08/01/2016 18:22 GMT+7

Nếu không thay đổi, các NXB không thể cựa quậy được

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trí Huân - phó chủ tịch hội nhà văn VN tại hội nghị cơ quan chủ quản các NXB năm 2015, do Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội xuất bản VN tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 8-1.

Nhiều NXB vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán làm công tác tuyên truyền chính trị và làm kinh doanh - Anh: V.V.TUÂN
Nhiều NXB vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán làm công tác tuyên truyền chính trị và làm kinh doanh - Anh: V.V.TUÂN

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất nên chỉnh sửa lại điều kiện mỗi NXB phải có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản.

Ông Chu Văn Hòa -  Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) - cho biết mặc dù đã quá thời hạn bốn tháng để cấp đổi giấy phép thành lập NXB theo quy định, nhưng hiện vẫn còn 33 NXB chưa được cấp đổi. Trong đó, có 21 NXB chưa đủ điều kiện về kinh phí là có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Trí Huân - phó chủ tịch hội nhà văn VN thẳng thắn bày tỏ: “Tôi cứ băn khoăn mãi về điều kiện để cấp đổi giấy phép thành lập NXB. Trong đó, hai điều khó khăn nhất với các NXB là vốn và trụ sở. Hội nhà văn VN, một năm, cả bộ máy hành chính được nhà nước cấp 2 tỷ đồng hoạt động, thì chúng tôi lấy đâu ra 5 tỷ đồng cho NXB Hội nhà văn để đủ điều kiện được cấp đổi giấy phép bây giờ?

Nhiều NXB của Bộ VH-TT- DL nợ chồng chất

Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ VH-TT&DL) cho biết, nhiều NXB của Bộ này đang lâm vào tình cảnh nợ chồng chất chưa trả được:

Hai NXB Âm nhạc và NXB Văn hoá – Thông tin vẫn chưa thể sáp nhập với NXB Văn hoá dân tộc bởi còn đang lỗ lũy kế 13 tỷ đồng.

NXB Thế giới hiện không còn khả năng tài chính để chi trả và hiện đang nợ hơn 5 tỷ đồng. 

Khi không tìm được nguồn ngân sách của nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi buộc phải bán giấy phép xuất bản để sống. Một năm bán 1000 giấy phép là đã có 1 tỷ đồng để nuôi NXB. Nhưng cấp nhiều giấy phép như vậy, chúng tôi sao có thể kiểm soát được hết nội dung 1000 đầu sách. Có cuốn đúng phần đầu, nhưng sai phần sau”.

Ông Huân nêu giải pháp cho bài toán nan giải này là nên xem xét cho phép cổ phần hoá các NXB. “Nếu không muốn cổ phần hoá các NXB, thì Nhà nước phải hỗ trợ bằng cách đặt hàng xuất bản, hoặc cho vay với lãi suất thấp. Nếu không thì các NXB không thể cựa quậy được” - ông Huân trăn trở. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn An Tiêm - phó Vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản (Ban tuyên giáo Trung ương) đáp lại, hiện nay Đảng và Nhà nước chưa có chủ trương cổ phần hoá các NXB.

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đồng tình rằng, không nên đưa điều kiện 5 tỷ đồng là điều kiện để cấp đổi giấy phép đối với các NXB, vì nhiều NXB không có được 5 tỷ đồng.

“Việc duy trì điều kiện vốn tối thiểu với mỗi NXB là 5 tỷ đồng không khả thi. Chúng tôi kiến nghị Bộ TT-TT nên xem xét lại, để sửa đổi, bỏ quy định ràng buộc này với các NXB, trong nghị định 195/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xuất bản”.

Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội xuất bản VN cũng cho rằng, quy định số vốn tối thiểu 5 tỷ đồng với mỗi NXB để đảm bảo hoạt động xuất bản là không khả thi và đề xuất, nên nhanh chóng thành lập một Quỹ hỗ trợ xuất bản, huy động vốn từ ngân sách nhà nước, vốn xã hội hoá, tài trợ…để giúp đỡ các NXB khó khăn. 

Giải đáp các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nói rằng, Bộ sẽ xem xét lại quy định điều kiện mỗi NXB có vốn 5 tỷ đồng để đảm bảo hoạt động xuất bản, và nếu cần thiết, thì có thể kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 195/2013/NĐ-CP.

“Trong lúc chờ đợi sửa đổi Nghị định, thì các cơ quan chủ quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT để vận dụng sáng tạo sao cho các NXB được hoạt động, chứ không phải vì không có 5 tỷ mà không cấp phép lại cho các NXB hoạt động” - ông Tuấn nói.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên