Ngầm hóa lưới điện và mạng thông tin: Mạnh ai nấy đua
TT - Trong khi ngành điện thi công hào kỹ thuật để đưa “mạng nhện” xuống đất thì ngành viễn thông cũng thực hiện ngầm hóa dây thông tin. Mỗi đơn vị có cách làm riêng nên các công trình ngầm hóa đang có nguy cơ rối như mạng nhện.
Các công nhân thi công hào kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp lúc 22g ngày 3-11) - Ảnh: Q.Khải |
Việc ngầm hóa lưới điện, dây thông tin cũng như nhiều công trình hạ tầng khác là xu hướng tất yếu và là chủ trương lớn của TP.HCM. Tuy nhiên do chưa có quy chuẩn kỹ thuật, chưa có quy hoạch hạ tầng ngầm nên nhiều đơn vị ngầm hóa theo cách riêng khiến dự báo công trình ngầm rồi cũng rối như mạng nhện là có cơ sở.
Mỗi nơi làm một cách
Chưa hoàn tất đề án quy hoạch ngầm Về việc quy hoạch hạ tầng ngầm, trước đây UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - kiến trúc TP thành lập ban chỉ đạo đề án quy hoạch ngầm cho toàn địa bàn TP.HCM. Tiếc là đến nay đề án về quy hoạch ngầm chưa xây dựng hoàn tất. Ông Nguyễn Trọng Hòa, giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho biết hiện nay chưa có quy định pháp lý hoàn thiện liên quan đến công trình hạ tầng ngầm nên gặp khó khăn trong công tác xây dựng quy hoạch trên địa bàn TP.HCM. |
Ông Huỳnh Ngọc Anh Giai - giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Minh Hoàng, đơn vị thi công hào kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo - cho biết đã lắp đặt được hơn 250m hào kỹ thuật (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Cảnh Chân). Quá trình thi công cũng gặp khó khăn do vướng phải các công trình ngầm khác như ống nước, cáp thông tin nên mất thời gian xử lý.
Tối 3-11, có mặt tại công trình này, chúng tôi ghi nhận đã có nhiều đốt hào kỹ thuật được đặt xuống các lằn phui rộng 1,5m đào trước đó. Mỗi đốt hào kỹ thuật bằng bêtông cốt thép gần giống chữ V và được ngăn đôi, một bên để gắn cáp dây điện, một bên chứa dây thông tin. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2009 khoảng 2,5km hào kỹ thuật trên sẽ hoàn thành, đầu năm 2010 đưa “mạng nhện” xuống. Toàn bộ công trình có vốn đầu tư khoảng 50 tỉ đồng.
Trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1), một công trình ngầm hóa khác đang thực hiện những công đoạn cuối cùng. Công trình này có độ dài khoảng 3,4km (dọc hai bên lề đường) do Công ty Viễn thông TP.HCM làm chủ đầu tư nhưng cách làm hoàn toàn khác so với công trình hào kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo.
Ông Trần Văn Thanh, phó trung tâm điều hành viễn thông thuộc Công ty Viễn thông TP, cho biết đây là công trình ngầm hóa dây thông tin và điện lực kết hợp đồng bộ với công trình cải tạo vỉa hè. Riêng hạng mục ngầm hóa viễn thông có 17 đơn vị tham gia đi chung trong một khối 10 ống nhựa để luồn dây thông tin vào.
Tất cả những ống này được chôn ở độ sâu 75cm dưới lòng đất, không xây hào bêtông. Theo ông Thanh, phương án ngầm hóa này đã được các đơn vị viễn thông thống nhất và được Tập đoàn Bưu chính - viễn thông (VNPT) thông qua. Kinh phí để thực hiện việc ngầm hóa này gần 4 tỉ đồng/km.
Ông Phạm Quốc Bảo, phó giám đốc Công ty Điện lực TP, cho biết để ngầm hóa đồng bộ với dây thông tin trên đường Lê Thánh Tôn, Công ty Điện lực phải ngầm hóa lưới điện giống cách làm của Công ty Viễn thông TP là luồn cáp điện vào ống nhựa chôn xuống đất. Nhưng do lề đường Lê Thánh Tôn nhỏ lại vướng các công trình ngầm khác nên chỉ đủ diện tích để ngầm hóa lưới điện hạ thế. Lưới điện trung thế vẫn còn nằm trên cột điện.
“Nhiều khả năng sẽ ngầm hóa lưới điện trung thế xuống dưới lòng đường” - ông Bảo nói. Như vậy, khi dự án này hoàn thành thì trên lề và lòng đường Lê Thánh Tôn hiện diện tới ba khối cáp ngầm ở ba vị trí khác nhau, chưa kể dây điện của Công ty Chiếu sáng công cộng.
Chờ quy chuẩn kỹ thuật
Trong khi các cơ quan chức năng đang chờ công trình hào kỹ thuật trên đường Trần Hưng Đạo đưa vào vận hành để đánh giá rút kinh nghiệm thì Công ty Viễn thông TP cho biết năm 2010 sẽ tiếp tục triển khai ngầm hóa tại 16 tuyến đường thuộc Q.3 và Q.Tân Bình theo hình thức luồn dây thông tin vào ống nhựa và chôn xuống đất. Ngày 19-10, Công ty Viễn thông TP đã có thông báo gửi 19 đơn vị có cáp viễn thông về kế hoạch này.
Sở Thông tin - truyền thông cho rằng có một số đơn vị viễn thông kết hợp với các đơn vị thi công công trình cải tạo chỉnh trang vỉa hè trên một số tuyến đường như Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng... để ngầm hóa viễn thông riêng lẻ cho riêng đơn vị. Việc ngầm hóa riêng lẻ là không phù hợp với chủ trương chung. Điều này dẫn đến tình trạng không thể quản lý được công trình hạ tầng ngầm, gây khó khăn cho việc thi công ngầm hóa về sau.
Ông Phạm Quốc Bảo nhận định với điều kiện hiện nay thì không phải vỉa hè nào cũng có thể làm hào kỹ thuật được, nhất là những vỉa hè chật hẹp và có quá nhiều hạ tầng phía dưới. Do đó, muốn ngầm hóa hết dây điện, dây thông tin có thể linh động bằng nhiều phương án và cách làm phải thống nhất, đồng bộ. “Nếu mỗi đơn vị làm theo một kiểu sẽ làm công trình hạ tầng ngầm rối loạn. Trong tương lai cần khẩn trương có quy hoạch hạ tầng ngầm. Đó là cơ sở, hành lang pháp lý để các đơn vị muốn phát triển công trình hạ tầng ngầm” - ông Bảo nói.
Theo Sở Thông tin - truyền thông, UBND TP đã có chỉ đạo về việc thiết kế ngầm hóa chung các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt, giao Sở Công thương và Sở Thông tin - truyền thông làm việc với các đơn vị liên quan để đưa ra thiết kế ngầm chung cho các đơn vị ngành điện và viễn thông trong một hệ thống hầm cống, hào hoặc tuynen kỹ thuật.
Sở Thông tin - truyền thông khuyến cáo các quận huyện, khu quản lý giao thông đô thị trước khi cấp phép đào đường, vỉa hè để thi công ngầm hóa phải có ý kiến thống nhất của Sở Công thương và Sở Thông tin - truyền thông. Các quận huyện cũng nên xem xét đưa quy hoạch hạ tầng viễn thông vào các đồ án quy hoạch khu đô thị, khu dân cư mới...
QUANG KHẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận