Trong bối cảnh căng thẳng với châu Âu, dầu của Nga đang chảy nhiều hơn về hướng đông - thị trường, tức Trung Quốc - Ảnh: RIA
"Điều đó (liên minh với Trung Quốc) không phù hợp với tầm nhìn chung của chúng tôi về tính chất quan hệ song phương với Trung Quốc, vốn dựa trên sự trùng hợp hoặc gần giống về quan điểm trong nhiều vấn đề" - Thứ trưởng Morgulov nhấn mạnh.
Bắc Kinh, bên cạnh đó, cũng giữ một lằn ranh "không tham gia bất cứ khối chính trị, quân sự nào (với Nga)", theo nhà ngoại giao Nga.
Ông Morgulov giải thích tuy Matxcơva và Bắc Kinh thường hay bày tỏ chung quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, mỗi nước lại có những lợi ích kinh tế riêng, không phải lúc nào cũng giống nhau và không xung đột.
"Trong một số trường hợp đã xảy ra cạnh tranh trực tiếp giữa các nhà điều hành kinh tế của hai nước" - ông Morgulov giải thích thêm về mối quan hệ giữa hai cường quốc này.
Ngoài ra, ông cho biết Matxcơva cũng tìm ra cách để không cạnh tranh với dự án hạ tầng toàn cầu "Vành đai, con đường" của Trung Quốc bằng cách liên kết nó với dự án "Liên minh kinh tế Á - Âu" của Nga.
"Dự án của Nga hiện đã đem lại một số thu hoạch" - Thứ trưởng Ngoại giao của Nga nhấn mạnh.
Theo dữ liệu của Hãng tin tài chính Bloomberg, dầu thô của Nga đang dần dịch chuyển từ Tây sang Đông, cụ thể là sang thị trường Trung Quốc. Trong hơn 4 tháng đầu năm 2018, các nhà máy lọc dầu của châu Âu đã mất đi 1/5 lượng dầu từ Nga.
Theo phân tích, Trung Quốc tăng mua dầu từ Nga vì chiến lược này có lợi hơn là mua dầu từ khu vực Trung Đông đang bất ổn.
Các chuyên gia cho rằng thị trường châu Á đối với ngành dầu khí Nga cũng hấp dẫn hơn, dự báo nhu cầu sẽ liên tục tăng tối thiểu đến năm 2035.
Và trong bối cảnh lệnh cấm vận phương Tây, khả năng nhận được tín dụng từ Trung Quốc cũng là "điểm cộng" đối với Nga.
Nga khẳng định không giảm nhiều về quốc phòng
Điện Kremlin trong khi đó khẳng định thông tin của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) về mức cắt giảm ngân sách quốc phòng của Nga là không chính xác dù khuynh hướng cắt giảm là có thật.
Theo báo cáo của SIPRI, Matxcơva cắt giảm 20% chi tiêu quân sự trong năm 2017 xuống còn 66,3 tỉ USD trong năm 2017. Đây là đợt cắt giảm đầu tiên của Nga kể từ năm 1998, báo cáo cho biết.
"Con số không phản ánh đúng thực tế dù khuynh hướng đó là đúng" - Hãng tin Tass dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin.
Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimira Putin trước đó đã nhắc đến việc quân đội Nga đã thực hiện các nỗ lực nhằm cải tiến kỹ thuật và công nghệ. Quá trình này đã hoàn tất và do đó đã qua đỉnh điểm chi tiêu khí tài, ông Peskov giải thích.
"Khuynh hướng giảm chi tiêu rất nhỏ và theo từng bước" - người phát ngôn điện Kremlin nói, nhấn mạnh quân đội và lĩnh vực quốc phòng Nga đang phát triển theo hướng công nghệ cao và toàn diện.
Trước đó, SIPRI cho rằng việc cắt giảm chi tiêu quân sự của Nga là hậu quả của các đòn trừng phạt kinh tế. "Hiện đại hóa quân sự vẫn là ưu tiên của Nga nhưng ngân sách quốc phòng bị giới hạn bởi các vấn đề kinh tế mà nước này đối mặt kể từ 2014" - nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI nhận định.
"Nga rõ ràng hiểu rằng họ phải thể hiện mình vẫn là một cường quốc và thể hiện bằng các chiến dịch như ở Syria, bằng sự hiện diện hải quân ở Đại Tây Dương. Nhưng tôi chắc chắn là họ sẽ phải cắt giảm chi phí vì những chuyện đó" - ông Wezeman nói trên Hãng tin Reuters.
Ngày 2-5, SIPRI đã công bố danh sách thống kê chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2017. Theo đó, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2017 vượt 1,73 ngàn tỉ USD, tăng 1,1% so với năm 2016.
Các quốc gia trong "tốp" 5 chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Nga và Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận