10/05/2017 07:59 GMT+7

Ngành điều khiển tàu biển: nhiều cơ hội việc làm, lương cao

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TTO - Trong tương lai, ngành điều khiển tàu biển vẫn là một ngành đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho vận tải biển Việt Nam và thế giới.

PGS.TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đang tư vấn cho thí sinh về phương thức xét tuyển ĐH năm 2016 - Ảnh: Trần Huỳnh
PGS.TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đang tư vấn cho thí sinh về phương thức xét tuyển ĐH năm 2016 - Ảnh: Trần Huỳnh

Theo PGS.TS Nguyễn Phùng Hưng, trưởng khoa hàng hải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với ưu thế của mình về giá cước vận tải, khả năng chuyên chở và hạ tầng sẵn có, vận tải biển là lĩnh vực không thể thay thế trong nền kinh tế thế giới. 

“Vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực được đào tạo chất lượng chuyên môn cao trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng” - ông Hưng nhận định.

PGS.TS Nguyễn Phùng Hưng cho biết thêm các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia ven biển cũng từng bước phát triển đội ngũ thuyền viên theo hai hướng: cung cấp cho các đội tàu quốc gia và xuất khẩu thuyền viên.

Hướng thứ nhất, đảm bảo cho vận tải trong nước đáp ứng yêu cầu vận tải nội địa, cạnh tranh tốt với nước ngoài, đảm bảo an ninh. Hướng thứ hai, đáp ứng nhu cầu vận tải biển thế giới, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ…

Đối với VN, là quốc gia có biển, cảng biển và nhân lực dồi dào, thu nhập bình quân còn thấp. Đối tượng người học và muốn làm nghề đi biển chuyển dần sang các vùng nông thôn, tỉnh xa hơn là thành phố lớn vì nhu cầu thu nhập. 

Yêu cầu đặt ra đối với người theo nghề điều khiển tàu biển là phải được đào tạo theo yêu cầu kiến thức về chuyên môn chuẩn quốc tế (của IMO). Điều này đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất, điều kiện thực tập (phòng thực hành, tàu thực tập, ký túc xá, nguồn nhân lực giảng dạy…).

Người học cũng phải đáp ứng trình độ tiếng Anh cao, sức khỏe tốt, được huấn luyện cập nhật liên tục sau khi ra trường, trong quá trình công tác để đám nhận các chức danh ngày một cao hơn trên tàu biển.

Thu nhập bình quân của người tốt nghiệp ngành này so với nhiều ngành trên bờ vẫn ở mức cao hơn, được đi nhiều nơi trên thế giới, làm việc môi trường đa quốc tịch.

Để theo học ngành này, sinh viên cần học tốt tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh hàng hải; học cách vận hành trang thiết bị hàng hải, điều khiển tàu, Luật hàng hải, an toàn hàng hải…

Đặc biệt, sinh viên cần các tố chất: sức khỏe dẻo dai, được rèn luyện tốt, sống và làm việc có kỷ luật cao, độc lập, biết làm việc tập thể, tôn trọng tập thể, sẵn sàng sống và làm việc xa nhà, trong môi trường đa quốc tịch, có khả năng tự học tập và nghiên cứu liên tục ngay cả khi đi làm…

Khi ra trường, sinh viên có thể làm việc dưới tàu biển VN và nước ngoài (ngay lập tức vì bằng cấp chuyên môn đáp ứng yêu cầu quốc tế); các cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải (cảng vụ), hoa tiêu hàng hải, bảo hiểm hàng hải, giám định hàng hải, quản lý khai thác tàu…

Mức lương thấp nhất (thủy thủ, thợ máy) tàu nội địa khoảng 7 đến 8 triệu đồng/tháng, tăng dần theo chức danh: sĩ quan 20, 30 triệu đồng; thuyền trưởng 50 đến 80 triệu đồng hoặc cao hơn tùy tàu, công ty; đối với các chủ tàu nước ngoài, thủy thủ khoảng 20-30 triệu đồng, cao nhất là thuyền trưởng, máy trưởng có thể 5.000-8.000 USD hoặc hơn.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên