07/03/2019 14:50 GMT+7

Ngày 8-3: Em không cần đàn ông để thấy mình thành công

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO – Các 'chị đại' ở công ty làm sếp, ở nhà làm chủ gia đình, trong những tình huống cấp bách có thể trở thành người hùng. Phụ nữ đang làm mưa làm gió ngoài rạp chiếu năm nay.

Ngày 8-3: Em không cần đàn ông để thấy mình thành công - Ảnh 1.

Hình ảnh của Mỹ Tâm trong "Chị trợ lý của anh" và Ngô Thanh Vân trong "Hai Phượng" làm nức lòng chị em phụ nữ - Ảnh: ĐPCC

Trong vòng bốn năm trở lại đây, kịch bản phim chiếu rạp không chỉ khai thác người phụ nữ ở khía cạnh sắc đẹp, sự dịu dàng, bản năng làm vợ làm mẹ, tâm lý trong tình yêu, mà còn chuyển hướng phản ánh họ ở lĩnh vực làm ăn kinh tế, phòng chống tội phạm, thậm chí có cả nhân vật là bà trùm xã hội đen…

Trong số này, ít phim thành công về doanh thu, nhưng không vì thế mà các nhà sản xuất dừng lại. Xu hướng xây dựng nhân vật là các nữ cường nhân vẫn rất phát triển.

Trailer "Chị trợ lý của anh"

Sự thoái trào của dòng phim nhà nước gần như đã làm biến mất hình ảnh người phụ nữ Việt truyền thống kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang, nhẫn nhịn chịu đựng khỏi màn ảnh.

Thay vào đó, phim thị trường xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam thời hiện đại rất năng động, làm chủ cuộc sống, tình yêu, thậm chí sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người thân yêu của mình

Câu hát "em không cần đàn ông để thấy mình thành công" của Mỹ Tâm trong phim Chị trợ lý của anh không chỉ phản ánh suy nghĩ của một bộ phận phụ nữ sống ở đô thị hiện nay, mà còn là "xu hướng" trong việc xây dựng nhân vật nữ của điện ảnh thị trường.

Phải chăng đó là lý do mà mấy năm gần đây khán giả đã được chứng kiến sự đổ bộ của những cô nàng Alpha (thủ lĩnh) trên màn ảnh rộng.

Ngày 8-3: Em không cần đàn ông để thấy mình thành công - Ảnh 3.

Từ trái qua: Kaity Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc, Miu Lê, Phương Anh Đào - Ảnh: ĐPCC

Đó là những nàng sếp thét ra lửa như Oanh (Miu Lê) trong Bạn gái tôi là sếp, Mai (Phương Anh Đào) trong Chàng vợ của em, Khả Doanh (Mỹ Tâm) trong Chị trợ lý của anh, Ms Q (Ninh Dương Lan Ngọc) trong Gái già lắm chiêu 2…

Đặc điểm chung của những nhân vật nữ này đều là các cô gái ngoài 30 tuổi sống ở đô thị, thông minh, quyết đoán, đầy tham vọng, thành công trong công việc và lơ là chuyện yêu đương…

Các biên kịch cũng "thoáng tay" hơn trong việc xây dựng tính cách cho các nhân vật nữ. Phụ nữ trên màn ảnh rộng hiện nay không còn là mẫu phụ nữ e ấp, chờ đợi người đàn ông mà họ chủ động trong tình yêu, thậm chí cả tình dục.

Trong Em chưa 18, cô gái chưa đủ 18 tuổi (do Kaity Nguyễn đóng) đi bar và đã kéo được một anh chàng dày dạn kinh nghiệm tán gái vào tròng. Còn trong Gái già lắm chiêu 2, những cô nàng thành thị thoải mái bàn về chuyện tình dục mà không ngượng ngùng…

Ngày 8-3: Em không cần đàn ông để thấy mình thành công - Ảnh 4.

Các cô nàng thành thị trong "Gái già lắm chiêu 2" - Ảnh: ĐPCC

Thú vị hơn cả là thể loại phim hành động, vốn là đất của nam giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các nhà sản xuất nữ có vẻ rất "máu" với thể loại này. Phải kể tới Trương Ngọc Ánh và Ngô Thanh Vân. Họ không chỉ là nhà sản xuất mà còn kiêm luôn vai trò diễn viên chính trong các bộ phim.

Sau Hương Ga, Trương Ngọc Ánh làm Truy sát. Dẫu bộ phim thứ hai không thành công, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của nhà sản xuất có độ "máu" cao như thế này mới kích thích thị trường đua tranh chất lượng.

Trailer phim "Hai Phượng"

Hai Phượng của Ngô Thanh Vân đang tung hoành ngoài rạp, không chỉ nâng cấp hình tượng đả nữ của chính cô mà còn nâng cấp luôn cả tiêu chuẩn làm phim hành động ở Việt Nam. Bởi với những gì Hai Phượng đã làm, những bộ phim ra sau chắc chắn sẽ mất công đầu tư để được bằng hoặc hơn bộ phim này.

Ngoài ra những diễn viên mảng hài như Thu Trang sau web drama Thập Tam Muội làm về giới xã hội đen đã quyết định nâng cấp thành phim chiếu rạp Chị Mười Ba với nhiều yếu tố hành động.

Xu hướng xây dựng nhân vật nữ mạnh mẽ của điện ảnh Việt không nằm ngoài "trend" của điện ảnh thế giới. Trong bối cảnh phụ nữ trên thế giới không ngừng đấu tranh để giành được quyền bình đẳng với nam giới, điện ảnh thế giới trong những năm qua đã có thay đổi rất nhiều.

Ngày 8-3: Em không cần đàn ông để thấy mình thành công - Ảnh 6.

Trương Ngọc Ánh vào vai thiếu tá An trong "Truy sát" - Ảnh: ĐPCC

Phụ nữ đã trở thành một "thế lực" mới trong các bộ phim, ở đó họ thể hiện những đặc điểm đa dạng của giới nữ, với nhiều sức mạnh, quyền năng hơn trước kia.

Những bộ phim nổi bật tại Oscar 2018 như The shape of water, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri đều có nhân vật nữ chính rất đặc biệt do những nữ diễn viên rất cá tính thể hiện.

Phim hành động liên quan đến trộm cướp từ lâu là địa hạt dành cho nam giới, nay đã thêm các bản dành cho nữ giới như Ocean’s 8, Widows.

Đặc biệt thể loại siêu anh hùng vốn do nam giới thống trị giờ đã thêm các tác phẩm Wonder Woman, Captain Marvel với nhân vật chính là nữ siêu anh hùng.

Với điện ảnh Việt Nam, lực lượng mạnh nhất trong điện ảnh Việt hiện nay không phải là các diễn viên nữ, hay các nhà sản xuất nữ, mà nữ khán giả. Đây là nhóm khán giả đang quyết định nhà sản xuất sẽ "nấu món gì" cho "mâm cơm" điện ảnh.

Tiếc là hầu hết phim hiện nay sản xuất ra đều dồn vào thể loại tình cảm, hài mà nhà phát hành cho rằng nữ giới rất yêu thích. Theo lý giải của nhiều biên kịch, phụ nữ với những đặc điểm đa dạng, phong phú về giới của mình giúp các biên kịch có rất nhiều "đất" để sáng tạo.

Ngoài ra, theo khảo sát của những nhà phát hành, phần lớn khán giả đến rạp hiện nay là nữ. Trong các cặp đôi trẻ Việt đến rạp xem phim, thì nữ giới mới là người quyết định xem phim gì.

Ngày 8-3 và những người phụ nữ trong Ngày 8-3 và những người phụ nữ trong 'trận chiến'

TTO - Có thể 8-3 là 'cái cớ' hợp lý để những bộ phim với góc nhìn xoay quanh phụ nữ đồng loạt ra mắt: Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Captain Marvel...

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên