26/01/2018 21:54 GMT+7

Nếp, gạo Lào tìm đường vào thị trường Việt Nam

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Ông Phoukham Ouanouansa, giám đốc Trung tâm thương mại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), cho biết ông đang cần tìm đối tác thương mại ở TP.HCM để phân phối các loại nông sản Lào và ngược lại.

Nếp, gạo Lào tìm đường vào thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Phoukham Ouanouansa, giám đốc Trung tâm thương mại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) - Ảnh: Các Ngọc

Ngày 26-1, tại hội thảo "Giải pháp để đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa TP.HCM và Lào", ông Phoukham Ouanouansa cho biết trước mắt ông đang tìm đối tác để phân phối ba loại gạo Cày Nọi, gạo tẻ thơm và nếp Lào. 

Theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương TP.HCM, năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều TP.HCM và Lào đạt gần 12,73 triệu USD.

Trong đó, TP.HCM nhập khẩu 43.000 USD và xuất khẩu đạt 12,68 triệu USD.

Năm 2017, con số này giảm còn gần 8,01 triệu USD.

Các mặt hàng được xuất khẩu từ phía VN chủ yếu là thuỷ sản, giày da, hàng may mặc, vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc...

Hiện ông đã có một đối tác tại Nghệ An nhập khẩu 60 tấn gạo và ông sẽ tiếp tục chuyển cho đối tác này 1.000 tấn gạo vào khoảng tháng 3 tới.

Cũng theo ông Phoukham Ouanouansa trung tâm thương mại của Lào sẵn sàng nhận kinh doanh những mặt hàng chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng, đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào tỉnh Xiêng Khoảng.

Tại hội thảo, nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền của Lào được giới thiệu để kết nối giao thương với các doanh nghiệp, các nhà phân phối của Việt Nam. 

Sau khi quan sát các mặt hàng, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng, sản phẩm Lào được người dân đón nhận là một điều thuận lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Lào cần quan tâm nhiều hơn đến bao bì, nhãn sản phẩm, có thông tin rõ ràng để người tiêu dùng VN hiểu rõ về sản phẩm. 

Bà Tuyền cũng lưu ý các doanh nghiệp Lào cho dù sản phẩm được sản xuất tự nhiên, phương pháp hữu cơ thì giá sản phẩm không thể quá cao, phải phù hợp với tiêu dùng của số đông.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm đến việc thanh toán qua ngân hàng của các giao dịch thương mại, những khó khăn trong việc vận chuyển, thủ tục thuế xuất nhập khẩu.

Ông Vanxay Keovilay, phó Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán CHDCND Lào tại TP.HCM, cho biết thông qua hội thảo này, các doanh nghiệp hai bên đã tìm hiểu nhu cầu, xây dựng quan hệ đối tác, đồng thời đề xuất giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương hàng hóa giữa hai nước. 

Phía Lào cũng sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Lào giải đáp các câu hỏi liên quan đến xúc tiến thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Tham dự hội thảo có gần 80 doanh nghiệp Lào và Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến rau củ quả, trái cây, chế biến thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, nhựa, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày dép, túi xách, xây dựng, thiết kế, xử lý môi trường. 

Đặc biệt, có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối lớn, doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ.

Lần đầu tổ chức tuần lễ sản phẩm Lào tại TP.HCM Lần đầu tổ chức tuần lễ sản phẩm Lào tại TP.HCM

Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào tại TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ cùng tổ chức sự kiện “Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Lào tại TP.HCM” từ ngày 24-28/1.

Thưởng thức hơn 100 đặc sản Lào giữa lòng TP.HCM Thưởng thức hơn 100 đặc sản Lào giữa lòng TP.HCM

TTO - 126 tấn hàng hóa gồm 139 loại sản phẩm, đặc sản Lào đã được các doanh nghiệp nước này mang sang "Tuần lễ Sản phẩm doanh nghiệp Lào tại TP.HCM" vừa khai mạc tối 24-1 tại công viên Lê Văn Tám (Q.1).

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên