19/05/2011 08:27 GMT+7

Nên sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc

Ông Lê Xuân Nghĩa
Ông Lê Xuân Nghĩa

TT - Xung quanh kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về việc nên dỡ bỏ trần lãi suất huy động, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Nghĩa - phó chủ tịch ủy ban - nói:

Read this on Tuoitrenews.vn

JXNYwmIm.jpgPhóng to
Lãi suất cho vay quá cao khiến nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất - Ảnh: T.V.NGHI
gWFm0djq.jpgPhóng to
Ảnh: M.ĐỨC

"Bốn tháng đầu năm 2011 tín dụng tăng khoảng 5%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 1%. Nếu chỉ tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán là 16% cho cả năm, trong khi bốn tháng chỉ đạt 1%, theo tôi như vậy là thắt chặt quá, không hợp lý"

- Chúng tôi nghĩ rằng việc bỏ quy định về trần lãi suất huy động phải chọn thời điểm thích hợp, ít nhất đó là lúc thị trường có dấu hiệu lạm phát đang giảm nhiệt. Nhưng tháng 4 vừa qua có chỉ số lạm phát cao và chưa ai biết được tháng 5 sẽ thấp hơn hay cao hơn, nên khó có thể nói bỏ hay không bỏ trần lãi suất huy động vào thời điểm này.

Nghĩa là chúng tôi kiến nghị nên bỏ trần lãi suất huy động nhưng cần tìm thời điểm thích hợp.

* Lãi suất cho vay hiện đang ở mức rất cao, có ý kiến đề nghị nên sử dụng trần lãi suất cho vay, quan điểm ông thế nào?

- Không nên. Cần có một gói chính sách. Quan trọng nhất là phải đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát như định hướng của nghị quyết 11. Thứ hai là làm cho lãi suất ổn định hơn và có thể không tiếp tục tăng lên.

Các nhà làm chính sách nên rà soát toàn bộ công cụ chính sách tiền tệ hiện hành, xem có vấn đề gì chưa hợp lý, chưa theo nguyên tắc thị trường thì điều chỉnh để các ngân hàng thương mại phát huy quyền chủ động của họ trong kinh doanh.

* Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp này?

- Giải pháp thứ nhất là nên bỏ quy định trong thông tư 19 về việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được quá 80%. Thay vào đó nên sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc. Quy định nêu trên trong thông tư 19 có mục đích để ngân hàng thương mại tự bảo hiểm, nhưng quy định này thực tế không có nhiều ý nghĩa. Nếu sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, ví dụ ở mức 5%, các ngân hàng lớn bé đều phải nộp về Ngân hàng Nhà nước mức dự trữ bắt buộc, khi đó có thể hỗ trợ ngân hàng nào đó có khó khăn về thanh khoản.

Cần nhớ rằng trong các công cụ chính sách tiền tệ thì dự trữ bắt buộc được ví như “bom tấn”. Nhìn sang Trung Quốc, chúng ta thấy lạm phát khoảng 5% mà dự trữ bắt buộc của ngân hàng lớn là 20%, còn ngân hàng nhỏ là 16,5%, cái hay của Trung Quốc là linh hoạt dự trữ bắt buộc giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ chứ không cứng nhắc một mức.

Giải pháp thứ hai cần hướng đến là việc tạo ra lợi thế cho VND và bất lợi thế cho USD, sao cho người gửi tiền lẫn người vay tiền đều cảm thấy sử dụng VND có lợi hơn USD. Công cụ hữu hiệu nhất để làm được điều này cũng chính là dự trữ bắt buộc, phải đặt mức dự trữ bắt buộc của đồng ngoại tệ cao hơn nhiều so với dự trữ bắt buộc của đồng nội tệ.

Việc này sẽ đồng thời đạt được hai mục tiêu, làm cho người dân, ngân hàng và doanh nghiệp thích VND hơn ngoại tệ, đồng thời góp phần chống đôla hóa.

Nhóm giải pháp thứ ba là Ngân hàng Nhà nước không nên quá chú ý đến thị trường tín dụng, xem lãi suất tiền gửi và cho vay ở đó như thế nào, càng không nên can thiệp vào lãi suất đó theo lối trần và sàn. Chỗ mà Ngân hàng Nhà nước cần đóng vai trò quyết định chính là thị trường tiền tệ liên ngân hàng, làm thế nào lãi suất của thị trường liên ngân hàng ổn định xoay xung quanh “trục” lãi suất của nghiệp vụ thị trường mở.

Nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước phải dùng lãi suất của mình để điều tiết bằng được lãi suất thị trường liên ngân hàng, rồi thông qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để điều tiết lãi suất ngoài thị trường tín dụng.

Ông Lê Xuân Nghĩa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên