Phóng to |
Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi trở về từ vùng biển Hoàng Sa (ảnh chụp chiều 15-5-2013) - Ảnh: Hữu Khá |
Thông cáo của Bộ Ngoại giao VN cho biết: “Đánh giá thực trạng công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hiện nay ở Biển Đông, các đại biểu đều cho rằng vùng biển này đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người và tàu thuyền hoạt động tại đây do mật độ đi lại đang tăng cao, ngư dân hoạt động ngày càng nhiều và xa bờ dài ngày trong khi trang thiết bị an toàn kém, trang thiết bị thông tin không đầy đủ, phương tiện cảnh báo thiên tai, an toàn hàng hải thiếu thốn, thiếu duy tu, bảo dưỡng.”
Một nguyên nhân khác được các đại biểu xác định là do ngư dân hoạt động đánh bắt cá thường hay đi đơn lẻ và không được trang bị kiến thức cơ bản về cứu hộ cứu nạn. Các yếu tố thiên nhiên đặc thù ở Biển Đông như bão biển, sương mù làm gia tăng rủi ro tai nạn trên biển.
Đại biểu Trung Quốc cho rằng 2 nguyên nhân sự cố lớn nhất là gió to, biển động và va chạm giữa tầu cá và tàu chở hàng, trong đó tàu cá thường gặp nạn như tràn nước vào khoang máy làm hỏng động cơ, nhất trong điều kiện thời tiết xấu. Ngày càng nhiều vụ va chạm giữa tàu hàng có trọng tải rất lớn và tàu cá nhỏ gây tai nạn mà tàu hàng không biết để tiến hành cứu hộ kịp thời. Nguyên nhân chính các va chạm, theo đại biểu này, là do thiếu quan sát, điều khiển sai, thiếu hiểu biết về các biện pháp an toàn, và chưa có thủ tục phòng trách đụng độ giữa các phương tiện trên biển.
Đại biểu Trung Quốc thống kê trong sáu năm qua đã nhận được 60 yêu cầu cứu hộ trên Biển Đông và năm 2006 đã cứu hộ thành công 285 ngư dân VN; tháng 11-2007 đã cứu hộ gần 1000 ngư dân các nước trong khu vực gặp bão ở Biển Đông. Đại biểu VN cho biết, trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn của VN, tỷ lệ cứu được người đạt hơn 86%; tỷ lệ cứu phương tiện đạt gần một nửa, trong đó các biện pháp sử dụng lực lượng tại chỗ chiếm 52,3%; lực lượng kiêm nhiệm và chuyên nghiệp chỉ trợ giúp được 47,7% số vụ tai nạn.
Các đại biểu Singapore, Malaysia, Indonesia nhấn mạnh việc thiếu vắng các cơ chế, quy trình, thủ tục chuẩn của khu vực trong việc xử lý người bị nạn sau khi được cứu hộ là một trở ngại lớn trong hợp tác cứu hộ cứu nạn. Ngoài ra, các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cũng là nguyên nhân quan trọng khiến hợp tác cứu hộ cứu nạn còn khó khăn.
Nhiều gợi ý, đề xuất đã được đưa ra để cải thiện hiệu quả tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông, trong đó có việc lập danh bạ các cơ quan đầu mối cứu hộ cứu nạn toàn khu vực, thiết lập đường dây nóng, trực tiếp giữa các trung tâm cứu hộ cứu nạn, thiết lập Website cứu hộ cứu nạn ASEAN – Trung Quốc,….
Các đại biểu Trung Quốc, Malaysia, Singapore khuyến nghị các lực lượng cứu hộ cứu nạn khu vực thường xuyên tổ chức diễn tập khu vực trên sa bàn, tiến tới cả diễn tập ASEAN – Trung Quốc trên thực địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận