Luật sư Phan Trung Hoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, tại phiên tòa - Ảnh: H.ĐIỆP
Đây là vụ án xét xử những sai phạm của các bị cáo trong quá trình điều hành Ngân hàng Đại Tín, sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trong suốt những ngày diễn ra phiên xử, các vấn đề dân sự được tranh cãi quyết liệt giữa các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan.
Tranh chấp hàng ngàn tỉ đồng
Ngoài phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ba bị cáo, một trong những phần chiếm rất nhiều thời gian tranh luận tại phiên tòa là phần tài sản.
Phần này bao gồm: 114 bất động sản mà nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Phấn đại diện) đã nhận tiền nhưng không chuyển giao tài sản cho nhóm Thiên Thanh (do bị án Phạm Công Danh làm đại diện); 6 bất động sản (tương đương với 2ha đất tại Q.2, TP.HCM) nằm trong số tài sản thỏa thuận mua bán nhưng không được tuyên trả trong vụ án này; 901 tỉ đồng do bà Phấn gây ra thiệt hại cho VNCB nhưng tòa sơ thẩm tuyên buộc ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới chịu trách nhiệm bồi thường...
Cho rằng bản án sơ thẩm tuyên chưa thấu tình đạt lý, trái pháp luật nên Viện KSND TP.HCM kháng nghị hai nội dung: đề nghị giao toàn bộ 114 bất động sản cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh; đề nghị sửa án sơ thẩm không tuyên buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải liên đới bồi thường thay cho bà Hứa Thị Phấn 901 tỉ đồng, bởi sai phạm để xử lý hình sự của bà Phấn đi cùng trách nhiệm dân sự.
Ngoài ra, VNCB và một số cá nhân khác cũng kháng cáo đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm.
Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến VNCB trong giai đoạn sau khi nhóm cổ đông mà bà Phấn làm đại diện bán cổ phần cho nhóm ông Danh làm đại diện cũng được xới lại tại phiên tòa.
Luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh lập luận những sai phạm của ông Danh và các đồng phạm đã và đang được khắc phục một cách hiệu quả nhất, vì thế những tài sản nào của ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh thì giao lại cho Thiên Thanh để tiếp tục khắc phục hậu quả.
Luật sư của ông Danh còn dẫn chứng số tiền 4.500 tỉ đồng do ông Danh nộp vào để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng (thống đốc ngân hàng giai đoạn đó thừa nhận trước Quốc hội số tiền này đã được nộp vào ngân hàng và VNCB đã sử dụng) đến nay chưa được hoàn trả cho ông Danh cả gốc và lãi, mà nếu tính lãi đến thời điểm này là 7.800 tỉ đồng.
Do đó, luật sư mong muốn được đối trừ khoản nợ này với phần thiệt hại mà ông Danh đã gây ra trước đó.
Bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên tòa do sức khỏe yếu - Ảnh: T.L.
Nếu sai phạm của bà Phấn được xử lý từ sớm?
Đây là câu hỏi mà đại diện Tập đoàn Thiên Thanh đặt ra tại phiên tòa phúc thẩm. Cụ thể trong vụ án xử bà Hứa Thị Phấn, Tập đoàn Thiên Thanh và bị án Phạm Công Danh dù không liên quan gì đến trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đó là bởi những sai phạm của bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm xảy ra trước khi việc mua bán cổ phần ngân hàng giữa nhóm bà Phấn và ông Phạm Công Danh diễn ra.
"Nghĩa là đáng lẽ những sai phạm này nếu được phát hiện, xử lý trước thì việc Thiên Thanh hay ông Phạm Công Danh bị sa lầy dẫn đến sai phạm, vi phạm pháp luật có thể đã không thể xảy ra hoặc được ngăn chặn kịp thời" - đại diện Tập đoàn Thiên Thanh nói tại tòa.
Phát biểu tại phiên tòa, đại diện Tập đoàn Thiên Thanh cũng cho rằng trong thời gian làm cổ đông lớn và cố vấn cao cấp của ngân hàng, bà Phấn đã thao túng và chiếm đoạt hết tiền của Ngân hàng Đại Tín.
Chỉ riêng các khoản dư nợ của bà Phấn và nhóm người do bà Phấn chỉ đạo đã chiếm lên đến 95% vốn của ngân hàng.
"Như vậy, Ngân hàng Đại Tín thực chất đã mất khả năng thanh toán trước khi chuyển giao cho Tập đoàn Thiên Thanh. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến sai phạm của ông Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng này" - đại diện Tập đoàn Thiên Thanh nói.
Đồng thời, vị này cũng cho rằng nếu những tài sản nằm trong thỏa thuận mua bán cổ phần giữa nhóm bà Phấn và ông Danh được bà Phấn bàn giao cho ông Danh đúng như cam kết, để các tài sản này được chuyển hóa thành nguồn vốn tái cơ cấu ngân hàng thì việc tái cơ cấu đã diễn ra đúng tiến độ. Và như vậy, việc sai phạm của ông Danh và các đồng phạm trong giai đoạn sau này có thể đã không xảy ra.
Giá như những sai phạm của bà Phấn được phát hiện, xử lý từ sớm thì sẽ không kéo theo hàng loạt hệ lụy về sau.
Theo dự kiến, chiều 29-6 hội đồng xét xử sẽ tuyên án, nhưng trước quá nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến phần dân sự như vậy nên tòa đã phải quay lại phần xét hỏi. Sau phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cho biết khi nào mở lại phiên tòa sẽ... thông báo sau.
Bất ngờ xét hỏi lại về các tài sản
Chiều 29-6, bất ngờ chủ tọa quay lại phần xét hỏi các nội dung liên quan đến 6 thửa đất (2ha) ở Q.2 và 17 bất động sản tại Bình Dương mà bản án sơ thẩm tuyên giao cho Công ty Tân Đông Hiệp.
Đối với 2ha đất ở Q.2, hội đồng xét xử đã hỏi cả đại diện Tập đoàn Thiên Thanh và luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn thì cả hai cùng xác nhận số tài sản này nằm trong danh sách bất động sản mà bà Phấn phải bàn giao cho Thiên Thanh.
Trong vụ án Hứa Thị Phấn (giai đoạn 1), Tập đoàn Thiên Thanh không hề biết đất đã được giao cho VNCB để đảm bảo việc thi hành án cho bà Phấn.
Đối với 17 bất động sản mà tòa sơ thẩm đã giao cho Công ty Tân Đông Hiệp, đại diện Thiên Thanh khẳng định đến thời điểm này các thửa đất vẫn mang tên nhóm cổ đông Phú Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận