Lật lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2: Ngỡ ngàng
Trong báo cáo “Đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2”, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lập vào tháng 8-2005 cho rằng thủy điện này “không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường”.
Trong khi kết luận về những trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu lại cho đó là “động đất kích thích”.
Phóng to |
Người dân sửa lại mái nhà bị hư hại sau rung chấn ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ |
TTO giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc về việc này:
Câu chuyện về thủy điện Sông Tranh ngày càng bộc lộ quá nhiều điểm bất ổn. Và qua đó có thể hình dung sẽ có nhiều nguy hại có thể xảy ra đối với sinh mạng của hàng nghìn người dân khi đưa thủy điện này vào sử dụng. Và người ta hiểu rằng có lẽ không sớm thì muộn điều đó sẽ xảy ra. Cuộc sống của người dân luôn trong cảnh lo âu, không biết tai họa sẽ xảy ra lúc nào.
Và qua đây chúng ta lại càng có thêm cơ sở để nghi ngờ những người làm công tác khoa học liên quan đến thủy điện này. Chúng tôi nghi ngờ năng lực thật sự của họ.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản sau sự cố sóng thần. Nhật Bản hơn ta rất nhiều về trình độ, công nghệ, nhân lực..., dù vậy tất cả sự cố đều có thể xảy ra vì sự tắc trách, cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một ai đó trong quá trình thẩm định, xây dựng hay điều hành một công trình nào đó.
Vì thế, đối với người dân chúng tôi rất mong muốn các "nhà khoa học" có liên đới đến thủy điện Sông Tranh này nếu có lỡ nhận định, suy nghĩ, kết luận chưa đúng, chưa đủ, chưa chính xác trong phần việc chuyên môn của mình thì hãy cứ mạnh dạn lên tiếng xin lỗi, nhận thiếu sót.
Thà nói sớm ra để còn có cơ may ngăn chặn một thảm họa, còn giữ được uy tín, lương tâm nghề nghiệp, lương tâm của người đối với người, chứ để thảm họa xảy ra rồi e lúc đó hối lỗi không kịp.
Điều quan trọng đã biết là trước đây vùng này có xảy ra động đất kiến tạo, giờ hồ tích nước dẫn đến động đất kích thích. Nhưng tại sao khi nước trong hồ đang ở mực nước tĩnh mà vẫn liên tục xảy ra động đất có cường độ lớn? Các nhà khoa học phải nghiêm túc tìm hiểu vấn đề, không được nói rằng do trước đây "đã... xảy ra... gì nữa...". Cũng không nên đổ lỗi cho bộ này, ngành kia, cục nọ trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình mà bây giờ sự cố gắng của các nhà khoa học là cần tập trung nghiên cứu chuyên môn, có kết luận nhất quán đối với tình hình biến động địa chất vừa qua... Chỉ trong vòng gần 1 tháng mà đã xảy ra nhiều lần dư chấn, động đất. Hiện tại, lòng dân nơi đây đặt trọn niềm tin vào các nhà khoa học.
Tâm tư của người dân Việt Nam, nguyện vọng của người dân Quảng Nam, sự sống của người dân khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2 đang tha thiết đề nghị các nhà khoa học hàng đầu của quốc gia phải hết sức trung thực, khách quan, chính xác khi nhận định về những biến động địa chất ở thủy điện Sông Tranh 2. Nếu như các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực này không xứng tầm thì đề nghị Chính phủ mời các chuyên gia chuyên ngành nước ngoài đến Việt Nam giúp chúng ta tìm giải pháp khắc phục tình hình, đáp lại lòng tin, tạo sự an tâm cho người dân phát triển cuộc sống.
Các sự cố liên quan đến địa chấn xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 thời gian gần đây đã có tác động rất lớn đến đời sống, tâm lý của hàng vạn người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Rõ ràng lúc này đang có sự đổ lỗi lẫn nhau giữa các nhà khoa học và chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Điều quan trọng hơn cả là chủ đầu tư, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cùng với chính quyền địa phương tiến hành nắm bắt nhu cầu đời sống của người dân trong vùng, nghiên cứu đề ra những biện pháp khả thi để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Báo cáo tác động môi trường đã không nghiên cứu, hoặc nghiên cứu và đưa ra kết luận không chính xác. Như vậy những người chịu trách nhiệm trong xây dựng, phê duyệt báo cáo trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều mình đã làm.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: không được tích nước thủy điện Sông Tranh 2 dù rủi ro chỉ là 1%.
Không thể đặt mạng sống của hàng chục ngàn người dân vào tay một số người mà năng lực có thể chưa đạt đến tầm có thể giải quyết những việc lớn như vậy.
Thiết nghĩ Chính phủ nên mời được ít nhất một nhóm, một tổ chức khoa học chuyên môn có uy tín trên thế giới đến khảo sát, đánh giá thực trạng công trình thủy điện Sông Tranh 2 thì mới an dân.
Một công trình ảnh hưởng đến sinh mạng và cuộc sống của hàng vạn người dân nghèo khu vực này mà các ý kiến của chủ đầu tư và những người có trách nhiệm liên đới ở Bộ Tài nguyên - môi trường như trong bài báo nêu xem ra đều lơ mơ. Thiết nghĩ vụ việc này cần làm rõ những người có trách nhiệm, không thể ậm ờ rồi cho qua. Mọi thiệt thòi lại đổ lên đầu người dân nghèo khó.
Tôi là người con của Quảng Nam, khi theo dõi các thông tin liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 tôi luôn cố giữ bình tĩnh, cố tự nhủ lòng mình: "Các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc với một thái độ tích cực nhất, chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2 sẽ làm hết sức mình để hàng ngàn hộ dân sống dưới thủy điện này được sống trong bình yên, nhanh chóng ổn định cuộc sống".
Thế nhưng, tôi không thể bình tĩnh được nữa khi các nhà khoa học mỗi người nói một kiểu, trống đánh xuôi kèn thổi ngược về thực trạng mất an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, về tình trạng động đất liên tiếp xảy ra tại Bắc Trà My. Càng bất bình hơn khi TS Ngô Thị Lư, Viện Vật lý địa cầu, phát biểu chê bai dân Trà My "quá kém hiểu biết, mới nghe động... đã bỏ chạy" (?!).
Tôi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành liên quan có thái độ dứt khoát để có biện pháp xử lý vấn đề phát sinh tại thủy điện Sông Tranh 2 một cách thấu đáo.
* Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi theo địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận