TT - Đó là ý kiến của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ khi nói về các trận đấu “có mùi” ở mùa giải 2011 gây bất bình trong dư luận.
Ông nói: “Quan điểm của tôi là nên trừ điểm các đội thi đấu thiếu tích cực để góp phần làm trong sạch bóng đá VN. Sắp tới, thường trực VFF lẫn ban tổ chức (BTC) giải sẽ bàn bạc, nghiên cứu, xem bóng đá thế giới đã có tiền lệ này chưa để có thể đưa vào áp dụng ở mùa giải 2012”.
* Liệu BTC giải có dễ dàng thực hiện điều đó khi bị hỏi ngược lại: chứng cứ đâu?
- Chứng cứ sẽ là băng ghi hình trận đấu cùng đánh giá của giám sát trận đấu và giám sát trọng tài. Một chứng cứ quan trọng không kém để có thể xử phạt hay trừ điểm là phản ứng của dư luận và của báo chí về một trận đấu có biểu hiện nhường điểm. Tôi cho rằng đây là một kênh quan trọng để đánh giá một trận đấu “có mùi” hay không.
Trước đây, các trưởng BTC giải như Ngô Tử Hà hay Trần Duy Ly cũng từng ký quyết định trừ điểm những đội bóng thi đấu thiếu tích cực, dù chứng cứ chỉ là phản ứng gay gắt của dư luận. Nếu không thay đổi tích cực, chúng ta sẽ không theo kịp tốc độ phát triển của bóng đá VN, từ đây dẫn đến nhiều vấn đề khác nữa.
Bóng đá Ý thực hiện việc trừ điểm Bóng đá thế giới cũng có trường hợp trừ điểm với đội bóng thi đấu thiếu tích cực vì dàn xếp tỉ số. Cụ thể, ngày 10-8 vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Ý đã phạt trừ 6 điểm đối với CLB vừa thăng hạng Serie A Atalanta khi mùa giải mới 2011-2012 bắt đầu. Một CLB ở giải Serie B là Ascoli cũng bị phạt trừ 6 điểm. P.Q. |
- Dư luận là điều bình thường khi có nhiều thứ khiến người ta phải nghi ngờ. Như chuyện thủ môn Dương Hồng Sơn (Hà Nội T&T) mắc sai lầm trong trận quyết định ngôi vô địch và bị nghi ngờ là giúp đội bóng cũ Sông Lam Nghệ An (SLNA).
Tuy nhiên có mặt trên sân Vinh hôm đó mới thấy sức ép tâm lý ghê gớm như thế nào, nhất là với những cựu cầu thủ SLNA. Sức ép này khiến họ thi đấu không tốt. Nhưng đúng là có những trận đấu không bình thường ở những vòng đấu cuối.
Trận Hòa Phát Hà Nội - K.Khánh Hòa tôi không xem, nhưng có thể thấy dư luận phê phán rất gay gắt K.Khánh Hòa “buông” một cách lộ liễu giúp đội chủ nhà chiến thắng và trụ hạng thành công. Do đó, BTC giải cần phải tổng kết mùa giải vừa qua kỹ hơn để có thể phản ánh trung thực những tồn tại đã xảy ra.
* Là người đứng đầu VFF, ông thấy tổ chức này cần phải làm gì để hạn chế những tiêu cực ở mùa giải tới?
- Ở mùa giải đầu tiên lên chơi chuyên nghiệp thật sự sau 10 năm thử nghiệm, có thể thấy bóng đá VN đang phát triển rất nóng không chỉ trên sân cỏ mà còn với các nhà đầu tư. Điều đó khiến quy chế, những nhà tổ chức, đội ngũ trọng tài không theo kịp. Do đó chúng ta cần phải bổ sung những điều cần thiết trong quy chế mùa tới để khắc phục tình trạng các đội thi đấu thiếu tích cực.
Đồng thời, chúng tôi cũng xem xét yêu cầu các CLB để cầu thủ mình tự trả tiền phạt khi nhận thẻ vàng, thẻ đỏ nhằm hạn chế lối chơi bạo lực. Ngoài ra, BTC giải sau khi xem lại băng ghi hình có thể phạt nặng hơn (5-10 triệu đồng) những tình huống thô bạo mà trọng tài phạt quá nhẹ hay qua mắt được trọng tài. Cầu thủ sẽ có ý thức hơn khi phải tự chi trả cho những chiếc thẻ phạt.
Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi sẽ thành lập ban trọng tài làm việc chuyên trách cho VFF theo khuyến cáo của FIFA. Việc duy trì Hội đồng trọng tài quốc gia như hiện nay sẽ khó tránh khỏi dư luận nghi ngờ do lấy trọng tài từ các vùng miền. Hay việc chỉ định trọng tài chính cho những trận đấu nhạy cảm nhiều khi tưởng chừng rất bí mật nhưng rốt cuộc ai cũng biết.
* Mùa giải vừa qua không có nhiều gương mặt mới ấn tượng. Giới chuyên môn còn cho rằng VFF dường như đứng ngoài lề trong việc hỗ trợ các CLB đào tạo bóng đá trẻ. Ông thấy thế nào?
- Nói VFF đứng ngoài lề trong việc hỗ trợ các CLB làm bóng đá trẻ là không đúng. Chúng tôi chỉ quản lý hệ thống, tổ chức các giải trẻ quốc gia. Còn nhiệm vụ của các CLB là phải tìm kiếm tài năng, duy trì cầu thủ các lứa tuổi để chạy theo hệ thống các giải thi đấu như cách để nuôi dưỡng lực lượng kế thừa.
Nếu làm tốt được điều này, họ sẽ không phải lo chuyện tìm mua cầu thủ giỏi. SLNA là một ví dụ của việc làm tốt bóng đá trẻ. Nhưng không có nhiều CLB làm tốt được điều này, chẳng hạn CLB Vissai Ninh Bình chỉ có mỗi lứa cầu thủ U-17.
* Xin cảm ơn ông.
Công An Hà Nội và Thể Công từng bị trừ điểm Lịch sử V-League từng chứng kiến hai CLB bị BTC giải trừ điểm vì thái độ thi đấu thiếu tích cực là Công An Hà Nội (CAHN, 2001) và Thể Công (2003) mà không cần bằng chứng cụ thể. Theo đó, CAHN bị trừ 1 điểm và phạt 50 triệu đồng do thiếu tích cực trong thi đấu, có hiện tượng nhường điểm cho Thừa Thiên - Huế. Dù lãnh đạo CAHN bất bình và phản ứng quyết liệt mức kỷ luật này nhưng BTC giải vẫn thực hiện. Còn Thể Công bị trừ 3 điểm và phạt 50 triệu đồng do đã thi đấu thiếu tích cực, gây bất bình với đông đảo khán giả trên sân trong trận đấu với Cảng Sài Gòn. N.K. |
NGUYÊN KHÔI thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận