03/05/2013 06:46 GMT+7

Nên nói gì khi nói về dịch thuật

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Nếu tính từ lỗi sai "bố mất vì ung thư tử cung" trong bản dịch Hạt cơ bản đến lỗi "thuốc bôi chân của bác sĩ Scholl" (Dr. Scholl foot powder) trong quyển Những thứ họ mang, độc giả hẳn sẽ rất hoang mang khi cầm trên tay bản dịch một danh tác mà không biết liệu nó có lỗi sai nào "bất hủ" kiểu như thế không.

Tọa đàm về dịch thuậtNhững thứ mà họ chê

YcnBmuZT.jpgPhóng to
Một số người đọc đã không khỏi hoang mang giữa “rừng” sách dịch mà ngay tác phẩm của dịch giả uy tín cũng có nhiều lỗi - Ảnh: Lam Điền

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Những tranh luận về dịch thuật vẫn đang tiếp tục nổ ra trên mạng với cả ngàn lời bình luận. Nhu cầu có một bản dịch tốt là điểm gặp nhau giữa người dịch và người đọc, với cả những đơn vị làm sách nghiêm túc. Tuy nhiên, dịch vừa là lựa chọn riêng của dịch giả, vừa phải thỏa những tiêu chuẩn chuyển ngữ mà lắm khi điều đó là áp lực.

Dịch giả, anh đang làm gì?

"Người đọc tác phẩm văn học dịch nên hiểu là mình ăn cơm mớm, món ăn chắc chắn không còn hương vị và phẩm chất nguyên thủy nữa"

Dịch giả LÝ LAN

Nói như dịch giả, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, dịch giả chuyên nghiệp trước hết phải kiếm sống được bằng nghề dịch, và luôn tìm mọi cách để nâng mình lên qua quá trình dịch thuật. Ðiều này cho thấy sẽ là bất ổn trong nghề nghiệp nếu một dịch giả vào lúc tám năm trước đây từng lên tiếng phê bình cách dịch ẩu của đồng nghiệp, thì nay đến lượt anh lại bị đồng nghiệp chỉ ra các lỗi dịch sai cũng do... ẩu.

Tất nhiên, nghề nào cũng có khó khăn, và những khó khăn thuộc hàng khổ tâm của nghề dịch từng được dịch giả Phạm Viêm Phương than thở: "Người dịch xem ra cũng không khác giáo viên coi thi lắm. Khi làm tốt công việc thì chẳng được khen, nhưng có sơ suất là bị kỷ luật (với giáo viên) hoặc bị dán nhãn "thảm họa" hay "dịch loạn" dễ dàng".

Công việc ấy ông Phương cho là không dễ dàng gì, và dịch giả khi tự chọn cho mình con đường này chỉ còn cách nỗ lực "chuyển tải tinh thần và ý nghĩa (gọi ngắn gọn là nội dung) và cú pháp, văn phạm, thành ngữ... (gọi chung là văn phong) của tác phẩm". Chỉ hai yêu cầu cơ bản ấy thôi, việc dịch đã trở thành nỗi trăn trở thường trực của nhiều thế hệ dịch giả. Học giả Nguyễn Hiến Lê từ năm 1957 từng cho rằng: "Theo nguyên tắc, đã gọi là dịch thì phải giữ đúng tư tưởng, cả cách hành văn của tác giả nữa, vì ta không thể nào thay đổi cách hành văn mà không thay đổi tư tưởng được".

Nhà văn Lý Lan, dịch giả tác phẩm Harry Potter từng được nhiều độc giả Việt Nam hâm mộ, quan niệm rằng "dịch văn học thực chất là viết lại bằng ngôn ngữ khác một tác phẩm mà người dịch có trong đầu sau khi (hay trong khi) đọc nguyên tác. Và viết là một kỹ năng rất khác nhau ở mỗi người, ngay cả nhà văn chuyên nghiệp cũng không phải luôn luôn diễn đạt được hết ý mình và truyền cảm với độc giả. Huống chi là ý tình lời lẽ của người khác...".

Một công việc quan trọng nữa là dịch giả thường dễ "chết" với hệ ngữ vựng chuyên ngành. Cũng chính sự thiếu cẩn trọng trong việc dịch các từ chuyên ngành binh bị khí tài trong nguyên tác của Tim O’Brien khiến cho bản dịch Những thứ họ mang của Trần Tiễn Cao Ðăng có những lỗi kiểu như "trip flares" là pháo sáng cài bẫy lại được dịch là đèn pin mà nhiều dịch giả đã phát hiện.

Một vài quan điểm cần chia sẻ

Dịch giả Lý Lan đã có một ví von đắt giá khi so sánh: "Người đọc tác phẩm văn học dịch nên hiểu là mình ăn cơm mớm, món ăn đã được ngào với nước bọt của người nhai, có thể trở nên đậm đà, dễ tiêu, hay nhiễm trùng, mất dinh dưỡng, nhưng chắc chắn không còn hương vị và phẩm chất nguyên thủy nữa". Ðây cũng chính là mấu chốt để hình thành quan niệm "không thể có bản dịch hoàn hảo hay dịch giả hoàn hảo".

Ngay cả dịch giả Nguyễn Hiến Lê cũng thừa nhận: "Nếu tìm không thấy cách nào phô diễn được hoàn toàn đúng ý của tác giả thì chẳng thà bỏ bớt những tế nhị đặc biệt của ngoại ngữ đi, mà giữ cho câu văn dịch cái tính cách Việt Nam. Hễ dịch thì phải cam chịu đánh mất một phần cái hay trong nguyên tác. Giữ được chừng nào thì giữ, không giữ được thì phải bỏ". Ở điểm này, dịch giả Phạm Viêm Phương cùng quan điểm: "Chúng tôi rất thường phải hi sinh chút ít một trong hai mặt, thường là hi sinh văn phong". Cũng theo ông Phương, điều nan giải này luôn là trăn trở của người dịch trong từng câu một. "Thông thường một bản Việt trôi chảy, dễ đọc, thậm chí còn trầm bổng, rất dễ được chấp nhận hoặc khen ngợi (không cần đối chiếu bản gốc), còn một bản dịch ít Việt hóa (tức tôn trọng văn phong của tác giả) dễ bị dán nhãn "sặc mùi Tây". Tại sao chúng ta không tìm thấy cái hay và thú vị trong lối diễn đạt của nước ngoài, qua đó làm cách sử dụng tiếng Việt được phong phú và uyển chuyển hơn?" - ông Phương nêu phản biện.

Ở một góc độ khác, nhà báo Nguyễn Vạn Phú nhìn nhận: "Dịch thuật là một nghệ thuật đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn chuyện hiểu, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Lạ một điều là bất kỳ ai có chút kiến thức về ngoại ngữ cũng có thể tham gia tranh luận cách dịch thuật, mà tranh luận rất hăm hở là đằng khác. Theo tôi, cái chuẩn mực trong dịch thuật là làm sao để đến khi thuật ngược lại cho tác gia văn bản gốc nghe, họ sẽ bảo đó không hoàn toàn là những điều tôi viết nhưng ý tôi đúng là như thế đấy - vậy là đạt".

Dù vậy, "thách thức lớn đối với người dịch không chỉ là am hiểu văn hóa và ngôn ngữ của nguyên tác, mà còn là khả năng sáng tạo ngôn ngữ mà mình dịch ra. Khả năng đó bao hàm cách dụng từ ngữ, câu cú sao cho văn có giọng có hồn có sắc" - dịch giả Lý Lan khẳng định.

Nếu không có những người dịch thuật...

Đọc một tác phẩm văn chương của nước ngoài thấy hay, độc giả có khi chỉ nhớ tên tác giả. Nếu chưa thấy hay, hoặc cho là dở, độc giả chỉ trách cứ dịch giả. Cái nghề dịch thuật nhiều lúc bạc bẽo là thế. Càng bị bạc bẽo hơn nếu như độc giả không am hiểu và không đồng cảm thì có khi chỉ một vài lỗi sai của bản dịch mà phê phán, chỉ trích dịch giả nặng lời, xóa toẹt cả công lao của họ đã lâu nay đưa đến cho mình những tác phẩm được ngợi khen. Góp ý, chỉnh sửa cho các dịch giả là cần, nhưng đừng quên chúng ta đã đọc các bản dịch hay khác của họ và xuýt xoa tán thưởng.

Ai làm nghề dịch đều biết không bản dịch nào hoàn chỉnh theo nghĩa đúng một trăm phần trăm. Không thể có bản dịch nào đặt trùng khớp hoàn toàn với bản gốc, dù chỉ với một lý do hiển nhiên là không có hai ngôn ngữ giống nhau hoàn toàn. Sai sót, có lúc sai lầm, luôn là một yếu tố đi liền với quá trình dịch. Có sai thì có sửa. Một tác phẩm văn chương nước ngoài có thể có nhiều bản dịch trong một thứ tiếng, thí dụ như cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry đã có gần chục bản dịch tiếng Việt. Mỗi bản một khác và bản nào cũng đem lại cho người đọc những rung động sâu xa về tấm lòng của nhà văn phi công Pháp đối với con người và hành tinh ta sống.

Tôi cũng là một người dịch, nhưng đứng từ góc độ một người đọc tôi luôn biết ơn các dịch giả nhiều thế hệ, đặc biệt là lớp dịch giả trẻ hiện nay dám dũng cảm bước vào địa hạt dịch văn chương, đã cho tôi được sống cùng nhân loại và thế giới bằng những tác phẩm họ dịch. Còn gì sung sướng hơn trong cuộc sống hôm nay được đọc một tác phẩm như tiểu thuyết Người trong bóng tối của nhà văn Paul Auster bản tiếng Việt do Trịnh Lữ dịch tại Việt Nam ra cùng lúc với bản tiếng Anh The man in dark ở Mỹ vào ngày 19-8-2008.

Nếu không có những người dịch thuật... Mệnh đề này là phi thực. Những người dịch thuật văn chương đang có đó, họ có sai hãy giúp họ sửa sai một cách lành mạnh, đúng đắn bằng cách chia sẻ và động viên, cổ vũ họ tiếp tục hoàn thiện nghệ thuật dịch của mình.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên