TS Hà Đăng Sơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, đã nêu quan điểm như vậy.
* Thời gian qua giá điện tăng 8,36%, theo ông, tại sao tiền điện nhiều người dân phản ảnh tăng gấp 2-3 lần?
- Để lấy ví dụ, có thể xem xét trường hợp một hộ dân với mức tiêu thụ điện tầm 300 kWh/tháng giai đoạn giữa tháng 2 đầu tháng 3 trong điều kiện khí hậu mát mẻ, nhưng khi sang tháng 4 với khoảng 1 tuần chạy máy điều hòa liên tục (ước tính 2 máy điều hòa 12.000 Btu/h với công suất tiêu thụ khoảng 1,2 kW chạy liên tục trong 12 tiếng) sẽ phát sinh thêm tầm 150 kWh trên hóa đơn.
Với số lượng máy điều hòa nhiều hơn, việc tăng số kWh tiêu thụ lên gấp 2 hay gấp 3 so với tháng trước đó là có thể xảy ra.
* Theo ông, phương pháp tính lũy tiến có còn phù hợp hay không?
- Cũng cần hiểu rõ nguyên tắc lập biểu giá lũy tiến (theo quyết định 28/QĐ-TTg ngày 7-4-2014) là để đảm bảo người có thu nhập thấp sẽ được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện (với mức 50 kWh tiêu dùng hằng tháng chỉ phải trả thêm dưới 7.000 đồng, còn ở mức 100 kWh sẽ trả thêm 13.000 đồng).
Trong khi đó các hộ gia đình ở mức thu nhập cao sẽ phải trả nhiều tiền điện hơn.
Trong giai đoạn tới, theo tôi, cần nghiên cứu và ban hành quy định mới về giá bán lẻ điện sao cho phù hợp hơn.
Chẳng hạn như cơ chế 2 giá gồm giá công suất và giá điện năng, đồng thời áp dụng cơ chế phân bổ chi phí sản xuất điện năng tham chiếu theo chỉ số giá nhiên liệu đầu vào thế giới (giống như cơ chế mà Malaysia đang áp dụng).
* Nhiều người dân không phản đối việc tăng giá điện, vấn đề là phải tăng đúng và giải thích kịp thời, đúng vào trọng tâm?
- Điều cần bàn ở đây không phải là tính hợp lý của việc tăng giá điện, mà ở cách thức phân bổ chi phí và minh bạch hóa chi phí trong cơ cấu giá điện.
Thậm chí Bộ Công thương đang đề xuất đưa dự thảo giá điện vào danh mục tài liệu mật của bộ, dẫn tới các nghi ngại về tính hợp lý của các khoản chi phí, cũng như khả năng chuyển lỗ từ các khoản đầu tư kém hiệu quả vào chi phí điện năng.
Ngoài ra, các biến động về giá nhiên liệu thế giới cũng chưa được thể hiện tường minh trong cơ cấu giá, do vẫn áp dụng bù chéo giữa các dạng nguồn đắt tiền và nguồn rẻ tiền như thủy điện.
* Nhiều ý kiến cho rằng ngành điện, mà cụ thể là EVN, hoạt động không hiệu quả. Ông nghĩ sao?
- EVN vẫn có tỉ lệ chi phối lớn trong các công ty phát điện, phân phối điện cũng như đang quản lý Điều độ điện lực quốc gia, nên không tránh khỏi các vấn đề về xung đột lợi ích khi là bên độc quyền vận hành thị trường điện cạnh tranh.
Cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các công ty phát điện trực thuộc EVN, sớm ban hành các quy chế liên quan tới hoạt động của Điều độ điện lực quốc gia như một cơ quan vận hành hệ thống và thị trường điện độc lập thực sự.
Nên rà soát và điều chỉnh các quy định liên quan tới hợp đồng mua bán điện theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế;
Sửa đổi các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) của các tổng công ty điện lực để đảm bảo các tổng công ty này tham gia tích cực hơn trong lựa chọn nguồn điện phù hợp từ thị trường bán buôn cũng như cung ứng các dịch vụ cần thiết cho khối tư nhân bên ngoài tham gia thị trường điện cạnh tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận