
Học sinh các trường hào hứng với các hoạt động tại ngày hội - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại điểm THPT Hùng Vương, ngay từ sáng sớm đã tấp nập cảnh phụ huynh và giáo viên đưa các học sinh đến điểm trường này để nhận tư vấn, nghe thông tin về tuyển sinh 10. Tương tự, hàng ngàn học sinh từ các trường THCS trên địa bàn quận 12 và những khu vực lân cận đã tập trung về khuôn viên Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) tham dự ngày hội do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Sau các tiết mục văn nghệ sôi nổi và phần chào sân cực cháy của các trường, 8h30 Ngày hội Tự tin vào lớp 10 bắt đầu giải đáp thắc mắc cho các em học sinh.

ThS Chung Quốc Phong - trưởng phòng tuyển sinh Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dự báo những ngành nghề sẽ hot trong 9, 10 năm tới và các tổ hợp liên quan
Trước câu hỏi này của các bạn học sinh tham gia ngày hội, ThS Chung Quốc Phong - trưởng phòng tuyển sinh Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cho biết theo dự báo nguồn nhân lực trong khoảng 5 năm và 5 năm tiếp theo, có khoảng 10 lĩnh vực được quan tâm.
Đầu tiên là lĩnh vực đang "hot" nhất hiện nay là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Thứ 2 là khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu.
Thứ 3 là kỹ thuật và công nghệ bán dẫn.
Thứ 4 là thương mại điện tử và kinh tế số.
Thứ 5 là năng lượng tái tạo và kỹ thuật môi trường.
Thứ 6 là y tế - công nghệ sinh học.
Thứ 7 là tài chính - công nghệ tài chính.
Thứ 8 là giáo dục trực tuyến và công nghệ giáo dục.
Thứ 9 là công nghiệp sáng tạo và giải trí số, và thứ 10 là dịch vụ tâm lý và phát triển cá nhân.
Đây là 10 lĩnh vực sẽ phát triển trong giai đoạn 5 năm và 5 năm tiếp theo.
Nhưng theo chúng tôi, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ như: bối cảnh kinh tế, xã hội, những đầu tư quốc tế… Khi có những thay đổi này thì sẽ có những ngành nghề phát triển thêm.
Tuy nhiên thì đối với những học sinh chuẩn bị vào lớp 10, các em cần chú ý đến những môn học nền tảng làm tổ hợp để có thể xét tuyển vào những ngành nghề "hot" sau này như: toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Ba môn này là 3 môn nền tảng để học sinh có thể lựa tổ hợp để lựa chọn những ngành nghề sau này.
Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể lựa chọn thêm những môn học mới để bổ sung vào các môn học, làm đa dạng hóa tổ hợp sau này xét tuyển các ngành nghề sẽ dễ dàng hơn.
Học sinh THCS cũng "sợ" AI

ThS Nguyễn Hoàng Bích Vy (trưởng ban tuyển sinh miền Nam FPT PolySchool) - Ảnh: VŨ
Nhiều học sinh tâm tư trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều bạn lo ngại về việc AI có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực.
ThS Nguyễn Hoàng Bích Vy - trưởng ban tuyển sinh miền Nam tại FPT Poly School - đã có những chia sẻ nhằm giải tỏa nỗi sợ này, và hướng dẫn học sinh cách ứng dụng AI hiệu quả trong học tập và định hướng nghề nghiệp.
Theo cô, AI không nên được xem là mối đe dọa, mà là một công cụ hỗ trợ đắc lực giúp tối ưu hóa quá trình học tập và làm việc. Việc hiểu và ứng dụng AI sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động tương lai.
Để ứng dụng AI hiệu quả trong học tập, cô khuyến khích học sinh chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ AI phù hợp với nhu cầu cá nhân. Hiện nay có rất nhiều công cụ giúp học sinh nâng cao một cách tích cực hiệu suất học tập và phát triển kỹ năng tự học và thích ứng với công nghệ mới.

Em Hải Linh - học sinh Trường THCS Lữ Gia - hào hứng với những hoạt động trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Còn trong định hướng nghề nghiệp, ThS Nguyễn Hoàng Bích Vy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật xu hướng công nghệ và trang bị những kỹ năng mà AI khó thay thế, như tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và quản lý. Cô cũng khuyến khích học sinh tham gia các khóa học liên quan đến AI để hiểu rõ hơn về công nghệ này, và tìm ra cách áp dụng phù hợp trong lĩnh vực mình quan tâm.
"Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng và thái độ tích cực, học sinh hoàn toàn có thể biến AI từ nỗi sợ thành cơ hội, tận dụng công nghệ để phát triển bản thân và đạt được thành công trong tương lai", cô nhấn mạnh.
Nếu chọn tổ hợp môn sai, có thể đổi không?

Cô Trương Thị Bích Thủy - hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cô Trương Thị Bích Thủy, hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương chia sẻ về quan tâm này của các học sinh: Phần chương trình 2018, học sinh lớp 9 đã học chương trình 2018 nên các em đã được định hướng về tổ hợp môn để chọn nghề. Vì thế các em có chọn tổ hợp môn tốt hơn khi vào lớp 10. Nhưng nếu việc lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10 học sinh không phù hợp thì các em có thể đổi tổ hợp.
Khi thay đổi, các em sẽ làm theo hướng dẫn của trường THPT nơi các em đang học, và trước khi được thay đổi lựa chọn tổ hợp môn thì học sinh sẽ thi chuyển đổi môn.
Rớt trường THPT công lập, học sinh đi đâu?

Ông Đào Phi Trường - chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) - Ảnh: VŨ
Trả lời một vấn đề được đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm tại Ngày hội Tự tin vào lớp 10, ông Đào Phi Trường - chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết:
Trong trường hợp không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh vẫn còn nhiều lựa chọn phù hợp để tiếp tục học tập và phát triển. Một hướng đi đáng cân nhắc là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Các cơ sở này không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển hồ sơ. Học sinh có thể vừa học nghề, vừa học văn hóa với chương trình 7 môn hoặc 4 môn, tùy từng trường và nhu cầu cá nhân. Đây là lộ trình học tập rút ngắn, có thể liên thông lên trong tương lai.
Bên cạnh đó là các trường THPT tư thục. Ông lưu ý những trường này thường xét tuyển, không tổ chức thi tuyển. Mỗi trường có sự khác biệt nhất định về tổ hợp môn học, chương trình đào tạo và hoạt động giáo dục.
"Vì vậy học sinh và phụ huynh nên tìm hiểu kỹ thông tin trên website trường, từ chỉ tiêu tuyển sinh, việc tổ chức các môn học đến các hoạt động ngoại khóa của trường để có sự chọn lựa tốt nhất", ông nói.
Đặc biệt, dù lựa chọn hướng đi nào, ông cho rằng học sinh cần bắt đầu định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 9. Lựa chọn tổ hợp môn học trong chương trình THPT không nên làm theo cảm tính, mà phải dựa trên ngành nghề mà học sinh muốn theo đuổi sau này.
Các trường THPT hiện nay thường tổ chức tư vấn hướng nghiệp, mời phụ huynh cùng tham gia để cùng hỗ trợ học sinh đưa ra lựa chọn đúng đắn.
"Do đó, học sinh cần cân nhắc thật kỹ để lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 của mình một cách phù hợp nhất", ông nói.
Giải quyết căng thẳng trước kỳ thi thế nào?

TS tâm lý Giang Thiên Vũ - giảng viên khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chuẩn bị tâm lý thế nào để làm bài kiểm tra thật tốt? Đó là một câu hỏi được đặt ra tại phần giao lưu. TS Giang Thiên Vũ (giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng sự căng thẳng, lo âu về kỳ thi là phản ứng bình thường của cơ thể. Việc học sinh cần làm đầu tiên chính là chấp nhận, trân trọng và đón nhận cảm xúc của bản thân mình. Vì đây là những cảm xúc góp phần thúc đẩy chúng ta có sự chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi.
TS Giang Thiên Vũ cho biết học sinh có thể tìm một người mà bản thân tin cậy để chia sẻ, giải tỏa cảm xúc và cần học cách quản lý cảm xúc để có kỳ thi như ý.
Giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp sẽ thế nào?

Thầy Lê Văn Chương - phó giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, quận 5 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thầy Lê Văn Chương, phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5: sau 3 nguyện vọng nếu không đạt, học sinh có thể vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề, hoặc học lớp 10 tại trung tâm giáo dục thường xuyên.
Vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề, học sinh học nghề là chính và sau đó tham gia vào thị trường lao động.
Học lớp 10 tại trung tâm giáo dục thường xuyên thì các em được học chương trình phổ thông như các trường THPT và sau đó thi cao đẳng, đại học và nhận bằng tốt nghiệp THPT như các bạn học lớp 10 ở trường THPT công lập.
Chọn nguyện vọng lớp 10 như thế nào?

Cô Đỗ Thị Việt Phương (phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12) - Ảnh: VŨ
Trả lời câu hỏi về cách lựa chọn nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, cô Đỗ Thị Việt Phương - phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) - giải thích trước tiên học sinh cần tự đánh giá khả năng học tập của mình thông qua kết quả các môn chính như toán, ngữ văn và ngoại ngữ.
Chẳng hạn, có thể phân loại các trường THPT thành ba nhóm: nhóm trường tốp đầu yêu cầu điểm trung bình mỗi môn khoảng 8 điểm trở lên; nhóm trường tốp giữa khoảng 7 điểm; còn nhóm trường tốp sau thường lấy điểm trung bình khoảng 6 điểm trở xuống.
Qua đó học sinh có cơ sở chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực thực tế, tăng khả năng trúng tuyển.
Khi đăng ký xét tuyển, học sinh cần có chiến lược rõ ràng.
Nguyện vọng 1 nên là trường phù hợp nhất với năng lực và mong muốn cá nhân. Nguyện vọng 2 nên chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 1 khoảng 2-3 điểm, và nguyện vọng 3 tiếp tục chọn trường thấp hơn nguyện vọng 2 thêm 2-3 điểm nữa.
Bên cạnh năng lực học tập và điểm chuẩn, cô Phương lưu ý học sinh cũng cần cân nhắc đến yếu tố địa lý. Chọn trường gần nơi cư trú sẽ thuận tiện cho việc đi lại, đảm bảo sức khỏe và tinh thần ổn định trong suốt ba năm học.
Ngoài ra với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai, mỗi trường sẽ có những nhóm môn lựa chọn khác nhau. Do vậy học sinh cần tìm hiểu kỹ về tổ hợp môn mà các trường dự kiến triển khai, để lựa chọn được môi trường học phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích cá nhân.
Ước lượng điểm thi và điểm chuẩn ra sao?

Thầy Đỗ Trí Nhân (chuyên viên Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) - Ảnh: VŨ
Ông Đỗ Trí Nhân - chuyên viên Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho rằng khi chọn nguyện vọng vào lớp 10, học sinh và phụ huynh nên cân nhắc dựa trên một số tiêu chí quan trọng. Đầu tiên là yếu tố khoảng cách.
Trường nên gần nơi ở để thuận tiện cho việc di chuyển, tránh gây mệt mỏi và áp lực cho học sinh trong quá trình học tập.
Tiêu chí thứ hai là uy tín của trường. Một ngôi trường có chất lượng giảng dạy tốt, môi trường học tập tích cực sẽ tạo nền tảng vững chắc cho học sinh trong ba năm THPT và trong quá trình chuẩn bị cho xét tuyển thi đại học sau này. Có thể xem xét dựa trên tỉ lệ tốt nghiệp THPT của trường trong các năm gần đây.
Nếu một trường có tỉ lệ tốt nghiệp thấp, điều đó phản ánh nhiều yếu tố và nên được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký.
Ngoài ra, yếu tố then chốt là sự phù hợp giữa năng lực học sinh và định hướng môn học tại trường. Ví dụ, nếu học sinh có định hướng theo các ngành khoa học sức khỏe, thì nên ưu tiên những trường có tổ hợp môn hóa - sinh để bảo đảm sự liên thông trong lộ trình học tập. Đồng thời, năng lực học tập cũng cần được đối chiếu với điểm chuẩn tuyển sinh của từng trường trong những năm trước.
Ông Nhân gợi ý ở thời điểm hiện tại, một cách tính để ước lượng năng lực của học sinh và nguyện vọng đăng ký: lấy điểm trung bình học kỳ và điểm thi học kỳ của từng môn (toán, văn, ngoại ngữ), cộng lại rồi chia đôi. Sau đó lấy 3 điểm này cộng lại với nhau. Con số tổng cuối cùng có thể được dùng để đối chiếu với mức điểm chuẩn của các trường trong năm trước.
Ví dụ nếu tính được tổng là 18,5 điểm thì có thể rà soát xem trường nào có điểm chuẩn quanh mức đó. Việc "rà soát" này tiếp tục dựa lại các tiêu chí ở trên như khoảng cách địa lý, uy tín, tổ hợp môn học...
Tương tự với các nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3, học sinh cũng có thể làm cách ước lượng tương tự. Nhưng lưu ý rằng: nguyện vọng 2 phải thấp điểm hơn nguyện vọng 1 và nguyện vọng 3 phải thấp điểm hơn nguyện vọng 2, để đảm bảo tỉ lệ trúng tuyển cao nhất có thể.
Thi chuyên thì thi mấy môn?
Cô Nguyễn Xuân Mai - phó Phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - trả lời: Đối với những học sinh thi tại trường chuyên. Học sinh đăng ký 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và môn thi thứ 4 là môn chuyên. 3 bài thi thường làm với học sinh thi thường, môn chuyên thi riêng.
Học sinh thi vào trường chuyên không được cộng điểm ưu tiên. Điểm thi các môn đối với học sinh thi chuyên không bị dưới 2 điểm.
Chọn trường nên chọn thế nào?
Cô Nguyễn Xuân Mai khuyên thí sinh nên chọn trường gần nhà, không theo bạn bè. Bởi nếu học sinh chọn trường không phù hợp với năng lực học tập và đi khoảng cách quá xa thì sẽ ảnh hưởng kết quả học tập tại trường THPT, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc vào đại học.
Đến lúc này, học sinh và phụ huynh muốn chuyển trường nhưng việc chuyển trường ở bậc THPT không dễ dàng, trúng tuyển trường nào học trường đó. Vì thế học sinh và phụ huynh nên cân nhắc kỹ khi chọn trường thi vào lớp 10.

Cô Nguyễn Xuân Mai - phó trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - đang trả lời thắc mắc cho các học sinh tại điểm tư vấn Trường THPT Hùng Vương, quận 5 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Điểm chuẩn tuyển sinh năm nay sẽ thế nào?
- Cô Nguyễn Xuân Mai -phó trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: Năm nay việc ngưng học thêm có thể ảnh hưởng đến các em. Cô khuyên ngoài học trên lớp, các kiến thức đề thi nằm trong chương trình lớp 9. Điểm chuẩn có hạ hay không tùy thuộc vào việc học sinh làm bài trên cả TP. Đây là tình hình chung, nên học sinh tự học và có phương pháp ôn tập tốt.
* Tôi rất lo lắng cách chọn 3 nguyện vọng: 1 là mơ ước, 2 là khả năng. Việc tuyển bổ sung của năm trước rất bất cập, sau khi trượt 3 nguyện vọng thì có tuyển bổ sung. Nhưng hiện học sinh được tư vấn đạt nguyện vọng 3 nên không được thi bổ sung nữa. Năm nay không được học thêm nên mong muốn đề thi khó quá, mong đề thi thay đổi phù hợp với học sinh bị cấm dạy thêm! (Một phụ huynh)
- Cô Nguyễn Xuân Mai: Việc lựa chọn 3 nguyện vọng không nên xem nguyện vọng 2, 3 là dự phòng.
Đối với những học sinh mạo hiểm một chút thì nên chọn nguyện vọng như sau: nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng nỗ lực, nguyện vọng 2 chọn phù hợp với năng lực, nguyện vọng 3 - thấp hơn năng lực.
Với học sinh thích an toàn: nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập của học sinh, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 thấp hơn nguyện vọng 1 thì học sinh sẽ chắc chắn đậu vào trường THPT công lập. Việc tuyển bổ sung đợt 2 không tổ chức kỳ thi.
Sau khi tuyển sinh một số trường vẫn còn thiếu chỉ tiêu.
Đối tượng tuyển sinh là dành cho học sinh rớt cả 3 nguyện vọng.
Áp lực vì tâm lý "học bao nhiêu mới đủ"
Chia sẻ với các em học sinh đang mang nặng tâm lý "học bao nhiêu mới đủ", ThS Trần Thị Thanh Trà - giảng viên tâm lý học, Trường đại học Mở TP.HCM - cho rằng điều đầu tiên các em cần làm là hiểu rõ: không ai có thể học hết tất cả mọi thứ và cũng không có khái niệm tuyệt đối về "đủ" trong ôn tập.
Thay vào đó, hãy tập trung xây dựng một kế hoạch học tập hợp lý, bám sát năng lực cá nhân. Việc chia nhỏ nội dung ôn tập theo từng tuần, từng ngày sẽ giúp các em cảm thấy việc học khả thi hơn, giảm được cảm giác choáng ngợp hay lo âu vì quá tải.
Bên cạnh việc học, ThS Trần Thị Thanh Trà nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số học sinh hiện nay vì quá lo lắng mà cắt giảm thời gian nghỉ ngơi, ăn uống thiếu điều độ, dẫn đến tinh thần mệt mỏi, thậm chí dễ rơi vào trạng thái mất tập trung.

ThS Trần Thị Thanh Trà - giảng viên tâm lý học, Trường đại học Mở TP.HCM đang chia sẻ với các bạn học sinh - Ảnh: VŨ
"Hãy nhớ rằng một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần tích cực mới là điều kiện tiên quyết để các em có thể làm bài tốt trong phòng thi", cô nói. Một điều quan trọng nữa là các em nên học cách tư duy tích cực và tin tưởng vào chính mình. Đừng đặt nặng câu hỏi "nếu rớt thì sao?" mà hãy tự hỏi "mình đã chuẩn bị tốt nhất có thể chưa?".
Nếu đã học đều, có chiến lược rõ ràng, giữ nhịp độ sinh hoạt ổn định, thì các em đã đang làm rất tốt rồi.
"Trên hành trình này, đừng ngần ngại chia sẻ áp lực với cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè - bởi chính sự lắng nghe và thấu hiểu từ những người thân yêu sẽ là điểm tựa tinh thần rất lớn để các em vượt qua thử thách này một cách nhẹ nhàng hơn", cô nhắn gửi.
Thay vì lo lắng, hãy biến thử thách thành động lực

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc ngày hội - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại điểm Trường THPT Hùng Vương, quận 5, phát biểu mở đầu Ngày hội Tự tin vào lớp 10, nhà báo Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trưởng Ban tổ chức ngày hội cho biết: năm nay Ban tổ chức nhận được hàng trăm thắc mắc của học sinh về các vấn đề tuyển sinh, ôn tập thi vào lớp 10, lựa chọn trường học ra sao…
Những thắc mắc này nhiều hơn so với năm trước. Những thắc mắc này sẽ được các thầy cô trong ban tư vấn, các trường THPT sẽ giải đáp trong ngày hội hôm nay.
"Ban tổ chức xin cảm ơn Sở Giáo dục và Đào Tạo TP.HCM, các thầy cô trong ban tư vấn, cảm ơn các quý phụ huynh, học sinh… và các đơn vị, thầy cô đã đồng hành để Ngày hội Tự tin vào lớp 10 mang thật nhiều thông tin bổ ích đến học sinh, phụ huynh" - nhà báo Nguyễn Khắc Cường phát biểu.

Chị Trịnh Thị Hiền Trân - phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM - trao thư cảm ơn cho ban tư vấn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5 có sự tham dự của chị Trịnh Thị Hiền Trân (phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM), anh Nguyễn Đức Trung (phó ban thanh niên trường học Thành Đoàn TP.HCM), nhà báo Nguyễn Khắc Cường (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ).
Cùng các chuyên viên, ban giám hiệu trong ban tư vấn của ngày hội như cô Nguyễn Xuân Mai (phó trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), cô Trương Thị Bích Thủy (hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, quận 5), thầy Lê Văn Chương (phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5), TS Giang Thiên Vũ (giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM), thạc sĩ Chung Quốc Phong (trưởng phòng tuyển sinh, Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM).

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: VŨ
Phát biểu khai mạc tại Ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại Trường THPT Võ Trường Toản, nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 luôn là một dấu mốc đầy áp lực với các em và gia đình.
Năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có một điểm đặc biệt: đây là lần đầu tiên các em học sinh lớp 9 bước vào kỳ thi với nền tảng được học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Điều này mang đến không ít thay đổi, từ cách tổ chức môn học, nội dung kiến thức đến phương pháp đánh giá năng lực.
Nhưng thay vì lo lắng, hãy biến những thử thách thành động lực.
Chính vì thế, ngày hội hôm nay càng trở nên ý nghĩa, là nơi để các em nắm rõ những điểm cần lưu ý trong kỳ thi sắp tới, được giải đáp kỹ càng về cách ra đề, phương pháp ôn luyện hiệu quả theo định hướng mới, cũng như lắng nghe kinh nghiệm từ những thầy cô đã trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới trong suốt thời gian qua.
"Ngày hội hôm nay là nơi để các em lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ mọi băn khoăn, từ cách chọn trường, chọn tổ hợp môn, đến việc làm sao giữ vững tinh thần trong quá trình ôn thi. Hãy tận dụng cơ hội để gặp gỡ với các thầy cô, các chuyên gia tư vấn cùng giải đáp mọi thắc mắc cho mình trong ngày hội hôm nay", ông Nguyên nhắn gửi.
Đến tham dự ngày hội tại cụm 2 Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 có: thầy Đỗ Trí Nhân (chuyên viên Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), anh Huỳnh Công Trình (ủy viên ban chấp hành, phó ban thiếu nhi Thành Đoàn), thầy Khưu Mạnh Hùng (quận ủy viên, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12), cô Nguyễn Thị Ngọc Phú (tổ trưởng tổ phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12), thầy Nguyễn Đức Anh Khoa (phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình).
8h: Màn "chào sân" cực cháy


Học sinh từ các trường THPT “chào sân” đến các em học sinh THCS tham gia ngày hội - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tại Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12), mở đầu chương trình là màn "chào sân" của học sinh khối 12 trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên… trên địa bàn quận 12 và các khu vực lân cận.
Mỗi đoàn học sinh "đàn anh" mang đến cho các em khối THCS những phần giới thiệu cô đọng nhưng đầy ý nghĩa để giới thiệu về những nét khái quát của ngôi trường của mình.
Đây rất có thể cũng là những "lựa chọn" đáng cân nhắc cho học sinh trong khu vực trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.
Tại điểm tư vấn Trường THPT Hùng Vương (Q.5), các trường THPT đã bắt đầu đến với học sinh thông qua diễu hành và giới thiệu trên sân khấu.
Hơn 20 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên… đã diễu hành trước hàng ngàn học sinh giới thiệu những nét đặc biệt trong tuyển sinh, dạy học và các hoạt động của mình.
"Chúng tôi mong muốn đưa đến cho các em lớp 9 và phụ huynh cái nhìn toàn diện về trường, bao gồm cả những môn học và hoạt động cụ thể của trường trong 3 năm", Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM cho biết.
Bên cạnh đó, học sinh và phụ huynh đã đến từng gian tư vấn của các trường THPT và TTGDTX, cơ sở du học để nhận tư vấn trực tiếp.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương diễu hành giới thiệu về trường - Ảnh: DUYÊN PHAN


Các trường xuất hiện với màn diễu hành ấn tượng giới thiệu về ngôi trường của mình tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tiết mục flashmob của Trường THPT Trường Chinh tại điểm tư vấn Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 - Ảnh: VŨ

Tiết mục sân khấu hóa “Đất rừng phương Nam” do Trường mầm non - tiểu học - THCS - THPT Nam Việt biểu diễn - Ảnh: VŨ

Chàng Harry Potter từ Trường THPT Nguyễn Hiền - Ảnh: NHẬT TÂN

Học sinh tham dự Ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5) - Ảnh: DUYÊN PHAN
7h: Nhiều học sinh "phủ kín" sân Trường THPT Hùng Vương từ sáng sớm
Tại điểm THPT Hùng Vương, ngay từ sáng sớm đã tấp nập cảnh phụ huynh và giáo viên đưa các học sinh đến điểm trường này để nhận tư vấn, nghe thông tin về tuyển sinh 10.
Em Rui Tai và Kim Ngân, học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Bội Cơ (quận 5) cho biết các em được cha mẹ chở đến điểm trường này sớm.
"Ngay khi vào trường em được phát cẩm nang Tự tin vào lớp 10. Em và các bạn đều đọc và nhận thấy có nhiều thông tin về tuyển sinh lớp 10 rất bổ ích", Kim Ngân cho hay.
Mới hơn 7h nhưng tại địa điểm tư vấn Trường THPT Hùng Vương, học sinh lớp 9 từ nhiều trường đã phủ kín sân trường. Các em mang theo niềm háo hức được giải đáp những thắc mắc về tuyển sinh lớp 10.
Em Phi Tuyết - học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận 11) cho biết em đến đây với mong muốn được thầy cô tư vấn cho em về điểm thi năm nay vào các trường THPT mà em quan tâm sẽ thế nào?
Tổ hợp học thế nào, làm thế nào để em có thể biết chính xác những khả năng của em trong thi cử để chọn trường đúng…

Học sinh trường THCS Trần Quốc Tuấn cầm trên tay cuốn cẩm nang tuyển sinh lớp 10 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hàng ngàn học sinh tham dự ngày hội tại quận 12
Hàng ngàn học sinh từ các trường THCS trên địa bàn quận 12 và những khu vực lân cận đã tập trung về khuôn viên Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) để tham dự ngày hội do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Đây là một trong hai địa điểm diễn ra Ngày hội Tự tin vào lớp 10 diễn ra sáng nay 30-3.
Từ sáng sớm, học sinh đã được tham gia những hoạt động hấp dẫn, được gặp gỡ các thầy cô từ các trường THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên… trên địa bàn để tìm hiểu trước về các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS. Đây là những thông tin "nền tảng" giúp cho học sinh bước vào phần tư vấn chung trong chương trình, tư vấn cùng các chuyên gia.
Để khởi động cho ngày hội, tại Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), các bạn học sinh đã cùng thử tài với trò chơi phản ứng nhanh. Các bạn hào hứng thi nhau đếm nhanh không hụt hơi, kể tên các loài hoa, kể tên các món đồ ăn sáng...
Những bạn chiến thắng sau mỗi lượt chơi đều nhận được quà lưu niệm từ ban tổ chức.

Học sinh Trường THCS Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) theo dõi thông tin từ quà tặng cẩm nang Tự tin vào lớp 10 - Ảnh: VŨ

Học sinh tham dự Ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
2 "anh trai" tham gia biểu diễn tại ngày hội
Theo ban tổ chức, hai "anh trai" Đỗ Phú Quí và Phạm Đình Thái Ngân cũng đã nhận lời biểu diễn và giao lưu với học sinh.
Trong đó, Phú Quí biểu diễn tại địa điểm Trường THPT Hùng Vương, và Thái Ngân biểu diễn tại Trường THPT Võ Trường Toản.
Ngày hội do ấn phẩm Mực Tím (báo Tuổi Trẻ) phối hợp với Hội đồng Đội - Thành Đoàn TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận