Liên kết bộ não con người với máy móc là một mục tiêu đầy tham vọng - Ảnh: GETTY IMAGES
Neuralink, công ty khởi nghiệp thành lập năm 2016 và có trụ sở tại vịnh San Francisco (Mỹ), hướng đến việc cấy ghép các vi mạch máy tính không dây chứa hàng ngàn điện cực vào cơ quan phức tạp nhất của cơ thể con người để chữa các căn bệnh về thần kinh, bao gồm hội chứng mất trí nhớ Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ và tổn thương dây thần kinh.
Mục tiêu cuối cùng của Neuralink là kết nối con người với trí tuệ nhân tạo, theo hãng tin Reuters.
"Một thiết bị cấy ghép thực sự có thể giải quyết những vấn đề này", tỉ phú Elon Musk nói ngày 28-8, đề cập đến các bệnh mất trí nhớ, mất thính giác, trầm cảm và mất ngủ.
Tuy nhiên, ông Musk không thông báo mốc thời gian đạt được các phương pháp chữa trị đó. Trước đó, tỉ phú sở hữu SpaceX tuyên bố các thử nghiệm cấy ghép trên người sẽ được tiến hành vào cuối năm nay.
Ông Matthew MacDougall, bác sĩ phẫu thuật não của Neuralink, từng nói thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của công ty sẽ diễn ra với một số lượng nhỏ bệnh nhân nhằm điều trị chứng liệt hoặc liệt nửa người.
Tỉ phú Musk ngày 28-8 trình bày phiên bản "demo ba chú heo con", trong đó có 2 con heo đang được cấy chip và một con từng được cấy chip. Ông Musk cho biết tất cả chúng đều "khỏe mạnh, hạnh phúc và không khác gì một con heo bình thường".
Ông Musk thông tin rằng công ty đã dự đoán trước chuyển động các chi của một con heo trên một máy chạy bộ với "độ chính xác cao" dựa vào dữ liệu cấy ghép. Chiếc chip của Neuralink có đường kính chỉ 23mm.
"Tôi có thể có một Neuralink ngay bây giờ và bạn sẽ chẳng thể biết. Có lẽ tôi sẽ làm thế", tỉ phú Musk nói.
Các nhà khoa học thần kinh không liên quan đến Neuralink nhận định việc tiết lộ chú heo Gertrude cho thấy công ty của ông Musk đã đạt được bước tiến lớn, nhưng vẫn cảnh báo Neuralink cần thêm các nghiên cứu dài hơn nữa.
Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Graeme Moffat, thuộc ĐH Toronto (Canada), nhìn nhận những bước tiến của Neuralink là một "bước nhảy vọt" đối với khoa học hiện nay, nhờ vào kích cỡ của con chip, tính di động, nguồn năng lượng và năng lực không dây.
Nhà khoa học thần kinh Sergey Stavisky của ĐH Stanford (Mỹ) nhận định Công ty Neuralink đã đạt được những tiến bộ đáng kể kể từ cuộc thử nghiệm ban đầu về một con chip trước đó vào tháng 7-2019.
Tuy nhiên, một vài nhà nghiên cứu cho rằng Neuralink cần thêm các nghiên cứu dài hơn để xác định độ bền của thiết bị này.
Chip của Neuralink cũng có thể giúp cải thiện sự hiểu biết về các bệnh thần kinh bằng cách đọc sóng não, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận