Động thái này không chỉ cho thấy một thái độ quyết đoán của nước Nga trước những thay đổi địa chính trị nghiêm trọng đến từ phương Tây, mà còn bộc lộ nhiều chỉ dấu thể hiện lập trường sẵn sàng buông bỏ Đông Âu - "vùng đất trái tim" của không gian hậu Xô Viết - để tập trung vào những lựa chọn mới ôn hòa hơn cho nước Nga.
Bốn đường viền hội nhập mới
"Ai chiếm hữu được Đông Âu, người đó sẽ thống trị cả thế giới" - đây chính là luận điểm cơ bản của học thuyết "vùng đất trái tim" nổi tiếng do học giả J. Mackinder công bố vào năm 1904.
Chính học thuyết này đã tác động đến tư duy tranh giành quyền kiểm soát Đông Âu của các cường quốc, góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ của hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc cũng như trở thành "nỗi ám ảnh" của nước Nga hiện đại - khi phần lớn các nước Đông Âu quyết định gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Do đó, có thể hiểu được vì sao nước Nga dưới thời Tổng thống Putin dù đã nhiều lần điều chỉnh về chính sách đối ngoại (2000, 2008, 2013 và 2016) nhưng vẫn cố gắng đề cao mối quan hệ với EU.
Mục tiêu chiến lược của họ chỉ nhằm nỗ lực giữ tương tác thân thiện với "vùng đất trái tim" - vừa là khu vực có gắn bó về bản sắc, vừa thuộc không gian chính trị hậu Xô Viết, đồng thời cũng là "vùng đệm" giữ an toàn cho Nga trước khả năng áp sát biên giới của NATO.
Tuy nhiên, cuộc chiến Ukraine đã tạo nên một khối áp lực tổng thể chưa từng thấy về kinh tế - chính trị - văn hóa từ phương Tây, khiến cho chính quyền ông Putin chịu đủ thiệt hại để buộc phải thừa nhận quá trình phân tách quan hệ giữa Nga với châu Âu thông qua cách phân loại về những quốc gia "không thân thiện" trong văn bản đối ngoại dài 42 trang lần này.
Đổi lại, Nga sẽ tập trung vào nhóm các quốc gia có lập trường xây dựng và trung lập để định hình nên các "vùng đất rìa" được đặc trưng bởi bốn "đường viền hội nhập" mới bao gồm:
(i) đường kết nối các trung tâm quyền lực láng giềng của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ trong khuôn khổ tam giác Nga - Trung - Ấn (RIC);
(ii) đường viền đến ASEAN, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cho sự hội nhập ở châu Á - Thái Bình Dương;
(iii) đường viền đến Liên hiệp châu Phi (AU) cho sự hội nhập ở châu Phi;
(iv) đường viền đến Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) cho sự hội nhập ở châu Mỹ.
Bốn đường viền này sẽ được thiết kế để gắn kết với các cơ chế do Nga điều phối thuộc hai "vùng lõi" quan trọng. Một là vùng ảnh hưởng thuộc "thế giới Nga" mà ông Putin đã từng công bố học thuyết cụ thể vào tháng 9-2022, bao gồm các định dạng hợp tác như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Tổ chức An ninh tập thể (CSTO). Hai là vùng ảnh hưởng của tam giác Nga - Trung - Ấn (RIC) như các thiết chế liên khu vực gồm khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Địa - văn minh, địa - kinh tế
Qua khái niệm chính sách đối ngoại mới, ông Putin đã lần đầu tiên xác định nước Nga là "một nền văn minh nhà nước nguyên bản, một cường quốc Á - Âu và châu Âu - Thái Bình Dương rộng lớn".
Mặc dù tài liệu lần này nhấn mạnh nhiều hơn vào các mối đe dọa đối với Nga, các xu hướng "bài Nga" so với khái niệm năm 2016, nhưng có thể thấy phía Nga vẫn đề cao xu hướng tồn tại hòa bình thông qua việc nhắc đến cả ba thuật ngữ "ổn định chiến lược", "răn đe chiến lược" và "cân bằng chiến lược".
Thêm vào đó, tài liệu cũng khẳng định rằng Nga "không tự cô lập khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây", đồng thời sẵn sàng cải thiện quan hệ với các bên khi nhận thấy sự từ bỏ các chính sách không thân thiện với Nga.
Đây là chỉ dấu cơ bản để Nga tạo dư địa cho mục tiêu xây dựng "lục địa Á - Âu thành một không gian hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau" như đã nêu ở phân đoạn số 54 trong tài liệu lần này.
Có thể thấy, bằng cách xác định một tư duy đối ngoại mới có tính đến các yếu tố địa - văn minh và địa - kinh tế, phía Nga đã khéo léo tạo được nhận thức chung với các cường quốc láng giềng lẫn các quốc gia "không thân thiện" ở phương Tây.
Trong đó, yếu tố địa - văn minh là mục tiêu mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang theo đuổi. Còn yếu tố địa - kinh tế là điểm tương đồng trong chiến lược Bắc Cực (được xếp hạng ưu tiên đối ngoại thứ hai của Nga) giữa "tuyến đường biển Bắc" của Nga với hành lang hướng Bắc của châu Âu.
Nhìn chung, với định hướng sẵn sàng buông bỏ "vùng đất trái tim" trong lịch sử, khái niệm chính sách đối ngoại lần này của Nga đã mở ra nhiều lựa chọn mới với các đường viền hội nhập thuộc các "vùng đất rìa" đa dạng, đa cực và hướng đến sự tôn trọng khác biệt về bản sắc giữa các nền văn minh.
Với sự bổ sung các yếu tố địa - văn minh, địa - kinh tế trong tư duy đối ngoại mới, đặc biệt lại được công bố ngay trước thời điểm nước Nga đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (từ ngày 1-4), tài liệu lần này có thể được xem là một bước đi "dĩ hòa vi quý" của Nga nhằm hướng đến các kịch bản hòa hoãn tiềm năng trong tương lai gần với cả Mỹ và phương Tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận