Khởi nghiệp: Câu chuyện của cả một nền kinh tế

HẢI MINH 12/06/2014 20:06 GMT+7

TTCT - Kể từ khi cuộc cách mạng Internet nổ ra vào giữa những năm 1990, chi phí thành lập mới một doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, đã trở nên rẻ mạt và làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh của phong trào start-up ở quy mô toàn cầu.

Câu chuyện của cả một nền kinh tế Cần phải "hích" vào đâu?

75% doanh nghiệp start-up ở Mỹ thất bại - Ảnh: gbj.com

Trước thời đại Internet, thành lập một doanh nghiệp mới đòi hỏi kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ, là một phen đánh cược lớn, nhiều khi là canh bạc của cả cuộc đời. Còn giờ đây, khởi nghiệp trở thành hàng loạt những thử nghiệm nhỏ, là sự khám phá liên tục và rất thường xuyên, thất bại liên tục.

Hiểu rõ hơn về start-up

Sự thay đổi đó cũng đã dẫn tới một tâm lý quản trị khởi nghiệp hoàn toàn khác. Một điều quan trọng: với những chuyên gia quản trị kinh doanh hàng đầu, không phải mọi công ty, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ mới thành lập nào cũng đáng được gọi là một sự khởi nghiệp.

Steve Blank, một chuyên gia người Mỹ hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp, định nghĩa các công ty start-up là một mô hình kinh doanh nhắm tới sự tăng trưởng nhanh, với tầm nhìn xa hơn là một “tiểu công ty đa quốc gia”, toàn cầu, nhưng không quá lớn.

Blank nhấn mạnh rất nhiều công ty này là các công ty công nghệ, xu hướng đang thịnh hành là ngày càng nhiều các “doanh nghiệp xã hội”, những công ty với sứ mệnh phụng sự xã hội chứ không chỉ kiếm lời.

Trong quá khứ, gần như toàn bộ mọi công ty start-up bắt đầu với ý tưởng về một sản phẩm mới. Ngày nay, những công ty khởi nghiệp bắt đầu với một “đội”, thường là hai người với các kỹ năng bù đắp cho nhau và biết rõ nhau. Những “nhà sáng lập” này thường thử nghiệm vài ý tưởng trước khi tìm được lựa chọn đúng đắn.

Sự cơ động như thế là không thể tưởng tượng nổi trước thời bùng nổ Internet. Các doanh nghiệp start-up trong quá khứ phải xây dựng từ số không, huy động vốn, trụ sở, nhân sự, hệ thống phân phối..., tất cả cần những nỗ lực đến kiệt sức. Còn ngày nay, với mạng xã hội, Internet, các diễn đàn, đăng ký kinh doanh trực tuyến, tuyển dụng qua mạng, bán hàng qua mạng..., chỉ cần vài ngày là bạn sẽ có một doanh nghiệp với đầy đủ trang web, địa chỉ email và cả một hệ thống quảng bá có sẵn.

Điều đó cũng giải thích thành công vang dội của những tổ chức phi lợi nhuận như Startup Weekend. Có trụ sở tại Seattle, bang Washington, Mỹ, Startup Weekend tổ chức cho những nhóm các nhà phát triển phần mềm, chủ doanh nghiệp, những người muốn khởi nghiệp, các chuyên gia marketing, các nghệ sĩ đồ họa... gặp nhau để trao đổi ý tưởng về các công ty start-up, thành lập các “đội” xung quanh ý tưởng đó và tiến hành các thử nghiệm.

Đã trở thành một tổ chức quy mô toàn cầu, tính từ khi thành lập năm 2007 tới năm 2013, Startup Weekend đã tổ chức được 1.068 sự kiện cho hơn 100.000 doanh nhân ở gần 500 thành phố tại hơn 100 nước với 8.190 doanh nghiệp start-up đã được thành lập. Bảo trợ cho tổ chức này là các đơn vị danh tiếng như Quỹ Kauffman, các doanh nghiệp Google và Microsoft.

Cả một ngành dịch vụ mới cũng đã mọc lên để hỗ trợ các doanh nghiệp start-up (chính các công ty hỗ trợ khởi nghiệp này cũng là những start-up). Các doanh nghiệp khởi nghiệp đích thực của thời đại số không hành động dựa trên một ý tưởng mơ hồ và ngẫu hứng về một sản phẩm mà các nhà sáng lập “tin là sẽ thành công”.

Thay vào đó, các công ty phải tìm hiểu khách hàng muốn gì, bắt đầu cung cấp dịch vụ và tương tác liên tục (Internet cho phép điều đó) để nhận được kết quả, rồi lại khởi đầu lại quá trình đó cho tới khi thành công.

Không phải câu chuyện lãng mạn

Một vấn đề khác với các doanh nghiệp start-up là chúng mọc lên như nấm sau mưa trong thời đại suy thoái kinh tế. Endeavor là một công ty Mỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở quy mô toàn cầu. Vào năm 2009, tức là ở đáy của cuộc suy thoái vừa qua, khi tỉ lệ thất nghiệp giảm hơn 1% ở 19 nước mà Endeavor có văn phòng, bao gồm Argentina, Brazil, Ai Cập, Indonesia, Lebanon, Mexico và Nam Phi, các công ty Endeavor lại tuyển dụng thêm 16% nhân công.

Tương tự, trong khi GDP ở các nước đó giảm 2,6%, doanh thu của các công ty Endeavor tăng 15%. Những con số đó không phải là quá khó hiểu: nếu không tìm được việc làm thì tại sao không tự tạo ra việc làm cho mình.

Tất nhiên, rất nhiều công ty start-up trong số đó sẽ chết yểu, nhưng một nghiên cứu vào năm 2009 của Quỹ Kauffman cũng cho thấy 51% các công ty trong nhóm Fortune 500 được thành lập trong thời kỳ suy thoái, bao gồm Disney và Microsoft. Trong thời kỳ suy thoái, các công ty lớn thuê ít nhân công hơn, sa thải bớt, khiến tìm kiếm việc làm rất khó khăn, nhất là với những người vừa tốt nghiệp đại học.

Nhưng sẽ là ngây thơ nếu quá tin vào khía cạnh lãng mạn của các doanh nghiệp start-up. Thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Một nghiên cứu công bố năm 2012 của giảng viên Đại học Harvard Shikhar Ghosh cho thấy hầu hết công ty khởi nghiệp đều thất bại, theo báo tài chính The Wall Street Journal.

Theo đó, 75% doanh nghiệp start-up thất bại. Tất nhiên, không phải mọi thất bại đều như nhau, nhưng theo Ghosh, khoảng 30% các doanh nghiệp start-up trở thành những thảm họa thật sự, tức là tài sản tiền của bỏ vào công ty đều tiêu tan. Phần còn lại phải bán doanh nghiệp với giá rẻ hoặc trở lại với những gì mình đã đầu tư. Nếu tính là doanh nghiệp không đạt được các kỳ vọng đặt ra ban đầu thì tỉ lệ thất bại lên tới 95%.

Những phát hiện của Ghosh dựa trên dữ liệu từ hơn 2.000 công ty đã huy động được vốn từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Mỹ, ít nhất là 1 triệu USD, từ năm 2004-2010. Các quỹ đầu tư này “chôn cất những xác chết của họ trong yên tĩnh” - Ghosh giải thích. “Họ chỉ nhấn mạnh những trường hợp thành công, nhưng không hề nhắc gì tới các thất bại”. Thất bại thường lớn hơn với các doanh nhân đi vay mượn từ người thân, bạn bè hay ngân hàng so với huy động vốn từ các quỹ.

“Khi bạn mắc kẹt trong một doanh nghiệp, không được nhận lương và tiêu tán sạch số tiền tiết kiệm của mình, tình thế của bạn hiển nhiên là rất khó khăn” - Toby Stuart, giáo sư ở Trường kinh doanh Haas, Đại học bang California, Berkeley, bình luận trên Wall Street Journal.

Trong tất cả công ty khởi nghiệp, khoảng 60% sống được tới năm thứ ba và chỉ khoảng 35% tới năm thứ mười, theo một nghiên cứu khác của Cục Thống kê lao động Mỹ và Quỹ Kauffman.

Bài 3: Đừng say sóng khởi nghiệp

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận