
Nhiều người dân Cà Mau đem xuyệt điện đổi lấy gạo và nhu yếu phẩm, tự nguyện “giải nghệ” - Ảnh: THANH HUYỀN
Việc ngăn chặn xuyệt cá đang là mối quan tâm chung của nhiều địa phương.
Cần có đường dây nóng chống xuyệt cá
Ghi nhận tại Đồng Tháp, có tình trạng người dân chuyển từ đánh bắt công khai quy mô lớn sang đánh bắt nhỏ lẻ bằng xuyệt điện.
Ông N.V.H. (ngụ ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) cho biết hiện nay dọc theo các con sông lân cận khu vực ông sinh sống vẫn còn nhiều người đánh bắt cá bằng xuyệt điện, dùng thuốc diệt cá hàng loạt.
"Đa số những người xuyệt cá trên sông từ nơi khác đến nên khi bắt cá xong họ đi khỏi, chính quyền xã muốn bắt, muốn phạt cũng khó.
Đáng lo nhất là tình trạng sử dụng thuốc diệt cá hàng loạt để đánh bắt, có khi một khúc sông cá chết nổi rất nhiều nên những năm gần đây lượng cá cao điểm mùa nước nổi rất ít, một số loài cá đặc trưng hầu như không còn", ông H. nói.
Ông Võ Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết việc đánh bắt bằng xuyệt điện tuy đã giảm so với những năm trước đây do sự vào cuộc của ngành chức năng nhưng vẫn còn xảy ra.
"Đa số những người đánh bắt trên sông thường đi từ xã này qua xã khác nên việc bắt quả tang và xử lý còn hạn chế", ông Hiền nói.
Để ngăn chặn tình trạng xuyệt cá chạy lung tung, ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết: "An Giang trước giờ có đường dây nóng từ cấp tỉnh đến huyện, xã để báo tin. Các đơn vị được giao đường dây nóng có thẩm quyền xử lý nhanh".
Đổi gạo, treo thưởng - cách làm hay từ Cà Mau
Tại Cà Mau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị số 17 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên toàn tỉnh, hướng đến việc nói không với xung điện, kích điện, nói không với khai thác thủy sản có tính hủy diệt, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt.
Gần một năm sau khi chỉ thị ban hành, người dân chủ động giao nộp hơn 1.860 bộ dụng cụ kích điện; lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy gần 580 bộ kích điện; xử phạt hành chính gần 700 trường hợp vi phạm. Trong số này có vài trường hợp tái phạm, bị truy tố hình sự và hầu hết đều bị tuyên kịch khung về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Toàn - chủ tịch UBND xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) - cho biết sau khoảng hai tháng phát động phong trào đổi gạo lấy xuyệt điện, đã đổi được gần 60 bộ xuyệt, trong đó có nhiều bộ xuyệt sông, công suất lớn.
Ông Hữu Nghị - ấp 7, xã Tân Lộc - nói trước đây ông cũng từng làm nghề xuyệt cá, cá ăn không hết ông đem ra chợ bán. Từ ngày xã vận động giao nộp các dụng cụ xuyệt, ông đã đem bộ xuyệt của nhà đi giao nộp để đổi lấy gạo ăn.
Theo ông Nguyễn Thế Châu - chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan lập phương án xem xét và khen thưởng 3 triệu đồng cho người phát hiện, cung cấp thông tin hữu ích cho lực lượng chức năng bắt giữ người tàng trữ, sử dụng xuyệt điện, hóa chất và các hành vi khác để khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.
Theo thống kê, người dân tại huyện đã tự nguyện giao nộp gần 500 bộ xuyệt điện. Đa số người dân đã ký cam kết chấp hành các quy định về chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt.
Ông Kim Hoàng Thanh - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang - cho biết tỉnh đang nghiên cứu cách làm của Cà Mau về chế độ cho người cung cấp thông tin bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
"Qua chính sách của Cà Mau nhiều tỉnh có hướng ủng hộ, còn việc bảo vệ người cung cấp thông tin thì yên tâm vì trước giờ mình có chính sách bảo mật tuyệt đối cho người cấp tin. Chúng tôi xem đây là mô hình tốt để các tỉnh tham khảo, triển khai. Nguồn tiền thì tôi nghĩ cấp HĐND tỉnh có thể ra các văn bản liên quan để cấp nguồn", ông Thanh chia sẻ.

Ông Hữu Nghị - ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau - đã nộp xuyệt điện cho chính quyền và chọn giăng lưới kiếm cá ăn hằng ngày - Ảnh: THANH HUYỀN
Bắt 2,3kg cá, nhận 9 tháng tù giam
Ngày 23-1, trong phiên tòa xét xử lưu động tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, bị cáo Lê Văn Niệm (35 tuổi) khóc xin tòa giảm nhẹ hình phạt vì nhà thuộc hộ nghèo, vợ không có việc làm, con thơ dại.
Theo cáo trạng, thời điểm bị bắt Niệm chỉ thu được 2,3kg cá, trị giá 159.000 đồng. Trước đó bị cáo đã bị Đồn biên phòng Khánh Tiến (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau) xử phạt về cùng hành vi, vẫn chưa được xóa tiền sự nhưng vẫn tái phạm.
Theo đại diện Viện kiểm sát, hành vi xuyệt điện không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái dưới nước mà còn gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác và chính bản thân người sử dụng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Văn Niệm 9 tháng tù giam.
Ngăn xuyệt cá... trên mạng
Trong khi đó, trên mạng xã hội hiện có rất nhiều trang giới thiệu cách chọn loại kích nóng để đeo vai đánh cá có vảy ở ao đìa, sông rạch hay chọn kích lạnh để đánh được nhiều loại cá da trơn ở sâu hàng chục mét dưới đáy kênh rạch khi đã bắt hết cá có vảy trên mặt nước.
Có trang còn quay clip cận cảnh xưởng sản xuất bộ kích điện với giá 1-3 triệu đồng. Có nhiều loại "chuyên sâu" xuyệt nước mặn, nước ngọt, nước lợ được rao bán để người mua đánh được nhiều cá nhất. Người bán xuyệt còn tư vấn muốn bắt cá da trơn (xuyệt lạnh) hay các loài có vảy (xuyệt nóng), bắt cá "chuyên nghiệp" (dùng xuyên đêm) hay chỉ cần xuyệt mạnh (nhỏ gọn)…
Một số nhóm đi xuyệt chỉ để quay video đăng lên mạng xã hội thu hút view, tìm kiếm tiền quảng cáo YouTube, TikTok…
Bạn đọc đề xuất nhân rộng treo thưởng tiền tố xuyệt cá
Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) "treo thưởng" 3 triệu đồng cho những ai tố giác, cung cấp thông tin hữu ích cho ngành chức năng bắt giữ người sử dụng xuyệt điện khai thác thủy sản tận diệt. Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã nhiệt tình ủng hộ, đề nghị nhân rộng mô hình cho các địa phương khác.
"Hoan hô Cà Mau đã mạnh tay để nguồn thủy hải sản được tái sinh", bạn đọc Đào Sơn La viết. Cùng quan điểm, bạn đọc Giang Hà nhận xét phải làm mạnh như vậy mới xóa được nạn tận diệt cá tôm.
Theo bạn đọc có email dohu****@gmail.com, đây là một việc làm vô cùng đúng đắn nhưng nhiều địa phương hiện nay không chú ý hoặc làm không triệt để, làm ảnh hưởng đến tự nhiên rất nhiều.
Bạn đọc Kelvin cho biết ở TP.HCM, ngay tại trung tâm như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi, khu vực huyện Bình Chánh… rất nhiều người đánh bắt cá bằng hình thức này. Bạn đọc gợi ý tất cả các địa phương nên nhân rộng mô hình này.
"Hiện tại nhóm người đánh bắt cá bằng xung điện rất lộng hành, tận diệt nguồn lợi thủy sản nhưng các địa phương còn chưa xử lý nghiêm và triệt để", bạn đọc Ngongoctuoi bày tỏ.
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Nam, nước ta sông hồ rất nhiều thủy sản, hải sản nhưng hiện nay đã gần như tận diệt vì nạn xuyệt điện. "Tất cả các địa phương nên theo mô hình này thì nguồn thủy sản tự nhiên sẽ phong phú", bạn đọc Choa37 góp ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận