Hôm nay 7-1, Campuchia kỷ niệm 46 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhiều hoạt động kỷ niệm trang trọng đã diễn ra trên khắp đất nước Campuchia, không chỉ để tưởng niệm các nạn nhân dưới chế độ diệt chủng mà còn nhắc nhở thế hệ hiện nay về giá trị của hòa bình và ý nghĩa của mối quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Trong bài viết có tựa đề "46 năm Ngày chiến thắng 7-1: Sự thật lịch sử không thể quên", ông Uch Leang - chủ tịch Hội cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam (CAVA), quyền vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ quốc tế Campuchia - đã khẳng định tình hữu nghị Campuchia - Việt Nam là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết quốc tế và mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia láng giềng.
Nhắc lại lịch sử, ông cho biết cách đây 46 năm, vào ngày 7-1-1979, các lực lượng yêu nước dưới sự lãnh đạo của “Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia” và sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Ông Sok Eysan, người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, cho biết dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, nhân dân Campuchia đã rơi vào tình cảnh khốn cùng. Trong thời điểm bi thảm đó, quân tình nguyện Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia đã trở thành lực lượng có sức mạnh áp đảo, nhanh chóng và kịp thời mở các cuộc tấn công để giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Chiến thắng lịch sử ngày 7-1 năm ấy đã giải cứu hơn 5 triệu người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu, vốn đã sát hại hơn 3 triệu người dân vô tội trong suốt 3 năm, 8 tháng và 20 ngày cầm quyền, từ năm 1975 đến ngày 6-1-1979.
"Sự kiện lịch sử ngày 7-1-1979 đã thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế to lớn giữa nhân dân và quân đội Campuchia - Việt Nam.
Chiến thắng này đã khắc sâu vào tâm khảm của nhân dân Campuchia, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhiều người dân Campuchia đã gọi ngày 7-1-1979 là ngày mình được sinh ra lần thứ hai", ông Uch Leang khẳng định.
Vị học giả Campuchia nhấn mạnh nếu không có chiến thắng vào năm 1979, sẽ không có đất nước Campuchia ngày nay. "Đó là một thực tế lịch sử mà không ai có thể thay đổi hoặc phá hoại", ông Uch Leang nêu quan điểm.
Còn trên nhật báo Kampuchea Thmey Daily, trong số nhiều bài viết liên quan Ngày chiến thắng 7-1, tờ này đã khẳng định dù đã trôi qua gần nửa thế kỷ, việc kỷ niệm chiến thắng chế độ Pol Pot vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng với người dân Campuchia.
Tiến sĩ Yang Peou - tổng thư ký Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), nhấn mạnh chiến thắng năm 1979 là sự thật lịch sử không thể phủ nhận của đất nước Campuchia.
"Nếu chúng ta không thừa nhận sự thật lịch sử ngày 7-1, điều đó có nghĩa là chúng ta xúc phạm hàng triệu người dân Campuchia đã thiệt mạng, cũng như xúc phạm sự sống còn của chính bản mình. Điều đó còn có nghĩa là ta không thừa nhận sự giải cứu, không thừa nhận chính cuộc đời mình", ông nêu lập luận.
Ông Hun Sen: Phương Tây đã sai lầm khi trao ghế Liên hợp quốc cho Khmer Đỏ
Sáng 7-1 tại Phnom Penh, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 46 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Sự kiện còn có sự tham dự của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Heng Samrin và hơn 20.000 thành viên, lãnh đạo CPP.
Tại lễ kỷ niệm, ông Hun Sen nhấn mạnh phương Tây đã phạm hai sai lầm lớn với Campuchia trong lịch sử và kêu gọi đừng để một sai lầm nào khác xảy ra.
"Sai lầm đầu tiên là ủng hộ cuộc đảo chính ngày 18-3-1970 khiến Campuchia mất ổn định. Sai lầm thứ hai là trao cho chế độ diệt chủng Khmer Đỏ một ghế tại Liên hợp quốc trong 12 năm kể từ năm 1979, trong khi lại áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, chính trị và ngoại giao bất công đối với những người đã giải phóng người Campuchia khỏi chế độ diệt chủng", ông Hun Sen nêu vấn đề.
Những hành động này, theo ông Hun Sen, đã phớt lờ nỗi đau khổ và nguyện vọng chính đáng của người dân Campuchia. "Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở tất cả các quốc gia một lần nữa hãy rút kinh nghiệm từ hai sai lầm lịch sử này và đảm bảo không có sai lầm thứ ba nào xảy ra", ông kêu gọi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận