07/10/2018 11:17 GMT+7

Nêu gương để đẩy lùi tham nhũng

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - BẢO NGỌC
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - BẢO NGỌC

TTO - Ngày 6-10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 8, khẳng định Trung ương thống nhất cao việc ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương.

Nêu gương để đẩy lùi  tham nhũng - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 - Ảnh: TTXVN

"Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lại lời của Bác Hồ như vậy khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (ngày 6-10), đồng thời khẳng định trung ương đã thống nhất cao việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương.

"Trong năm 2018 và nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, sự nghiệp phát triển đất nước đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, năm sau tốt hơn năm trước. 

Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, bởi vì trước mắt chúng ta vẫn đang có rất nhiều khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều việc lớn, việc khó phải làm" - Tổng bí thư khái quát.

Một tấm gương sống hơn trăm bài diễn văn

Nhận xét về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong những năm vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đã "có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ". 

Quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. 

"Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm" - ông nói.

Đồng thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận: "Những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra... Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Về quy định nêu trên, trung ương giao cho Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của các ủy viên trung ương để hoàn thiện, sớm ban hành. 

"Trung ương nhấn mạnh nếu gần 200 ủy viên trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền" - Tổng bí thư nói.

Nêu gương để đẩy lùi  tham nhũng - Ảnh 2.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN

Để kinh tế thuần biển chiếm 10% GDP

Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Trung ương 8 là đánh giá kết quả chiến lược về biển trong thời gian qua, thống nhất ban hành nghị quyết mới về "chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". 

Tổng bí thư phân tích rằng việc trung ương ban hành nghị quyết này là để "từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển".

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. 

Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước. 

Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo...

Đồng thời, nghị quyết trung ương yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. 

Ở các tỉnh, thành phố ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế" - Tổng bí thư nói.

Ông khẳng định chủ trương chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy lợi thế về điều kiện địa chiến lược, kinh tế, chính trị và tự nhiên. 

Khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên biển, làm động lực cho phát triển kinh tế đất nước. Chủ động thích ứng với biến đổi khu vực và toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch cụ thể, sát hợp với thực tế. 

Một trong các ưu tiên thực hiện chiến lược này là "khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển".

Nêu gương để đẩy lùi  tham nhũng - Ảnh 3.

Trung ương đã thống nhất ban hành nghị quyết “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong ảnh: đội tàu của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt cá - Ảnh: TRẦN MAI

Đổi mới tư duy về chiến lược biển

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược biển trong giai đoạn vừa qua, đánh giá thành tựu, nguyên nhân, đề ra phương hướng mới thông qua việc ban hành nghị quyết về chiến lược mới.

Lần này chúng ta ban hành nghị quyết mới, đổi mới tư duy, quan điểm, nhận thức và chuyển sang hành động.

Trước đây, nghị quyết có ba quan điểm tập trung vào đối ngoại, quốc phòng an ninh, trong đó có kinh tế, môi trường. Nghị quyết lần này có sáu quan điểm kế thừa ba quan điểm cũ, bổ sung ba quan điểm mới.

Sáu quan điểm khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, phải giải quyết hài hòa vấn đề kinh tế, môi trường, đối ngoại, quốc phòng, giữ gìn hòa bình ổn định trên biển.

Trung ương thấy rằng trước các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, chiến lược của các nước lớn khác..., chúng ta đã chủ động ban hành nhiều đề án của Bộ Chính trị, tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn, dài hạn, các đối sách quốc phòng, an ninh, trong đó có những sách lược chúng ta cần bảo mật, không thể công khai.

Bộ trưởng Bộ TN-MT TRẦN HỒNG HÀ

Quy định nêu gương hết sức cần thiết

Hội nghị Trung ương 8 bàn để quyết định ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là lãnh đạo cấp cao là hết sức cần thiết.

Với các quy định hiện có, việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thực tế, vẫn còn có cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, vẫn có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đây chính là những lý do để trung ương lần này bàn thảo, ban hành quy định mới để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo cấp cao là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng.

Ông NGUYỄN ĐỨC HÀ - nguyên vụ trưởng Vụ cơ sở - Ban Tổ chức trung ương

Chuẩn bị Đại hội XIII: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu 2 tiểu ban

Nêu gương để đẩy lùi  tham nhũng - Ảnh 5.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Bùi Trường Giang trả lời báo chí - Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều tối 6-10, các ông Bùi Trường Giang (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương), Lê Quang Vĩnh (phó Văn phòng Trung ương Đảng) đã đồng chủ trì họp báo thông tin về kết quả Hội nghị Trung ương 8.

Ông Giang cho biết để chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương đã thống nhất thành lập 5 tiểu ban. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm trưởng tiểu ban văn kiện và trưởng tiểu ban nhân sự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng tiểu ban kinh tế - xã hội. Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính làm trưởng tiểu ban điều lệ Đảng.

Tiểu ban tổ chức phục vụ đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đứng đầu.

Trả lời câu hỏi về kết quả biểu quyết 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước, ông Vĩnh cho biết chỉ có một người duy nhất vắng mặt tại hội nghị là ông Đinh Thế Huynh do đang điều trị bệnh, tất cả các đại biểu có mặt tại hội nghị đều nhất trí giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử chủ tịch nước.

"Đây cũng là tập quán chính trị và thông lệ thế giới. Việc tổng bí thư Đảng đồng thời là chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân hoan nghênh.

Trước đây, chúng ta có sẵn định chế chủ tịch Đảng đồng thời là chủ tịch nước từ thời Bác Hồ. Khi Bác Hồ mất, vì điều kiện chính trị lịch sử cụ thể chưa cho phép để tiếp tục thực hiện điều đó" - ông Vĩnh nói.

Đồng thời giải thích rằng trong tương lai, nhiệm kỳ sau tổng bí thư có ứng cử làm chủ tịch nước hay không thì thẩm quyền thuộc Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Việc Trung ương tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo ông Vĩnh, sẽ được thực hiện tại Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 12-2018.

Tiếp tục xử lý hành chính các ông Nguyễn Bắc Son, Trần Văn Minh

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết việc xem xét kỷ luật các ông Nguyễn Bắc Son (cách chức ủy viên Trung ương khóa XI và bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016), Trần Văn Minh (khai trừ ra khỏi Đảng) "đã được tiến hành rất chặt chẽ, dân chủ, đúng quy định của Đảng với sự thống nhất rất cao của Ban Chấp hành Trung ương".

Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trần Văn Minh để bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương ứng với kỷ luật Đảng.

Giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước Giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước

TTO - Ngày 3-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên