26/06/2018 19:58 GMT+7

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Phải mất 10 năm sau lần lỗi hẹn, những phác thảo tranh tuyệt đẹp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí mới có dịp ra mắt công chúng thủ đô Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào hôm nay, 26-6.

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 1.

Một bức phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

40 bức phác thảo tranh với nhiều kích thước (nhỏ nhất là 15cmx11cm, lớn nhất là 67cmx106cm), trên nhiều chất liệu khác nhau: bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp… trên giấy của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đang được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 26-6 đến 10-7.

Đây là triển lãm chuyên đề Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm sinh của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-2018).

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 2.

Nhiều bức phác thảo được họa sĩ thể hiện tỉ mỉ, cẩn trọng, có thể đứng riêng như một tác phẩm - Ảnh: T.ĐiIỂU

Theo bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, đáng lẽ ra những phác thảo này đã có thể ra mắt công chúng thủ đô từ 10 năm trước nhưng vì một số lý do đã lỗi hẹn người yêu nghệ thuật cho tới hôm nay.

Bà Thanh Cao cho hay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có ý định mượn bộ sưu tập này trưng bày cách đây 10 năm. Lúc đó, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, vì lý do thủ tục hành chính mà triển lãm đã không thể ra mắt công chúng dịp đó.

Đến nay, sau 10 năm lỡ hẹn, bộ sưu tập phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí đã có mặt ở Hà Nội để công chúng chiêm ngưỡng những phác thảo gắn liền với các tác phẩm sơn mài của danh họa.

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 3.

Triển lãm có nhiều bức phác thảo phụ nữ với những nét vẽ đầy cảm xúc. - Ảnh: T.ĐIỂU

Các phác thảo thuộc sở hữu của Bảo tàng mỹ thuật TP.HCN. Bà Mã Thanh Cao cho biết, bảo tàng đã mất 20 năm mới có được bộ sưu tập phác thảo tranh quý già này.

Trong số những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trưng bày lần này, có những bức rất giản đơn với vài đường nét, nhưng cũng có những phác thảo được họa sĩ thể hiện tỉ mỉ, cẩn trọng, có thể đứng riêng như một tác phẩm như các phác thảo thể hiện đề tài phong cảnh - nhân vật.

Dù là phác thảo chỉ vài nét phác họa đơn giản, hay phác thảo được biểu đạt tỉ mỉ, chúng đều cho thấy tài năng, kỹ thuật điêu luyện và một sự lao động cần mẫn, đầy cảm xúc của danh họa đã đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa chất liệu sơn ta đậm chất Việt và hình họa hàn lâm phương Tây.

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 4.

Dù chỉ trưng bày các bức phác thảo, triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ảnh: T.Điểu

Con trai họa sĩ Nguyễn Gia Trí - ông Nguyễn Gia Tuệ cũng từng chia sẻ về lao động miệt mài, cần mẫn của cha mình.

Trong Lễ kỷ niệm 110 năm sinh danh họa Nguyễn Gia Trí do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Tuệ cho biết, cha ông làm việc miệt mài, hầu như không ra khỏi nhà, dành tất cả sự quan tâm, sức lực cho lao động nghệ thuật, đến độ "có khi cả tuần ông không nói chuyện với vợ con, nhưng khi nói thì từng câu của ông luôn như một triết lý".

Ông Tuệ cho biết, ông "chưa thấy cha mặc cái áo nào mà không dính sơn".

Dù từng có thời kỳ khách hàng chủ yếu là các tỉ phú người nước ngoài, các quan chức, tướng tá trong phủ tổng thống, những người giàu có và họ thường phải đặt tiền trước, tự giác chờ đợi theo thứ tự để nhận tác phẩm, nhưng Nguyễn Gia Trí khẳng định ông quý trọng tự do hơn tiền bác và sẵn sàng chọn một cuộc sống đạm bạc để được tự do sáng tạo nghệ thuật.

"Tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc. Để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn vui lòng", Nguyễn Gia Trí từng nói.

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 5.

Không gian triển lãm. - Ảnh: T.ĐIỂU

Danh họa Nguyễn Gia Trí được đánh giá là người đi đầu trong việc tìm tòi chất liệu tạo hình mới và được vinh danh một trong những người cống hiến hết mình để đưa sơn ta của mỹ nghệ truyền thống thành sơn mài, một chất liệu hội họa đặc trưng của dân tộc.

Ông cũng chính là tác giả của hai Bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc và Bình phong Thiếu nữ trong vườn - Phong cảnh.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa chính thức công nhận là một trong mười họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (năm 1989) và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2012).

Ngắm một số phác thảo của Nguyễn Gia Trí tại triển lãm:

Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 6.
Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 7.
Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 8.
Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 9.
Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 10.
Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 11.
Ngắm những phác thảo lỡ hẹn 10 năm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Ảnh 12.
​Từ chuyện phục chế tranh Nguyễn Gia Trí ​Từ chuyện phục chế tranh Nguyễn Gia Trí

TTCT - Ở TP.HCM, có thể “điểm danh” những bức tranh của Nguyễn Gia Trí như Vườn xuân Bắc - Trung - Nam (của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), Bên hồ sen (sở hữu của họa sĩ Bùi Quang Ngọc), Giáng sinh (sở hữu của nhà thờ Mai Khôi)...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên