Hội thảo là nơi quy tụ các chuyên gia đầu ngành hiến ghép tạng, cùng thảo luận đóng góp ý kiến nhằm sửa đổi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác - Ảnh: HOÀNG LỘC
Đề xuất này được ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - đưa ra tại hội thảo tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận người do Bộ Y tế tổ chức ngày 22-3.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành hiến ghép tạng, cùng thảo luận đóng góp ý kiến nhằm sửa đổi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (gọi chung là Luật hiến ghép tạng) vốn đang nảy sinh nhiều bất cập hiện nay.
"Không nên giới hạn độ tuổi với người hiến chết não"
Một ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú - phó giám đốc Trung tâm ghép tạng (Bệnh viện Trung ương Huế) - cho biết trên thế giới việc quy định độ tuổi hiến tạng khá cởi mở, từ đó tạo nên nguồn tạng hiến dồi dào.
Ở Anh, người dưới 18 tuổi vẫn có thể đăng ký hiến tạng ở mọi lứa tuổi, và có thể thay đổi hoặc cập nhật quyết định bất cứ lúc nào. Tại Hà Lan, đạo luật hiến tặng nội tạng quy định những người từ 12 tuổi trở lên có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời; người dưới 12 tuổi muốn hiến tạng phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Tại Pháp, người chưa thành niên không được phép hiến mô, tạng khi còn sống, nhưng người đủ 13 tuổi trở lên được quyền hiến tạng sau khi qua đời.
Trong khi đó, Việt Nam quy định tuổi hiến tạng đối với người chết não là trên 18 tuổi, theo các chuyên gia "vẫn còn quá cứng nhắc".
"Quy định độ tuổi được phép hiến tạng phải bắt buộc trên 18 tuổi đã khống chế nguồn tạng được hiến tặng từ người cho chết não. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 ca tử vong do tai nạn giao thông, đây chính là nguồn tạng tiềm năng có thể tiến hành ghép tạng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích.
Từ các bất cập này, các chuyên gia đề xuất không nên giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Còn với người hiến sống có cùng huyết thống cần đủ 18 tuổi trở lên; người hiến sống không cùng huyết thống từ đủ 30 tuổi trở lên và phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Tạng hiến là "quà tặng của sự sống", là "tài sản quốc gia"
'Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại', câu nói trở thành lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng như tắt hi vọng sống được tái sinh - Ảnh: HOÀNG LỘC
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết hiện Việt Nam có 20 trung tâm ghép tạng, có thể làm chủ được phần lớn các kỹ thuật ghép mà các nước trên thế giới triển khai.
Tuy vậy trong quá trình vận hành, các trung tâm ghép tạng còn mắc một số thiếu sót, như chưa thành lập hội đồng chết não, ghép tạng nhưng chưa có giấy phép, ghép tạng cho bệnh nhân chưa có tên trên danh sách chờ ghép quốc gia...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, các vấn đề nêu trên cần được giải quyết nhằm "tạo nên sức bật mới" cho công tác hiến, ghép tạng. "Chúng ta cần góp ý, sửa đổi luật để làm sao tăng nguồn hiến mô, tạng nhưng vẫn phải tuân thủ công ước Istanbul về cấm buôn bán tạng bằng cách tạo ra nguồn hiến tạng sạch, hợp pháp", ông Sơn nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, tính đến tháng 12-2020, Việt Nam thực hiện được 5.587 ca ghép các bộ phận cơ thể người, bao gồm thận, gan, tim, phổi, tụy, chi trên, ruột…
Về vận động hiến tạng, tính đến 31-12-2020, cả nước có 40.257 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. Đặc biệt, có 100 người đăng ký hiến tạng khi còn sống và đã có 7 người hiến tạng khi còn sống.
"Cần xác định rõ tạng hiến là "quà tặng của sự sống", là "tài sản quốc gia", không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào cả", ông Phúc khẳng định.
Ngoài các đề xuất trên, ông Phúc đề xuất cần xây dựng gói chi phí "điều phối", bao gồm chẩn đoán chết não, hồi sức bệnh nhân chết não, lấy, bảo quản, vận chuyển mô tạng, phục hồi thi thể bệnh nhân chết não, truyền thông… làm cơ sở thanh toán và áp dụng chung trong cả nước. Đồng thời xây dựng giá gói dịch vụ ghép thận làm cơ sở cho bảo hiểm y tế thanh toán theo tỉ lệ 80%, phần còn lại do bệnh nhân chi trả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận