Thách cưới là tục lệ lâu đời truyền lại. Trong thời đại ngày nay rất nên bỏ. Hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu chân chính thủy chung, lâu dài chứ không phải tùy thuộc vào số tiền thách cưới.
Cẩn thận đổ nợ vì vay tiền là lễ
Không nên nghĩ cố chạy vạy cho có được cây vàng và mấy mươi triệu để nộp làm lễ vật là nhà gái hãnh diện với mọi người. Rồi tự nhủ nhận lễ vật xong cha mẹ vợ gởi cho lại nên chẳng mất gì.
Hoàn cảnh kinh tế mỗi nhà mỗi khác. Không nên định ra lễ vật phải đúng thế này. Đâu có quy tắc buộc nhà gái phải cho con gái hết số lễ vật đã nhận của đàng trai. Nếu họ nhà gái không tặng hoặc chỉ tặng một phần thì cũng không trách được. Khi đó, nếu là số tiền vàng vay mượn, có phải lâm nợ hay không?
Tôi có kinh nghiệm đã được mời làm trưởng tộc nhiều hôn lễ. Nếu gia cảnh hai bên không có gì khó khăn và thống nhất lễ vật, thì không phải bàn. Trong trường hợp nhà trai chưa đủ sức theo ý nhà gái, sẽ bàn bạc sao cho hôn lễ vẫn vui, ý nghĩa mà không tạo gánh nặng cho nhau.
Cô dâu rất nên hiểu hôn nhân là chung tay xây dựng cuộc sống tương lai, chứ không thể có giá bằng tiền, bằng vàng do tập tục truyền lại.
Lễ vật chưa như mong muốn của gia đình không nói lên được tình cảm quý trọng đảm bảo lâu dài cho cuộc hôn nhân.
Phần trình lễ mà ta hay gọi là nạp tài thường được công bố trong nghi lễ, nên vì sĩ diện, vì không dám bước ra khỏi tập tục cổ hủ, nhà gái buộc phải đưa ra con số tài vật cụ thể để họ nhà trai trình lễ.
Có gia đình sau khi công bố tài vật tặng cô dâu liền mở tráp lễ cho mọi người thấy đúng như giao ước. Tiền được bày ra từng tờ xem có khớp với lời nói hay không. Rồi vàng cũng được bà con nội ngoại giám định bằng… mắt xem có đúng số lượng mà họ nhà gái đã thách cưới hay không. Lời khen, tiếng chê cũng từ đây mà ra.
Thách cưới, nạp tài chỉ nên là nghi thức
Tôi từng đề nghị và được các gia đình tán thành thay đổi một vài chi tiết trong hôn lễ. Đó là phần nạp tài chỉ tiến hành nghi thức trao, nhận phong bao nhưng không thông báo cụ thể số tiền, số vàng là bao nhiêu trước mọi người. Nội dung này chỉ gói gọn trình báo trong cha mẹ hai bên mà thôi.
Cũng có ý kiến của khách dự mong được biết cụ thể tiền vàng do nhà trai mang đến là bao nhiêu, có đáp ứng như tục lệ hay không. Tôi nhẹ nhàng tránh trả lời trực tiếp, hẹn để gia đình báo sau, vì có nhiều yếu tố bất ngờ. Phần tặng nữ trang cũng vậy, không báo cụ thể giá trị từng món mà chỉ nói chung mà thôi.
Với cách tiến hành nghi lễ như thế, tôi nhận thấy hai gia đình đều vui, không phải băn khoăn trước những lời bàn ra tán vào của họ hàng, của khách dự. Suy cho cùng, hôn nhân là của con mình, không việc gì phải báo cáo, phải xin ý kiến ai cả.
Nuôi con đến ngày khôn lớn, dựng vợ gả chồng, tiền vàng nào sánh cho bằng mà phải thách cưới phải có cây vàng, phải mấy mươi triệu.
Ba mươi triệu hay ba trăm triệu không thể là thước đo hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, và càng không thể là chuẩn giá trị xác định hôn nhân dài lâu. Thực tế cho thấy không ít cuộc hôn nhân gãy đổ dù trước đó lượng tiền vàng trong hôn lễ vô cùng lớn. Và rất nhiều cuộc hôn nhân lâu bền dù lễ vật chỉ ở mức khiêm tốn mà thôi.
Tốt nhất, hai bên nên ngồi lại với nhau, bàn bạc thật kỹ các bước trên tinh thần hiểu biết, văn minh, thấu hiểu, chia sẻ với nhau nhằm tạo cho con cuộc sống hạnh phúc dài lâu. Chàng trai cô gái cũng cần nâng cao nhận thức về cuộc sống lứa đôi, hiểu được tiền bạc cũng cần thiết nhưng đó không phải là tuyệt đối giữ được hạnh phúc lâu dài.
Thách cưới là hủ tục, nên bỏ.
Thói sĩ diện của cả hai bên cũng phải bỏ.
Bạn nghĩ sao về phần "lễ đen" có khi lên tới hàng chục triệu đồng khi hỏi vợ? Bạn có câu chuyện nào xoay quanh các tục lệ tương tự khi cưới hỏi?
Theo bạn, có nên kết hôn khi tài chính chưa ổn định, hay phải tích lũy tới mức nào mới nên làm đám cưới? Mời bạn chia sẻ ý kiến tại ô Bình luận dưới bài viết, hoặc gửi email về tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận