lạc bộ văn nghệ.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn cho rằng công tác chuẩn bị của ban tổ chức cho Ngày thơ Việt Nam vẫn còn có phần cẩu thả.

Ông lấy dẫn chứng là ở những bức panô trưng bày hoạt động 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam thì có những tấm ảnh, dòng chú thích ảnh dán chồng lên trông nhem nhuốc.

Nhất là ở Con đường thi nhân, phần trích dẫn hai câu thơ của Hàn Mạc Tử thì lại in ảnh nhà thơ Yến Lan, phần trích dẫn thơ Nguyễn Khuyến thì dán hình Phan Thanh Giản, phần trích thơ Nguyễn Du thì câu Kiều nổi tiếng của ông là "Trời còn để có hôm nay..." chữ "đời" đã được thay thế cho chữ "trời" trong nguyên tác.

“15 năm qua, Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm đến của hàng ngàn khách thơ mà sao lại để xảy ra nhầm lẫn không đáng có này? Ngoài ra, tôi vẫn thấy cách tổ chức còn bị bó buộc chỉ với hai sân thơ. Tại sao ban tổ chức không tạo ra những ngẫu hứng cho ngày hội - một bản chất vốn có của thi ca?” ông Nguyên đặt câu hỏi.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận