17/09/2022 09:12 GMT+7

Nên ghi nơi sinh ở căn cước công dân

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Câu chuyện căn cước công dân ghi "nguyên quán", "quê quán" hay "nơi sinh" được báo Tuổi Trẻ nêu ra đã trở thành đề tài gây nhiều tranh luận.

Nên ghi nơi sinh ở căn cước công dân - Ảnh 1.

Người dân làm thẻ căn cước công dân tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 16-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cho hay cá nhân ông ủng hộ việc nên ghi nơi sinh thay cho quê quán ở căn cước công dân. Bởi lâu nay theo quy định của pháp luật, quê quán được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. 

Tuy nhiên, quê quán chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm, đạo đức, truyền thống nhưng về mặt pháp lý thì nơi sinh sẽ có giá trị thông tin gắn với nhân thân hơn.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng việc ghi quê quán vào thẻ căn cước công dân có thể phát sinh những trường hợp gặp khó khăn. Vì theo thông lệ quy định từ lâu nay, việc xác định quê quán của công dân thường theo bố. 

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp quê quán của bố không có liên quan gì với con bởi người con không sinh ra, không lớn lên ở đó.

Bà Nga cũng đồng tình với quan điểm nên ghi nơi sinh vào căn cước công dân thay cho quê quán. Bởi nơi sinh gắn với nhân thân nhiều hơn. Song bà nhấn mạnh nếu chọn sửa đổi ghi nơi sinh vào căn cước công dân cần phải có quy định thống nhất về mục "nơi sinh", tránh ghi tùy tiện hoặc mỗi người ghi một kiểu thông tin.

"Nhiều người khi đi làm thủ tục về hộ tịch thường ghi nơi sinh ở bệnh viện này hay bệnh viện kia nhưng nhiều người khác lại chỉ ghi đơn giản là Hà Nội hoặc TP.HCM. Tuy nhiên nếu sửa đổi, ghi nơi sinh lên căn cước công dân, theo tôi, nên lấy thông tin thường trú của người cha hoặc mẹ sẽ chuẩn hơn, sát với nhân thân", bà Nga nêu.

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cho hay trong vấn đề này cần phải xác định rõ hộ tịch là cái gốc và thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Do vậy, xác thực ngay hộ tịch là dữ liệu gốc và đẩy sang cho dân cư. Từ dân cư tạo lập lên hệ thống dữ liệu theo Luật căn cước công dân.

Với các nhóm ý kiến người dân phản ảnh, đại diện C06 nêu rõ sẽ tập hợp để đề xuất sửa đổi trong Luật căn cước công dân trong thời gian này và Luật cư trú trong tình hình mới. Đại diện C06 cũng nêu rõ người dân chỉ nhìn được ở bề mặt thẻ căn cước công dân. 

Còn với hệ thống cơ sở hiện nay thì bề mặt thẻ căn cước công dân chỉ nhằm xác thực cho người dân tham gia một số giao dịch. Còn khi đã kết nối liên thông tất cả bộ, ban, ngành, địa phương vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì họ sẽ truy xuất được các dữ liệu cần có.

Trước đó từng trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Tô Văn Huệ, nguyên cục trưởng C06, cho rằng việc ghi quê quán trên thẻ căn cước công dân là theo quy định của Luật căn cước công dân.

Theo đó luật quy định mặt trước của thẻ căn cước công dân sẽ bao gồm hình quốc huy, dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập - tự do - hạnh phúc, dòng chữ căn cước công dân, ảnh, số thẻ căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

Đối với nơi đăng ký khai sinh, theo trung tướng Huệ, được thể hiện trên dãy số định danh cá nhân (chính là số thẻ căn cước công dân) đã được cấp cho công dân.

Ghi nơi sinh vào căn cước công dân là lựa chọn tối ưu, tại sao? Ghi nơi sinh vào căn cước công dân là lựa chọn tối ưu, tại sao?

TTO - Theo nhiều bạn đọc, căn cước công dân nên ghi "nơi sinh". Nơi sinh cũng được xem là nơi sống của đứa trẻ trong những năm đầu đời, có ảnh hưởng không ít đến cá tính của trẻ.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên