Phóng to |
Binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật trong một cuộc diễn tập - Ảnh: AFP |
AFP ngày 17-1 dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật cho biết Nhật Bản đang nghiên cứu đặt các rađa di động và hệ thống thông tin liên lạc lên các đảo gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó ngày 15-1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng tuyên bố Tokyo “đang xem xét nhiều khả năng trong việc thiết lập hệ thống an ninh ở vùng biển phía tây nam”. Ông cũng cho biết Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) sẽ “có những biện pháp phản ứng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, và nêu rõ: “SDF đưa ra các bước cảnh báo cụ thể. Thứ nhất là phát cảnh báo bằng sóng radio yêu cầu máy bay rời không phận, thứ hai là ra tín hiệu, bước thứ ba là bắn pháo sáng”.
Cũng ngày 17-1, như Kyodo loan tin, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc hội đàm cấp chuyên viên về việc sửa đổi hướng dẫn song phương về hợp tác quốc phòng tại Tokyo.
Tâm điểm của việc sửa đổi này là tăng cường hợp tác giữa hai đồng minh trong kiểm tra và giám sát các hoạt động trong khu vực Đông Á. Việc sửa đổi này cũng bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh cấm theo quy định của hiến pháp về việc sử dụng quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản.
Tokyo: sẽ rút khoảng cách bay đến Senkaku
Có tin Nhật đang xem xét việc đưa máy bay chiến đấu F-15 đến đồn trú ở đảo Shimojishima, một hòn đảo nhỏ nằm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo báo Yomiuri, hiện căn cứ không quân Naha của Lực lượng tự vệ trên không (ASDF) là nơi xa nhất ở phía tây mà máy bay Nhật được triển khai đến. Nếu máy bay chiến đấu được điều đến Shimojishima, quãng đường bay đến Senkaku/Điếu Ngư sẽ được rút ngắn đi phân nửa. Việc bố trí này sẽ giúp ASDF phản ứng tức thời trước các động thái từ Bắc Kinh.
Ngày 13-1, máy bay Trung Quốc đã xâm nhập vùng trời gần Senkaku/Điếu Ngư. Lúc máy bay chiến đấu Nhật cất cánh từ căn cứ Naha cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 420km và bay đến nơi thì máy bay Trung Quốc đã rút khỏi khu vực này. Trong khi đó, sân bay Shimojishima (thuộc tỉnh Okinawa) chỉ cách Senkaku/Điếu Ngư 200km và là sân bay duy nhất trong quần đảo Sakishima có đường băng dài 3.000m, độ dài đủ cho máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thuận tiện.
Hai sân bay khác trong vùng cũng đang được Tokyo xem xét là sân bay New Ishigaki ở đảo Ishigaki (dự kiến khánh thành tháng 3) và sân bay Miyako ở đảo Miyakojima.
Phóng to |
Lực lượng phòng vệ Nhật nhảy dù trong cuộc tập trận ngày 13-1 - Ảnh: AFP |
Bắc Kinh: sẽ đưa tàu hải quân đến Điếu Ngư
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa ra những tuyên bố gây căng thẳng với Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố tàu hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra trong vùng biển Điếu Ngư/Senkaku để thực thi quyền tài phán của Trung Quốc ở vùng biển và vùng trời này. Cùng lúc, tướng Bành Quang Khiêm của Trung Quốc cũng tuyên bố chỉ cần Nhật bắn một phát đạn, Bắc Kinh sẽ coi đó là lời khai chiến và lập tức phản công. Tuyên bố này nhằm đáp trả khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera trên báo Asahi ngày 14-1 khi nêu rõ lực lượng Nhật sẽ bắn cảnh cáo vào bất kỳ máy bay nào xâm nhập không phận Senkaku/Điếu Ngư.
Thời Báo Hoàn Cầu mới đây cũng cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị đóng thêm chín tàu tuần tra cỡ lớn bao gồm năm chiếc có tải trọng ở cấp 3.000 tấn và bốn chiếc có tải trọng từ 5.000 tấn để bổ sung cho các đội tàu tuần tra đang hoạt động trên biển Đông và biển Hoa Đông. Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Vũ Xương được giao thực hiện hợp đồng trị giá 2,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 402 triệu USD) này.
Những “tiếng trống trận” này xem ra đang lấn lướt. Tân Hoa xã đưa tin trong cuộc gặp cựu thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama ngày 16-1, chủ tịch Ủy ban toàn quốc hội nghị chính trị hiệp thương Trung Quốc Giả Khánh Lâm đã kêu gọi Bắc Kinh và Tokyo nên giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thông qua đối thoại và tham vấn.
Tàu tuần tra Trung Quốc xâm nhập Hoàng Sa Sau hai ngày xuất phát từ thành phố Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam), ngày 17-1 tàu hải tuần 21 đang hướng đến tuần tra ở các vùng biển gần khu vực các đảo Linh Côn, bãi đá Bông Bay và đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tân Hoa xã cho biết một ngày trước đó, tàu này đã cập cảng ở đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để thủy thủ đoàn đổ bộ trái phép lên đảo. Hành trình của tàu này kéo dài năm ngày và đến ngày 19-1 nó sẽ quay về neo đậu ở cảng Tam Á. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận