Nhưng lạ thay, những vấn đề này dường như lại chẳng bức xúc gì đối với các nhà khoa học về quản lý đô thị tại TP đông dân nhất cả nước này. Điều đó thể hiện qua số lượng và chất lượng đề tài khoa học đăng ký nghiên cứu về quản lý đô thị tại Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM hằng năm.
Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đã bắt đầu xét duyệt những đề tài nghiên cứu khoa học cho năm 2013. Và ngày 10-9, hội đồng khoa học của chương trình quản lý đô thị bắt đầu buổi sơ tuyển đầu tiên cho mảng đề tài nghiên cứu này trong năm sau. Tuy nhiên, số lượng đề tài tham gia xét duyệt năm 2013 của mảng này chỉ có tám đề tài, chưa bằng 50% hồ sơ tham gia năm 2012. Trong tám đề tài được gửi hồ sơ đến chỉ có một đề tài qua được vòng sơ tuyển nói trên. Và đáng nói, dù theo hồ sơ đăng ký thì số nhà khoa học gửi đề tài toàn những người có “lý lịch” và học vị khoa học “tốt” nhưng nhiều đề tài, theo hội đồng xét duyệt, lại không đủ tầm, không cần thiết với vấn đề bức xúc của TP, trùng lắp, thậm chí thiếu cơ sở khoa học...
Điều này là vì sao? Có phải TP đang thiếu các nhà khoa học về quản lý đô thị đủ tầm? Theo ThS Phạm Văn Xu - phó trưởng phòng quản lý khoa học Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, nguyên nhân của đề tài nghiên cứu lĩnh vực quản lý đô thị ít, chất lượng kém chỉ có thể giải thích rằng “đây là lĩnh vực khó”. Và điểm đáng lưu tâm là riêng với lĩnh vực quản lý đô thị, các nhà khoa học, các viện, trường “thích” làm dự án hơn là làm đề tài nghiên cứu khoa học vì dự án có kinh phí nhiều hơn. Dự án cũng có đầu ra rõ ràng hơn và ở đó sự sáng tạo, tìm tòi không phải là yếu tố cấp thiết đối với người thực hiện.
Trong khi đó, một nhà khoa học về quản lý đô thị cho biết không nên cào bằng kinh phí đối với các lĩnh vực nghiên cứu mà phải trả đúng với công sức lao động của mỗi đề tài, mỗi nhà khoa học. Muốn có đề tài hay, nghiên cứu mới cũng cần có chính sách thị trường cho các nghiên cứu khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận