Sarkozy: “Nếu thất cử, trách nhiệm duy nhất thuộc về tôi”
Phóng to |
Theo nhật báo Le Figaro, trong ngày vận động tranh cử cuối cùng 20-4, ông Sarkozy một lần nữa nói lời xin lỗi người dân Pháp về những sai lầm mà ông đã mắc phải và cam kết sẽ không tái phạm. “Đây là thời khắc người dân Pháp sẽ nói lên sự thật” - ông Sarkozy mô tả ngày bầu cử. Nước Pháp hiện có khoảng 43,2 triệu cử tri. Các khảo sát trước đó cho thấy khoảng 30% chỉ quyết định bỏ phiếu lựa chọn ai vào phút cuối cùng.
Trước ngày bầu cử, báo chí châu Âu và châu Mỹ đều đồng loạt lên tiếng nói “adieu” (từ biệt) với ông Sarkozy. Báo Anh Guardian mô tả tổng thống Pháp là “nhà ảo thuật đã hết trò”, báo Mỹ New York Times cho rằng ông Sarkozy đã “tuyệt vọng”. Báo Anh Financial Times nói thẳng: “Chúng tôi chẳng ưa gì ông đâu, Sarko ạ”.
Sarkozy đang tuyệt vọng
Trước “ngày phán quyết”, ông Sarkozy có rất nhiều biểu hiện bất thường. Theo kênh truyền hình France 24, hôm 19-4 ông đe dọa cuộc bầu cử “sẽ dạy cho tất cả một bài học”. Hôm sau ông Sarkozy lại tỏ ra giận dữ với quy định mười ứng cử viên tổng thống đều có “hạn ngạch” xuất hiện trên truyền hình tương đương nhau. Bởi trên thực tế đây chỉ là cuộc đua song mã giữa ông Sarkozy và ứng cử viên Đảng Xã hội François Hollande.
“Trong bốn tuần qua, một mình tôi đã đấu với chín ứng viên còn lại - Le Figaro dẫn lời ông Sarkozy bày tỏ sự bực bội - Luật này không phản ánh thực tế”. Trên kênh France 24, giáo sư chính trị Pháp Philippe Marliere nhận định cơn giận của ông Sarkozy phản ảnh sự tuyệt vọng của ông. “Ông ấy cầm quyền suốt năm năm qua và đã lên sóng truyền hình quá đủ rồi” - giáo sư Marliere nhấn mạnh.
Theo khảo sát của CSA, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ông Hollande sẽ giành chiến thắng với 28% phiếu bầu, đứng sau là ông Sarkozy với 25% số phiếu. Nhưng đến vòng thứ hai, nhiều khả năng ông Hollande sẽ cho ông Sarkozy “ngửi khói”. Nguyên nhân thì ai cũng biết. Theo báo Le Journal du Dimanche, hiện tỉ lệ ủng hộ của người dân Pháp dành cho ông Sarkozy chỉ vỏn vẹn 36%, thấp nhất trong số các tổng thống Pháp thời hiện đại.
Sau năm năm ông Sarkozy nắm quyền, tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp tăng vọt lên 10%, cao nhất trong vòng 13 năm qua. Các tập đoàn nhà nước thua lỗ 124,3 tỉ euro (163,13 tỉ USD), nợ công tăng từ 64% GDP năm 2007 lên gần 90%. Hồi tháng 1-2012, Hãng tín dụng Mỹ Standard & Poor’s hạ định mức tín dụng Pháp xuống dưới “tiêu chuẩn vàng” AAA. Người dân Pháp càng thêm ngán ngẩm khi chính phủ giảm chi tiêu, tăng thuế, cắt giảm an sinh xã hội, tăng tuổi hưu...
Cơ hội của “ngài bình thường”
Trong tình cảnh đó, không quá ngạc nhiên khi một chính trị gia không có gì nổi bật như ông François Hollande lại có cơ hội trở thành tổng thống. Theo báo Le Monde, trong nội bộ Đảng Xã hội người ta gọi ông là “viên kẹo dẻo”. Năm ngoái, lãnh đạo Đảng Xã hội Martine Aubry thậm chí còn mô tả ông bằng từ couille molle (kẻ nhu nhược không xương sống). Có nghị sĩ còn cho rằng ông Hollande trông chẳng khác gì một “nhân viên giao bánh pizza”. Bản thân ông Hollande tự nhận mình là “người bình thường”.
Vấn đề là hình ảnh của ông Hollande hoàn toàn trái ngược với ông Sarkozy. Báo New York Times và báo Guardian đều đánh giá ông Hollande có phong thái lịch sự, nhẹ nhàng, điềm đạm, khác hẳn với một Sarkozy hơi thô lỗ và bẳn tính. Báo Ý La Stampa nhận xét ông Hollande trông rất “dễ thương” và “trung thực”. “Hollande đem lại cho công chúng Pháp một hình ảnh dễ chịu hơn, đại diện cho hình mẫu chính trị gia Pháp truyền thống” - New York Times nhận định.
Quan trọng hơn, ông Hollande luôn bày tỏ thái độ chán ghét giới nhà giàu và không bao giờ khoe mẽ của cải. Trong khi ông Sarkozy đeo chiếc đồng hồ trị giá tới 45.000 euro (gần 60.000 USD), thì ông Hollande chỉ đeo một chiếc đồng hồ bình thường. Ông Sarkozy đòi giảm thuế cho giới nhà giàu, ngược lại ông Hollande quyết tăng mạnh thuế đối với các triệu phú, tỉ phú. Với đại bộ phận dân Pháp đã chán ngấy ông Sarkozy đến tận cổ, ông Hollande là sự trở về với truyền thống cổ điển.
Bản thân ông Hollande chẳng hề e ngại việc bị giới truyền thông và chính trị gia đánh giá là “nhạt”. Ông nhấn mạnh trước khi ông François Mitterrand trở thành tổng thống, ai cũng chê ông không biết cách ăn mặc, già cỗi, cổ hủ, không biết gì về kinh tế. Nhưng khi ông đắc cử thì ai cũng khen ông là có sức thu hút. “Khi bạn đại diện cho nước Pháp, mọi thứ sẽ thay đổi” - ông Hollande khẳng định.
Ông Sarkozy bị nhiều cử tri Pháp ghét tới mức mà nhiều người nói nửa đùa nửa thật là nếu ông thất cử thì báo chí và các nghệ sĩ hài sẽ thất nghiệp vì mất một đối tượng quan trọng để chế giễu. Trong năm năm qua, báo chí Pháp thường xuyên đả kích, bôi bác ông Sarkozy như một anh hề thích đi giày cao gót hay “tổng thống siêu cuội”. Ngay sau khi vừa trúng cử năm 2007, ông mở tiệc ăn mừng ồn ào tại nhà hàng sang trọng Le Fouquet’s. Ông mời rất nhiều tỉ phú và chủ các tập đoàn. Họ sau đó được hưởng lợi từ các chính sách giảm thuế cho giới nhà giàu, trong khi người bình dân phải è cổ chịu những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây ra. Ông Sarkozy còn thích khoe của với thói quen mua hàng xa xỉ, tậu máy bay mới được trang hoàng lộng lẫy, đeo đồng hồ Rolex đắt tiền, cưới vợ là cựu siêu mẫu Carla Bruni. Ông rất bỗ bã trong giao tiếp, có lần nhục mạ một người dân từ chối bắt tay ông bằng câu: “Cút đi, đồ đần độn”. Những hình ảnh xấu xí này in sâu vào tâm trí của cử tri Pháp, những người luôn mong muốn có một tổng thống lịch sự và nhã nhặn. Hình ảnh ông Sarkozy còn bị vẩn đục bởi hàng loạt vụ bê bối tài chính, ví dụ như vụ bán vũ khí cho Pakistan có trục trặc chuyện chuyển tiền, hay vụ nhận tiền tài trợ trái phép từ nữ tỉ phú Hãng L’Oréal. Ông cũng gây bức xúc khi đòi bổ nhiệm chính con trai làm chủ tịch Tập đoàn Epad vào năm 2009, trong khi “thái tử” Jean Sarkozy, 23 tuổi, chẳng có bằng cấp và kinh nghiệm nghề nghiệp gì. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận