17/05/2022 13:41 GMT+7

Ngang nhiên đổ trộm rác thải: Lẽ nào không có 'thuốc' trị?

QUANG THẾ ghi
QUANG THẾ ghi

TTO - Có những bãi rác đổ trộm lâu năm gây bức xúc với người dân Hà Nội. Chính quyền địa phương thì chưa thể tìm ra phương án hữu hiệu xử lý dứt điểm vấn nạn này.

Ngang nhiên đổ trộm rác thải: Lẽ nào không có thuốc trị? - Ảnh 1.

“Con đường rác” tồn tại trong khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) từ nhiều năm nay - Ảnh: Q.T.

Bãi rác ngay cạnh khu dân cư giáp ranh giữa hai phường Vĩnh Hưng và Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) 10 năm qua vẫn cứ chưa vơi lại đầy. Rác xây dựng, rác sinh hoạt đổ trộm về đây, người dân sống cạnh hứng chịu ô nhiễm nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Tâm (74 tuổi, phường Thanh Trì) cho biết ngày nào bà cũng phải đi qua con đường này giữa bãi rác tự phát có thời điểm chắn hết cả lối đi. "Đi qua đoạn này cứ phải che chắn thật kín để ngăn mùi xộc vào mũi, vào phổi. Bao lần phường đến dọn xong rồi dân lại đổ bừa ra. Những nhà dân sống cạnh đều phải đóng chặt cửa sổ...".

Còn ông Nguyễn Đức Toan (phường Thanh Trì) cho biết đây là nơi giáp ranh nên nhiều người lợi dụng lúc vắng để đổ trộm. Trời mưa thì ngập ngụa trong nước rác thải, trời nắng ngộp thở do đốt rác lấy phế liệu.

Ông Vũ Khánh Trung (phường Vĩnh Hưng) cho hay: "Tình trạng này diễn ra lâu nay, người dân đã phản ảnh, kiến nghị nhưng bãi rác vẫn không được xử lý triệt để. Theo tôi, chính quyền địa phương cần rào chắn lại đồng thời có giải pháp xử lý nạn đổ trộm".

Không riêng gì địa bàn quận Hoàng Mai, tại bãi đất trống là dự án chưa triển khai xây dựng ven đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) hay cạnh các ô "đất vàng" bỏ hoang nhiều năm trong khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), những "con đường rác" tồn tại từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Những khu đất trống ở nội thành Hà Nội thành những điểm tập kết rác thải trái phép.

Thu phí tập kết rác xây dựng được không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tuấn Đạt - chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng - cho biết sẽ phối hợp với UBND phường Thanh Trì rào hai tuyến đường trong dự án này lại.

Trong khi đó ông Vũ Minh Cường - phó giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Hoàng Mai (thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thăng Long) - cho hay đơn vị này chỉ có trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư. Ở những bãi đất hoang, khu đất dự án chưa bàn giao lại cho chính quyền địa phương thì không nằm trong danh mục hợp đồng với UBND quận Hoàng Mai.

"Tuy vậy công ty vẫn cùng địa phương tuyên truyền, múc số rác này đi xử lý. Chúng tôi kiến nghị trên địa bàn mỗi phường phải có điểm tập kết phế thải xây dựng có thu phí, tránh tình trạng có chỗ trống người dân lại đổ trộm", ông Cường nói.

Theo tìm hiểu, từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm hoạt động tái chế phế thải xây dựng. Tuy nhiên ghi nhận cho thấy số lượng thu gom, tái chế bằng phương pháp nghiền còn quá ít so với lượng phế thải thực tế phát sinh khoảng 3.000 tấn chất thải rắn/ngày ở Hà Nội.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã có văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã kiểm soát nguồn thải, tăng cường quản lý chất thải rắn. Đơn vị này cho biết đã báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét chỉ đạo việc giao đất, cho thuê đất đối với các vị trí trung chuyển tạm thời để xử lý chất thải rắn.

Đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết bộ đang hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn và sẽ ban hành trong thời gian tới để các địa phương áp dụng. Lộ trình, phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích sẽ thực hiện ngày 31-12-2024.

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Chính quyền phường đau đầu vì nạn đổ rác trộm Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Chính quyền phường đau đầu vì nạn đổ rác trộm

TTO - Ngày 14-12, PV Tuổi Trẻ quay trở lại 2 điểm đen xả rác mà bạn đọc đã từng góp ý trên diễn đàn 'Môi trường nơi tôi sống' nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

QUANG THẾ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên