01/01/2019 10:02 GMT+7

Ngân hàng vào cuộc đua số hóa

MINH THÀNH - LÊ THANH
MINH THÀNH - LÊ THANH

TTO - Sự ra đời và phát triển của các công nghệ thanh toán mới trong thời gian gần đây đang hướng các ngân hàng vào cuộc chơi số hóa, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Ngân hàng vào cuộc đua số hóa - Ảnh 1.

Thay vì rút tiền từ ATM để chi tiêu, rất nhiều người dùng thẻ để mua hàng. Trong ảnh: dùng thẻ ACB thanh toán tại một siêu thị ở Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Sức ép phải thay đổi càng lớn khi các "ông lớn" nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam.

Đầu tư mạnh vào công nghệ, khuyến mãi

Hiện các ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. Ông Lê Nguyễn Quốc Anh, tổng giám đốc Techcombank, cho biết từ ba năm trước, ngân hàng này đã đầu tư 300 triệu USD cho hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh các giao dịch của khách hàng cá nhân qua kênh điện tử. Techcombank còn cung cấp dịch vụ rút tiền mặt không cần thẻ ATM qua việc sử dụng mã OTP gửi qua tin nhắn điện thoại.

Kết quả, hiện 40% trong hơn 7.774 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 của Techcombank đến từ nguồn thu dịch vụ. Trong đó một nửa là nguồn thu dịch vụ từ khách hàng cá nhân, một nửa là thu dịch vụ từ các công ty lớn, phát hành trái phiếu... Cuối năm 2018, con số này khoảng 42% và kỳ vọng trong từ hai đến ba năm tới nguồn thu từ dịch vụ sẽ chiếm 50% lợi nhuận của NH.

Để khuyến khích khách hàng, Techcombank đang áp dụng chương trình Zero Fee - miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống trên E-banking của ngân hàng. Ngân hàng cũng áp dụng chương trình hoàn tiền không giới hạn với mức hoàn 1% khi sử dụng thẻ Techcombank mua hàng hóa dịch vụ tại tất cả hệ thống đơn vị kinh doanh toàn quốc. Với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng này cũng miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống khi sử dụng NH điện tử.

Vietcombank cũng triển khai thanh toán bằng mã QR - VCB QRPAY trong năm 2018. Theo đó các thông tin thanh toán/giao dịch được mã hóa dưới dạng mã vạch. Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại quét mã tại các đơn vị chấp nhận thanh toán, chương trình sẽ đọc và hiển thị thông tin giao dịch thay vì phải nhập dữ liệu.

Theo ông Đào Minh Tuấn - phó tổng giám đốc Vietcombank kiêm chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, tại Việt Nam thanh toán trực tuyến đang từng bước thâm nhập vào đời sống của người dân và chắc chắn sẽ dẫn đầu thị trường trong một vài năm tới.

Cũng theo ông Tuấn, cơ sở hạ tầng viễn thông vững chắc, mức độ thâm nhập Internet, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao đang là các yếu tố vàng để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Ngân hàng vào cuộc đua số hóa - Ảnh 2.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Những quầy giao dịch không ngủ

Tại buổi khai trương chi nhánh Ngân hàng CIMB tại TP.HCM mới đây, ông Tengku Dato’ Sri Zafrul Tengku Abdul Aziz, tổng giám đốc Tập đoàn CIMB, đã gây bất ngờ khi cho biết chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên tại Đông Nam Á để ra mắt ngân hàng số. Theo ông này, ngân hàng số là xu thế tất yếu, sẽ giúp các ngân hàng giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập từ 50% xuống còn từ 20-30%.

Tới đây CIMB cho hay sẽ phát triển dịch vụ cho vay trực tuyến thông qua ứng dụng ngân hàng số OCTO. Theo đó khách hàng có thể nộp hồ sơ trực tuyến và nhận được chấp thuận cho vay, giải ngân trong thời gian ngắn qua ứng dụng ngân hàng số.

Các ngân hàng trong nước khác cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi liên tục công bố các dịch vụ số hóa trong thời gian gần đây. VPBank cũng đã cho ra mắt ngân hàng số Yolo. Trước đó, TPBank cũng ra mắt mô hình giao dịch trực tuyến LiveBank được mệnh danh là những "quầy giao dịch không ngủ".

Theo các ngân hàng, mô hình ngân hàng số hóa là cần thiết, vì khách hàng có thể giao dịch bất kỳ khi nào chứ không chỉ gói gọn trong giờ hành chính. Ngoài việc tạo thuận lợi cho khách hàng, ngân hàng số cũng giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí đáng kể vì khách hàng không cần đến quầy.

Thói quen đang dần thay đổi

Người tiêu dùng cũng ngày càng chấp nhận các phương thức thanh toán mới. Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước, số món thanh toán qua di động đến hết quý 3-2018 tăng 30% so với cùng kỳ 2017, còn số món thanh toán qua Internet tăng 33%, qua ví điện tử tăng 21%.

Ông Lê Nguyễn Quốc Anh cho rằng thói quen giao dịch bằng thẻ thay vì giao dịch bằng tiền mặt chính là điều kiện cần để thúc đẩy các hình thức thanh toán hiện đại, trong đó có app, ví điện tử... "Giờ ngân hàng tập trung rất nhiều vào việc thay đổi thói quen đó" - ông Quốc Anh nói.

Không chuẩn bị sẽ mất cơ hội

Ông Lê Nguyễn Quốc Anh thừa nhận dù thói quen dùng tiền mặt vẫn còn, thị trường thanh toán đang chuyển hướng rất mạnh theo hướng tích hợp vào điện thoại. Do vậy nếu không chuẩn bị, ngân hàng sẽ qua mặt, bị mất cơ hội. Giống như cách đây 10 năm rất ít người sử dụng điện thoại thông minh nhưng hiện nay gần như rất ít ai dùng điện thoại đời cũ.

Thanh toán qua di động lên ngôi

Song song với NH số, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần được cải tiến. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn - vụ phó Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua di động. Đặc biệt, thanh toán qua di động đang trở thành xu hướng mới. Các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc, phi tiếp xúc và số hóa thông tin thẻ ngày càng gia tăng.

Có 16 ngân hàng đã thực hiện thanh toán qua QR Code, toàn thị trường đã có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Một số ngân hàng đang thí điểm hệ thống giao dịch tự động hiện đại với hỗ trợ mở tài khoản; rút, nhận tiền mặt, chuyển tiền...

Thanh toán không dùng tiền mặt đang thắng thế Thanh toán không dùng tiền mặt đang thắng thế

TTO - Các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang đẩy mạnh tung sản phẩm, tung khuyến mãi, ưu đãi… để giảm thanh toán tiền mặt. Người dân tận dụng sẽ được hưởng nhiều tiện lợi.

MINH THÀNH - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên