17/10/2014 14:31 GMT+7

​Nên xem lại việc “tắc nghẽn vùng trời”

PGS.TS NGUYỄN THIỆN TỐNG (nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN THIỆN TỐNG (nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

TT - Năng suất thiết kế của TSN không phải là một con số cố định mà đã thay đổi nhiều lần và tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2007-2011.

Ông Lại Xuân Thanh (cục trưởng Cục Hàng không VN) cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ tắc nghẽn dưới mặt đất mà còn tắc nghẽn trên không - Ảnh: Q.Định
Ông Lại Xuân Thanh (cục trưởng Cục Hàng không VN) cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ tắc nghẽn dưới mặt đất mà còn tắc nghẽn trên không - Ảnh: Q.Định

Việc “tắc nghẽn” dưới mặt đất được giải quyết chủ yếu bằng cách xây thêm sân đậu máy bay và nhà ga phục vụ hành khách.

Tuy nhiên ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không VN - cho rằng vấn đề chính là “tắc nghẽn vùng trời” sân bay và đường băng.

Theo ông Thanh, TSN có hai đường băng nhưng không thể hoạt động hết công suất, vào giờ cao điểm chỉ phục vụ được 29 chuyến/giờ và các chuyến bay lên xuống ở TSN hoàn toàn phụ thuộc vào việc phía không quân cho sử dụng linh hoạt vùng trời bay qua sân bay Biên Hòa.

Nếu việc “tắc nghẽn vùng trời” là do năng lực hạn chế của đài không lưu thì cần đầu tư để tăng năng lực điều khiển không lưu. Nếu việc “tắc nghẽn vùng trời” là do phía không quân chỉ cho sử dụng một vùng không gian hạn chế thì cần biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa phía quân sự và dân sự trong việc khai thác sử dụng chung tài nguyên vùng trời và đất sân bay một cách hiệu quả vì lợi ích chung của quốc gia.

Thực tế, sân bay Đà Nẵng được sử dụng chung cho cả dân sự và quân sự. Tương tự sân bay TSN và Biên Hòa cũng cần trở thành sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự.

Trên thế giới có rất nhiều sân bay được sử dụng chung như thế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế hơn vì mức độ sử dụng cho hoạt động quân sự rất ít. Chẳng hạn, sân bay Miami ở bang Florida của Hoa Kỳ, sân bay Soekarno-Hatta (Jakarta, Indonesia) là những sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự.

Sân bay Miami có 40 triệu lượt khách năm 2013 với 370.000 chuyến bay, trong đó số chuyến bay của quân sự chỉ chiếm 1%.

Theo tôi, đường băng cất, hạ cánh của sân bay TSN chưa được khai thác hết năng suất. Hiện tại hai đường băng này chiều dài 3.050m và 3.800m, cách nhau 365m, đảm bảo cho các máy bay lớn như B747-400 và A340-600 cất, hạ cánh an toàn.

Ở sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta, Indonesia với hai đường băng cất, hạ cánh đều dài 3.600m, nhưng năm 2013 có 370.000 chuyến bay và năng suất thực tế gần 60 triệu lượt khách.

Sân bay Heathrow ở London, Anh với hai đường băng cất, hạ cánh dài 3.660m và 3.900m mà vào năm 2013 có 472.000 chuyến bay và năng suất thực tế trên 72 triệu lượt khách.

Do đó năng suất sân bay TSN có thể tăng gấp 2,6 lần nếu tần suất bay bằng với sân bay Soekarno-Hatta, và có thể tăng gấp 3,4 lần nếu tần suất bay bằng với sân bay Heathrow khi giải quyết được vấn đề “tắc nghẽn vùng trời” đó.

Tóm lại, sân bay TSN và Biên Hòa cần trở thành sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự để bầu trời sân bay TSN không bị tắc nghẽn, giúp năng suất TSN có thể tăng lên nhiều lần.

PGS.TS NGUYỄN THIỆN TỐNG (nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên