Một cuộc đua thành tích mới, trong khi nhìn từ thực tế có biết bao bất cập đè nặng các cơ sở giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến những trẻ ở lứa tuổi mầm non.
Cụm từ “hi sinh trẻ 3, 4 tuổi để đạt 100% trẻ 5 tuổi tới lớp” đã trở nên quen thuộc trên phương tiện thông tin đại chúng, là thông điệp bất thành văn được ngầm hiểu giữa các cấp quản lý từ thấp đến cao.
Hà Nội mỗi mùa tuyển sinh lại tái diễn cảnh phụ huynh tụ tập trước cổng trường với đủ vật dụng nhằm “đặt chỗ” xếp hàng mua đơn. Hầu hết phụ huynh này đều mong ngóng một chỗ cho trẻ 3, 4 tuổi.
Tại TP.HCM, hàng ngàn phụ huynh cũng ngày đêm thắc thỏm mơ một chỗ học cho con ở trường công vì không phải ai cũng có tiền cho con học trường tư và không phải trường tư nào cũng đảm bảo thực hiện chương trình mầm non để “phổ cập”. Nếu những phụ huynh của trẻ 3, 4 tuổi còn hi vọng về chỗ học thì trẻ 1-2 tuổi khỏi mơ đến chỗ học trường công.
Mùa tuyển sinh năm nay, Hà Nội hăm hở thay thế cảnh xếp hàng bằng hình thức bốc thăm chỗ học. Đặt sự học vào trò may rủi, nhiều phụ huynh cũng đành nhắm mắt cầu mong một lá phiếu “có chỗ”. Vì không bốc thăm thì phải làm gì với việc hàng trăm trẻ trong độ tuổi 3, 4 tranh nhau một hai chục chỗ học. Các cháu đã phải “hi sinh” một phần chỗ học cho các anh, chị lên 5. Mà thực chất là “hi sinh” để cỗ xe thành tích mau cán đích.
Với nhiều quốc gia khác, chỉ khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về giáo viên, chỉ khi kinh phí đủ để trẻ được đi học miễn phí, bảo đảm được chăm sóc, giáo dục tốt thì mới đặt ra đích “phổ cập”. Nhưng ở Việt Nam, đích phổ cập được định ra khi bậc giáo dục mầm non cả nước còn chồng chất thiếu thốn, khó khăn. Giáo viên mầm non không đạt chuẩn, giáo viên bỏ nghề vì lương thấp, phòng học thiếu thốn, sĩ số lớp đông gấp mấy lần “chuẩn”.
Giữa Hà Nội, dù đã có rất nhiều giải pháp đặt ra nhưng đến năm học này vẫn còn những phường “trắng” trường mầm non. Để 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, nhiều trường đang phải giật gấu vá vai, tận dụng phòng họp, tận dụng phòng chức năng, tận dụng cả nhà kho làm nơi học, nơi chơi cho trẻ. Trẻ 5 tuổi cần “phổ cập” nên phải chấp nhận học trong các lớp 60-70, thậm chí trên 70 trẻ/lớp. Nhưng trẻ 5 tuổi vẫn còn may chán vì được ưu tiên để có thành tích cho địa phương.
Trẻ ở các lứa tuổi khác, lẽ ra cần nhiều hơn sự chăm sóc, cần có những điều kiện tốt hơn để đảm bảo an toàn lại bị đẩy ra các nhóm, lớp tư thục, trong đó có nhiều nhóm, lớp không phép, không ai quản lý, giám sát.
Trả lời thắc mắc của người dân, người có trách nhiệm ở Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định quan điểm chỉ đạo là “phải quan tâm đều các lứa tuổi”. Nhưng khi đích đến được ấn định và việc các tỉnh, thành đua chen nhau để “cán đích sớm” vẫn được khuyến khích, vẫn được nêu gương như một tiêu chí để đánh giá thi đua, để được khen thưởng thì quan điểm chỉ đạo trên chỉ là điều được thể hiện trên giấy mà thôi.
Ngành GD-ĐT lâu nay đã dư thừa các cuộc đua thành tích, vì thế việc vận hành guồng máy giáo dục với tốc độ quá mức khiến “chất” không đi đôi với “lượng”, “tiến độ” không tương thích với “điều kiện”. Gánh chịu điều này, không ai khác là học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận