Đại hội đã tuyên dương công trạng, đồng thời nhất trí trao trách nhiệm cố vấn cho ba vị lão thành cách mạng: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ - Ảnh: TTXVN |
Một không khí rất mới
Đúng 11g45, ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng thay mặt Đoàn chủ tịch phát biểu về việc nhất trí tôn trọng quyền không ứng cử vào Ban Chấp hành trung ương khóa mới của các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ.
Đại hội đã tuyên dương công trạng, đồng thời nhất trí trao trách nhiệm cố vấn cho ba vị lão thành cách mạng.
Phiên làm việc buổi chiều, đại hội tiến hành bầu cử Ban Chấp hành trung ương khóa VI. Tiếp đó, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương lần thứ nhất (khóa VI), bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, bầu Ban Bí thư gồm 13 ủy viên.
“Nhân vật số 1” đã được lựa chọn tại đại hội đổi mới 1986 là ông Nguyễn Văn Linh.
Giáo sư Phạm Như Cương (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên viện trưởng Viện Triết học) kể lại với nhà viết sử kinh tế Đặng Phong:
“Tôi trúng cử vào trung ương tại Đại hội VI. Trong phiên họp đầu tiên, tôi có ấn tượng rất sâu sắc với Tổng bí thư mới là anh Nguyễn Văn Linh.
Hôm đó, anh đứng trước anh em chúng tôi và nói một cách chân tình rằng: Các thế hệ đàn anh đi trước chúng ta đều cao hơn hẳn chúng ta một hoặc nhiều cái đầu. Còn bây giờ, thế hệ chúng ta ở đây với nhau chắc hơn kém nhau chỉ ly lai như sợi tóc.
Vì thế, trong quan hệ giữa tôi và các đồng chí cũng như giữa các đồng chí với nhau phải có thái độ hết sức khiêm tốn, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng gánh vác sự nghiệp nặng nề của Đảng và nhân dân giao phó. Có như thế thì chúng ta mới hoàn thành trách nhiệm được.
Sau khi anh Linh nói câu đó, không riêng tôi mà hầu hết anh em trong Ban Chấp hành trung ương mới đều rất hồ hởi, vui mừng trước một không khí rất mới, rất dân chủ, rất chân tình, rất cởi mở mà đồng chí Tổng bí thư là đại diện”.
Nhớ lại việc chuẩn bị Đại hội VI, có lần ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - nêu câu hỏi với ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Tiểu ban nhân sự Lê Đức Thọ:
“Vì sao đồng chí Nguyễn Văn Linh từng ra khỏi Bộ Chính trị nhưng anh vẫn kiên trì đề xuất đồng chí từ TP.HCM trở lại trung ương, rồi giữ cương vị Tổng bí thư?”.
Ông Lê Đức Thọ trả lời: “Nếu anh Linh không làm thì đổi mới sẽ khó khăn lắm”.
Tân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời phỏng vấn báo chí sau Đại hội VI - Ảnh: Minh Đạo |
“Ba chìm bảy nổi”
Tiểu sử chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia ấn hành ghi nhận: “Từ năm 1975 đến năm 1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, mà như có lần đồng chí nói, đó là thời kỳ “ba chìm bảy nổi trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi”.
Trong thời gian đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hai lần làm bí thư Thành ủy TP.HCM tổng cộng hơn sáu năm”.
Lần thứ nhất, sau ngày thống nhất đất nước, ông là người đứng đầu Thành ủy TP.HCM trong thời kỳ đầy khó khăn của thành phố. Đến tháng 4-1977, ông được trung ương điều sang làm trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa trung ương.
Ông chủ trương không nóng vội, không nên áp dụng ngay phương thức cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam như ở miền Bắc, ép buộc người nông dân phải vào hợp tác xã hay tập đoàn sản xuất, bởi hàng trăm năm nay bà con chỉ quen sản xuất theo lối cá thể, quen với mảnh ruộng mà mình đã đầu tư chăm bón qua nhiều đời.
Trong khi đó, do nóng vội, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi đã ép buộc bà con, các gia đình có con em là đảng viên phải vào hợp tác xã, ai không vào thì bị kỷ luật, có khi còn bị dọa bỏ tù!
Thái độ nóng vội đó đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong bà con nông dân. Nhờ đi sát cơ sở, nắm bắt được tình hình trên, ông Nguyễn Văn Linh đã đề xuất với trung ương: nên để chậm lại một thời gian.
Trong vấn đề cải tạo công thương nghiệp, quan điểm của ông cũng không nên làm ồ ạt theo kiểu xóa bỏ đơn giản.
Cải tạo là để sản xuất phát triển, thúc đẩy nền sản xuất tiến lên, nếu cải tạo mà làm cho sản xuất đình trệ, công nhân mất việc làm, đời sống đồng bào ngày càng khó khăn... thì chúng ta cần phải xem xét lại.
Ý kiến của ông chưa được trung ương chấp nhận.
Theo nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong, bây giờ nhìn lại thì sự thận trọng của ông Nguyễn Văn Linh thời đó tỏ ra đúng đắn, nhưng hoàn cảnh lúc bấy giờ rất dễ bị quy kết. Có lẽ một phần vì lý do đó mà ông phải rời khỏi Bộ Chính trị, chuyển sang phụ trách công tác dân vận, công đoàn...
Cuối năm 1980, ông Nguyễn Văn Linh thôi giữ chức chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để về phụ trách theo dõi thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ tại các tỉnh miền Nam.
Tháng 12-1981, ông được Bộ Chính trị phân công trở lại làm bí thư Thành ủy TP.HCM. Trên cương vị này, ông đã có nhiều đóng góp tích cực vào những mũi đột phá và chuyển biến của thành phố trong những năm đầu thập kỷ 1980.
Tháng 7-1983, được biết các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã chuẩn bị cho một số giám đốc các xí nghiệp năng động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả báo cáo trực tiếp với các vị lãnh đạo cao cấp về tình hình sản xuất kinh doanh và đề đạt nguyện vọng của cơ sở.
“Sự kiện Đà Lạt” diễn ra trong thời gian vừa đúng một tuần lễ (từ ngày 12 đến 19-7-1983).
Có ông giám đốc nhà máy thuốc lá rưng rưng nước mắt khóc trước Bộ Chính trị khi nói về những bi kịch của xí nghiệp mình: ông vốn là con nhà lao động, đi theo Đảng làm cách mạng, tham gia kháng chiến, sau giải phóng trở về được cử làm giám đốc xí nghiệp.
Ông đã bươn chải qua bao nhiêu khó khăn để tháo gỡ cho sản xuất, cho đời sống công nhân nhưng luôn bị quy kết là làm sai đường lối...
Ngày 17-7-1983, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh mời ba vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm cơ sở chế biến tơ tằm và xí nghiệp chè (cơ sở của TP.HCM tại Bảo Lộc).
Ngày 19-7-1983, ông Nguyễn Văn Linh có buổi làm việc riêng với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Tại buổi làm việc, ông đã báo cáo tất cả những tâm tư, những vấn đề mà mình đang nung nấu.
Theo giáo sư Trần Nhâm - trợ lý Tổng bí thư Trường Chinh, hội nghị Đà Lạt có tác động rất lớn vào tư duy của nhà lãnh đạo lúc này đang ngày đêm trăn trở tìm cách đưa đất nước thoát ra khỏi bảo thủ, trì trệ.
Cuộc đổi mới thử nghiệm ở TP.HCM dưới sự đứng mũi chịu sào của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh thành công, cũng là lúc những sai lầm của cách làm kinh tế theo tư duy cũ được chính thức nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Linh trở lại trung ương, tham gia trở lại Bộ Chính trị, là thường trực Ban Bí thư.
Và tháng 12-1986, ông trở thành Tổng bí thư.
Phía trước ông là biết bao “những việc cần làm ngay” để xốc lại đội hình và vượt lên, trước hết là vì chén cơm manh áo của người dân mọi miền.
Họ, những người dân hi vọng và chờ đợi đổi mới, đã đứng trước màn hình tivi, ngồi bên radio, đã vỗ tay khi nghe tên ông được xướng lên từ Hội trường Ba Đình…
__________
Kỳ tới: Phiên bế mạc, nhìn từ Sài Gòn
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: Đại hội giữa lòng khủng hoảng >> Kỳ 2: Viết lại báo cáo chính trị >> Kỳ 3: Câu chuyện nhân sự đại hội Đảng >> Kỳ 4: Hậu trường lựa chọn “nhân vật số 1” |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận