Người dân rút tiền từ cây ATM tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng xây dựng phương án dự phòng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt tại các khu vực có ATM quá tải.
Tuy nhiên, một số ngân hàng cho biết phương án này muốn thực hiện được phải tùy thuộc vào... đối tác bởi hiện nhiều công ty không đồng ý chi lương bằng tiền mặt vì lo gián đoạn công việc.
Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng quản lý dịch vụ ATM Vietcombank chi nhánh TP.HCM, cho hay nhiều doanh nghiệp đã bỏ chi tiền mặt từ lâu nên khi ngân hàng đề nghị thì không đồng ý. Do vậy ngân hàng và các doanh nghiệp phải bàn cách làm sao để giảm tải nhất, tránh cảnh nhiều doanh nghiệp cùng dồn vào trả lương những ngày cuối, vì như vậy không hệ thống nào chịu nổi.
Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, công nhận để ngân hàng chi trả trực tiếp tại khu vực ATM quá tải, các ngân hàng cũng phải được sự đồng thuận của lãnh đạo doanh nghiệp và cần tổ chức công đoàn công ty hỗ trợ.
Thực tế việc chi tiền mặt do người của ngân hàng thực hiện nên doanh nghiệp không cần phải bố trí người mà chỉ bố trí cho công nhân ra nhận tiền sao cho không ảnh hưởng đến công việc.
Theo ông Trần Đình Cường, Ngân hàng Nhà nước chú trọng những điểm nóng là các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt những doanh nghiệp có đông công nhân như Công ty Pou Yuen (Q.Bình Tân) có tới 100.000 công nhân.
Do vậy trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với DongABank, là ngân hàng có số lượng máy ATM nhiều nhất tại đây với 15 máy.
DongABank này cho biết sẽ tăng cường thêm 2 xe ATM lưu động, trên mỗi xe có 2 máy ATM trong những ngày cao điểm. Bên cạnh đó DongABank cũng bố trí các máy cà thẻ (POS) để công nhân có thể rút tiền kịp về quê đón tết.
Có nhiều giải pháp khác, theo ông Lê Huỳnh Hà, một trong số những phương án được đưa ra là trả lương so le giữa các doanh nghiệp.
Cụ thể, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ lên lịch trả lương giữa các công ty sao cho không trùng nhau. Ngân hàng cũng khuyến khích doanh nghiệp ứng một phần lương cho công nhân, tránh dồn lương, thưởng vào những ngày làm việc cuối cùng.
Trong khi đó đại diện Sacombank cho biết vừa điều chỉnh định mức tiếp quỹ ATM lên gấp đôi so với thông thường và triển khai hình thức rút tiền nhanh bằng mã QR tại ATM.
Một số ngân hàng khác cho biết bên cạnh mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng và 500.000 đồng, còn nạp thêm các tờ 200.000 đồng nhằm giúp chủ thẻ rút được tối đa 5 triệu đồng/lần khi tiền 500.000 đồng trong máy hết (nếu không có mệnh giá 200.000 đồng thì sau khi hết mệnh giá 500.000 đồng chủ thẻ chỉ có thể rút tối đa 3,5 triệu đồng do máy ATM chỉ có thể chi ra tối đa 35 tờ/lần).
Tuy nhiên các tổ chức tín dụng cho biết dù có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng nhiều ngân hàng lớn cũng lo lượng khách hàng vãng lai từ các ngân hàng nhỏ. Lý do là hiện nhiều ngân hàng nhỏ dù phát hành thẻ nhiều nhưng ít đầu tư máy dẫn đến việc khách hàng rút tiền ở những máy của ngân hàng lớn.
Sẽ tiếp tiền cả ban đêm
Theo quy luật hằng năm, thường sau rằm tháng chạp tình hình bắt đầu "căng", đặc biệt từ 23 âm lịch. Do vậy nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng cường lực lượng.
Sacombank cho hay sẽ tăng nhân sự giám sát ATM để tiếp quỹ, hỗ trợ và xử lý tình huống, kể cả ngày cuối tuần. Ông Lê Huỳnh Hà khẳng định Vietcombank TP.HCM tính tăng tần suất tiếp tiền gấp 3 lần so với ngày thường.
Thông thường sau 17h00 ngân hàng không tiếp tiền nữa nhưng ở những ngày cao điểm, nếu 19h00 mà lượng tiền trong máy chỉ còn khoảng 400 triệu đồng và ngân hàng dự đoán sẽ không đủ cho nhu cầu rút tiền trong đêm thì thực hiện tiếp tiền ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận