Xe
23/06/2024 14:33 GMT+7

Ngân hàng Mỹ khuyến cáo 3 đại gia ô tô nên rút khỏi thị trường xe Trung Quốc

Ngân hàng Mỹ (Bank of America) vừa đưa ra lời khuyên gây chấn động cho các ông lớn ngành ô tô Mỹ khi khuyến cáo Ford, General Motors (GM) và Stellantis nên rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Ford, GM và Stellantis được khuyên rút khỏi Trung Quốc để tránh cảnh cạnh tranh gay gắt cùng các mức thuế cao hơn

Ford, GM và Stellantis được khuyên rút khỏi Trung Quốc để tránh cảnh cạnh tranh gay gắt cùng các mức thuế cao hơn "lơ lửng" trên đầu vì cuộc chiến xe điện Mỹ - Trung - Ảnh: CarNewsChina

Xu hướng xe điện đang làm chao đảo thị trường ô tô toàn cầu và đặt ra nhiều bài toán khó cho các hãng xe, trong đó có việc cân bằng giữa lợi nhuận và việc phải thích nghi với xu hướng mới.

Trong bối cảnh đó, báo cáo Car Wars thường niên mới nhất của Ngân hàng Mỹ đã chỉ ra thực trạng đầy biến động của ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc xe điện.

Tuy nhiên, gây chú ý hơn cả trong báo cáo này là lời khuyên từ chuyên gia phân tích John Murphey của BofA Securities, khi ông cho rằng "bộ ba đại gia Detroit" gồm Ford, General Motors và Stellantis nên rời khỏi Trung Quốc "càng sớm càng tốt".

Lời khuyên này thoạt nghe có vẻ khó tin, bởi Trung Quốc là một thị trường béo bở với hơn 22 triệu xe bán ra mỗi năm. Tuy vậy, thực tế những năm gần đây cho thấy sức ép cạnh tranh từ các hãng xe nội địa đang ngày càng lớn, khiến các thương hiệu nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của GM chỉ sau Mỹ. Họ thậm chí còn có hàng loạt thương hiệu và mẫu xe chỉ kinh doanh độc quyền tại đây, điển hình là trường hợp Buick - Ảnh: Buick

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của GM chỉ sau Mỹ. Họ thậm chí còn có hàng loạt thương hiệu và mẫu xe chỉ kinh doanh độc quyền tại đây, điển hình là trường hợp Buick - Ảnh: Buick

Minh chứng rõ nét nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tên tuổi "cây nhà lá vườn" như BYD, Geely và SAIC. Trong khi đó, thị phần của GM tại Trung Quốc đã giảm từ 15% năm 2015 xuống chỉ còn 8,6% vào năm 2023. Lợi nhuận của hãng tại thị trường tỉ dân cũng sụt giảm nghiêm trọng, từ mức đỉnh năm 2014 xuống 78,5% vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là việc Mỹ tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, càng khiến tình hình thêm phần u ám.

Theo ông Murphey, thay vì sa lầy tại Trung Quốc, "bộ ba Detroit" nên tập trung vào việc nâng cao lợi nhuận từ các mẫu xe điện, củng cố vị thế ở các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống vốn đang mang lại nguồn thu ổn định.

Nên nhớ rằng, chỉ riêng trong năm ngoái đã có hơn 120 thương hiệu tham gia vào cuộc đua xe điện, cho thấy mức độ cạnh tranh khốc liệt. Thực tế, ngay cả một thương hiệu Trung Quốc nội địa như Aiways cũng đã quyết định rời bỏ Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội tại thị trường châu Âu.

Ford đã luôn duy trì một đội hình ổn định tại Trung Quốc bất chấp các rào cản luật pháp hay khó khăn tài chính. Tuy nhiên hãng đang ngày một thất thế trước các thương hiệu nội địa - Ảnh: Ford

Ford đã luôn duy trì một đội hình ổn định tại Trung Quốc bất chấp các rào cản luật pháp hay khó khăn tài chính. Tuy nhiên hãng đang ngày một thất thế trước các thương hiệu nội địa - Ảnh: Ford

Khác với Tesla - hãng xe đã thành công trong việc giảm chi phí linh kiện, "bộ ba Detroit" hiện chưa thể cạnh tranh về giá với đối thủ. "Có sự chênh lệch ít nhất 17.000 USD về chi phí linh kiện giữa xe điện Tesla và các hãng xe truyền thống", ông Murphey nhận định.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Các hãng xe này còn rất nhiều việc phải làm để giảm chi phí sản xuất xe điện và duy trì khả năng cạnh tranh với Tesla".

Tuy nhiên, có vẻ như "bộ ba" vẫn chưa muốn từ bỏ thị trường đông dân nhất thế giới. Trong khi GM cho biết sẽ tập trung vào phân khúc xe cao cấp và hạng sang, Ford lại khẳng định vẫn đang kinh doanh có lãi tại Trung Quốc và có kế hoạch mở rộng xuất khẩu các mẫu xe ăn khách như Mustang, Bronco và F-150.

Về phần Stellantis, dù đã ngừng sản xuất xe Jeep tại Trung Quốc, nhưng hãng vẫn thể hiện tham vọng ở thị trường này thông qua việc đầu tư vào Leapmotor và thành lập liên doanh để phân phối sản phẩm ra toàn cầu.

Châu Âu tăng thuế với xe điện Trung Quốc: Khôn ngoan hay liều lĩnh?Châu Âu tăng thuế với xe điện Trung Quốc: Khôn ngoan hay liều lĩnh?

Không ít hãng xe châu Âu và các nhà phân tích kinh tế lo ngại EU chỉ đang tự làm hại mình khi làm khó xe điện Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên