
Người tiêu dùng trong nước hiện vẫn ưu tiên sử dụng thịt heo tươi, không qua cấp đông - Ảnh: N.TRÍ
Nhận định trên được ông Trương Sỹ Bá, chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp BAF Việt Nam, đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 23-4.
Chính sách thuế của Mỹ có thể giúp giá ngô, đậu nành rẻ thêm
Theo ông Bá, phần lớn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay như ngô, lúa mì... được Việt Nam nhập chủ yếu từ Nam Mỹ, nên không ngại câu chuyện áp thuế với Mỹ.
Thậm chí, trường hợp Mỹ áp thuế nặng với Trung Quốc thì thị trường tiêu thụ khổng lồ này có thể "trả đũa", không nhập hàng Mỹ, khiến giá nông sản tại Mỹ giảm.
Còn thịt nhập khẩu, ông Bá cho rằng hai nước khả năng có thương thảo về kim ngạch nhập khẩu nên ngành chăn nuôi có thể bị ảnh hưởng nếu Việt Nam giảm áp thuế đối với thịt nhập từ Mỹ.
"Nhưng cần biết là thịt nhập (đông lạnh) hiện chủ yếu được tiêu thụ ở các bếp ăn tập thể hoặc nhà hàng, còn người dân Việt Nam vẫn còn sở thích ăn thịt tươi. Như vậy, phân khúc này có bị ảnh hưởng nhưng khả năng không ảnh hưởng nhiều", ông Bá nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 23-4, ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như heo, gà... xuất qua thị trường Mỹ rất ít. Do đó, nếu Mỹ tăng mức áp thuế, ngành chăn nuôi trong nước gần như không chịu nhiều tác động.
Về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Công cho biết hiện thuế suất nhập khẩu của đậu nành và bắp đã giảm về bằng 0%.
"Trường hợp chiến tranh thương mại, Trung Quốc không nhập nguyên liệu từ Mỹ, giá mặt hàng này tại Mỹ có thể sẽ rẻ thêm, đây là cơ hội cho ngành chăn nuôi trong nước".
Nếu giảm thuế nhập khẩu thịt, cần có lộ trình, hàng rào tiêu chuẩn
Đối với thịt nhập, ông Lê Văn Quyết, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho rằng ngành chăn nuôi trong nước ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng nếu Việt Nam giảm mạnh thuế đối với mặt hàng thịt được nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nếu có sẽ tùy theo giai đoạn và tình hình cung cầu.
"Giá thành sản xuất gia cầm tại Việt Nam hiện cũng không còn quá cao so với thế giới, chưa kể một số nước, trong đó có Mỹ nguồn cung gia cầm cũng đang bị hạn chế vì dịch bệnh. Do đó tạm thời trong ngắn hạn, tác động là không quá lớn", ông Quyết nói.

Tại đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo Công ty BAF cho rằng dịch bệnh đã làm giảm mạnh nguồn cung heo, dẫn đến giá heo ổn định ở mức tốt - Ảnh: N.TRÍ
Nhiều chuyên gia cho rằng trường hợp buộc phải giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt, Việt Nam cần tính toán giảm theo lộ trình và phải có hàng rào tiêu chuẩn, điều này góp phần bảo hộ sản xuất trong nước, giúp ngành chăn nuôi có thêm thời gian thay đổi, phát triển để đủ lực cạnh tranh với hàng nhập.
Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty BAF, với ảnh hưởng từ dịch bệnh, đến năm 2030, tỉ trọng của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm mạnh, có thể giảm từ mức hơn 70% trước đó xuống chỉ còn 25-30%.
So với tổng cung của ngành là 50 triệu con heo, mức giảm này tương ứng giảm khoảng 20 triệu con. Do đó, nếu biết quản lý tốt về dịch bệnh, từ thời điểm này đến 2030 là cơ hội cho các đơn vị chăn nuôi lớn tiến lên chiếm lĩnh nguồn cung.
Theo ghi nhận, sau thời gian lên mức đỉnh là 84.000 đồng/kg, giá heo hơi thời gian qua quay đầu giảm, và hiện ở mức phổ biến 67.000 - 76.000 đồng/kg. Theo đó, miền Bắc được ghi nhận có mức giá thấp nhất và miền Nam là cao nhất cả nước.
Tăng xây nhà lầu để nuôi heo
Năm 2024, BAF ghi nhận doanh thu hơn 5.600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 319 tỉ - gấp 10 lần năm 2023. BAF cho biết sau khi hợp tác với đối tác Trung Quốc, đơn vị đang đẩy mạnh mô hình xây nhà tầng tại nhiều tỉnh thành để chăn nuôi heo với quy trình khép kín.
Với tổng trang trại đang vận hành là 40 trang trại, chưa bao gồm những trang trại gia công khác, mục tiêu của BAF đến 2030 đạt 10 triệu con heo thương phẩm bán ra, và định hướng trở thành tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận