24/08/2021 19:28 GMT+7

Nếu tự chủ ĐH không khiến ĐH năng động hơn, phải thay đổi chính sách

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - "Tự chủ không gì khác là để ĐH năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh".

Nếu tự chủ ĐH không khiến ĐH năng động hơn, phải thay đổi chính sách - Ảnh 1.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì 7 nhóm trường ĐH kỹ thuật cùng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo kỹ sư mới, trong đó, tăng học trải nghiệm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên và sẽ triển khai đại trà từ năm nay - Ảnh: ĐHBK

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu như trên tại Hội nghị giáo dục ĐH năm 2021, được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng 24-8.

Quyền tự chủ phải được lan tỏa đến nhà khoa học

Những năm gần đây, các ĐH lớn đi theo hướng tự chủ đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển được nguồn thí sinh chất lượng, phù hợp với mục tiêu đào tạo. ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 đã thu hút khoảng 96.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.

Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Nguyễn Minh Tâm cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM đang nghiên cứu mở rộng phương thức xét tuyển tích hợp các tiêu chí. Đơn cử có thể kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn hoặc với thành tích đặc biệt trong thể thao, văn hóa nghệ thuật.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Tự chủ không gì khác là để ĐH năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh".

Bộ trưởng cũng cho rằng tự chủ ĐH chỉ đầy đủ và có chiều sâu khi quyền tự chủ được lan tỏa tới được chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học, chuyên gia - để những tiếng nói ấy trở thành quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH.

Ngoài việc yêu cầu tiếp tục rà để từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho tự chủ ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần nâng cao nhận thức và thống nhất cách hiểu để áp dụng các quy định về tự chủ.

Giáo dục thích nghi với dịch bệnh, đổi mới tuyển sinh

Sau hai năm ngành giáo dục phải thích ứng với dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học mới, ngành giáo dục cần nỗ lực khắc phục khó khăn để tiếp tục lộ trình đổi mới. Trong đó, ngành cần tiếp tục nhiệm vụ chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, kiên trì mục tiêu chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.

Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải góp ý tại hội nghị, chuyển đổi số phải đảm bảo điều kiện chất lượng; cân nhắc cho phép kiểm định chất lượng trực tuyến trong nước; xây dựng hệ thống học liệu chia sẻ chung trong các cơ sở giáo dục ĐH trong nước; đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên kiểm tra đánh giá trực tuyến.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắc tới tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng cho biết hai ĐH quốc gia và các ĐH vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.

Tự chủ đại học đã có luật nhưng vướng đủ thứ Tự chủ đại học đã có luật nhưng vướng đủ thứ

TTO - Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức với chủ đề 'Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn' diễn ra tại Hà Nội hôm nay 27-11.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên