Ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế nhận định: kinh tế Việt Nam đang thoát đáy khủng hoảng và đang vật vã đi lên - Ảnh: Lê Thanh |
Diễn đàn diễn ra hôm nay 27-9, tại Ninh Bình, với sự tham dự của hơn 200 học giả, nhà khoa học chuyên gia, đại diện lãnh đạo các bộ ngành bàn thảo về kết quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế suốt bốn năm qua.
Mở đầu bài phát biểu, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định chúng ta thực hiện quá trình tái cơ cấu suốt 4 năm qua nhưng rất chậm, chưa đạt nhiều kết quả như kỳ vọng. Nền kinh tế vẫn khó khăn trong năm nay và năm sau, có thể nói là khó khăn tiếp tục kéo dài.
“Vậy, cần phải xem xét quá trình tái cơ cấu suốt bốn năm qua có đúng hướng hay không? Tại sao triển khai lại chậm, không có kết quả lớn, vì không đúng nên cứ hì hục làm hay chưa chịu làm? Cần phải đánh giá cụ thể về vấn đề này”? - ông Thiên đặt vấn đề.
Đánh giá về thực trạng nền kinh tế, ông Thiên chỉ ra một trong những hạn chế nhất hiện nay là sức khỏe của doanh nghiệp - lực lượng chủ yếu dẫn dắt sự phát triển kinh tế.
Thực tế, số lượng doanh nghiệp giải thể phá sản ngày càng tăng, cộng với quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ cả về vốn và lao động. Ông ví von những doanh nghiệp mới ra đời trong vài ba năm nay giống như những đứa trẻ sinh non, nhẹ cân thiếu tháng.
Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nền kinh tế gặp khó khăn, không thể tăng trưởng được là đang bị mắc vào nợ xấu. Suốt hai năm qua, việc xử lý nợ xấu chậm hơn là tốc độ tăng nợ xấu. Mặt khác, vì quá trình tái cơ cấu chậm chạp, tăng trưởng bấp bênh khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm.
Ông chia sẻ: “hai tháng qua, tôi có tiếp khoảng 60-70 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới. Họ có hỏi tôi rằng Việt Nam có cải cách doanh nghiệp nhà nước thực sự không?”
Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế cho rằng dù kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, lạm phát giảm, đến tháng 8 CPI mới ở mức 1,84% so với cuối năm 2014. Dự báo cả năm 2014, CPI khó vượt quá 4,5% so với tháng 12-2013.
Song, nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã để đi lên nhưng tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng không đến được với nền kinh tế; tốc độ phục hồi chậm.
Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay, theo ông Tuyển, khó đạt mức 5,8% như chỉ tiêu đặt ra. Nếu muốn đạt chỉ tiêu này, chúng ta chỉ có cách là phải tăng thêm khai thác dầu thô, khai thác than... Nhưng đây là cách tăng trưởng không hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng vấn đề không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn là cách thức tạo ra tăng trưởng. Nếu giải quyết được nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân, thì có thể tiếp cận đến chỉ tiêu này, tạo đà cho năm 2014 và 2015.
Ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm sau đạt 6-6,2% Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,2%. Lý do đạt được mức này là do chúng ta đang thực hiện quyết liệt quá trình cải cách thủ tục hành chính như ngành thuế, hải quan... Tuy nhiên, về việc cải cách thủ tục hành chính, các bộ ngành phải có đo lường cụ thể và lấy mức trung bình của các nước ASEAN 6 để xem chúng ta tiến bộ hay thụt lùi. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt tiến bộ hơn các năm trước là nhờ nhiều khả năng hầu hết các Hiệp định mậu dịch tư do ta đang đàm phán sẽ được hoàn thành vào năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Lạm phát dự báo sẽ không quá 6,5%. Tuy nhiên mức lạm phát này chỉ đạt được trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chính sách trung hòa tiền tệ, khi ngoại tệ vào Việt Nam sẽ tăng, lượng tiền VND để mua ngoại tệ sẽ lớn (gần giống như năm 2007). Chính sách tiền tệ cần phải có giải pháp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận