05/02/2010 20:45 GMT+7

Nên biết chữ nôm để hiểu được nền văn học cổ

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Học giả Nguyễn Quảng Tuân là tác giả của hơn bốn mươi đầu sách biên khảo về cổ văn, đặc biệt là về Truyện Kiều. Ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm tư gia của “nhà Kiều học” này là sách. Sách bày la liệt trên bàn, nêm cứng trên kệ, lèn chặt trong tủ. Không đủ chỗ chứa, sách được đóng thùng chất trên gác xép, xếp lớp dưới gậm giường, tràn ra ngoài phía cửa.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi lại bắt đầu từ câu chuyện về chữ Nôm. Ông nói:

Đến giờ vẫn chưa tìm được di tích hoặc tư liệu chính xác nào để giải quyết được thời điểm sáng tạo ra chữ Nôm. Cứ theo sử chép thì vào cuối thế kỷ thứ VIII (791), Phùng Hưng mới nổi lên đánh đuổi quan đô hộ Cao Chính Bình nên được dân chúng tôn là Bố Cái Đại Vương. Hai chữ “Bố Cái” là tiếng Nôm nên có thể chữ Nôm đã có từ thời đó. Đến thế kỷ thứ XIV (triều Trần) và thế kỷ thứ XV (triều Lê - đời Hồng Đức) thì chữ Nôm mới được dùng để làm thơ văn. Đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX) thì chữ Nôm đã trở nên phổ biến hơn.

N74DamOn.jpgPhóng to
Học giả Nguyễn Quảng Tuân

* Đàn ông chớ kể Phan Trần/Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều. Văn học cổ của chúng ta chủ yếu được lưu truyền qua hình thức truyền khẩu, nên rất dễ xảy ra tình trạng “tam sao thất bản”?

- Hình thức truyền khẩu là “dưỡng khí” của văn học cổ. Hầu hết các tác phẩm văn học cổ của tiền nhân không được in ra vào thời tác giả đang sống. Những bản cổ văn tìm được đều ở dạng chép tay, một phần do nhiều người không đọc được chữ Nôm, nhất là nữ giới, do không được đi học. Thế nhưng, chính các cụ bà lại thường ngâm Kiều để ru con ru cháu.

Chẳng hạn, Trăm năm trong cõi người ta/... Những điều trông thấy đã đau đớn lòng nhưng chữ “đã” trong bản gốc khó ngâm, nên dân gian thay bằng chữ “mà”. Tương tự, Chữ tình chữ hiếu bên nào nặng hơn được đổi thành Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn. Như vậy, đóng góp của dân gian vào Truyện Kiều không chỉ giữ được ngữ nghĩa, mà còn khiến câu thơ thêm mượt mà, chau chuốt.

* Nhưng học thuật luôn đòi hỏi sự chính xác?

- Bởi vậy nên những bản Nôm tôi phiên âm đều có thêm phần khảo dị để đính chính những sai lầm. Thí dụ: Các bản Nôm đều khắc: Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm nhưng có một số bản quốc ngữ đã chép sai là Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm kể cả bản của cụ Đào Duy Anh. (Đây là sai vì ở mục từ trong Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh vẫn ghi là “vâng” nhưng ở văn bản lại chép là “vàng”).

* Những phát hiện từ giới nghiên cứu đã đóng góp không nhỏ vào quá trình bảo tồn văn học Nôm. Thực tế, những người biết chữ Nôm ngày càng ít so với những người biết chữ Hán. Phải chăng việc không hiểu chữ Nôm khiến chúng ta bị “ngắt quãng” đi một dòng văn học cổ cũng như các thư tịch được ghi chép bằng chữ Nôm?

- Vâng. Đúng là như vậy. Nên biết chữ Nôm để hiểu được nền văn học cổ.

* Có tài liệu chép lại rằng Hồ Quý Ly từng có ý định dùng chữ Nôm làm chữ quốc ngữ. Ông nghĩ sao?

- Đúng là có sách sử nói như vậy vì Hồ Quý Ly có làm thơ bằng chữ Nôm. Tương tự, thời Tây Sơn, vua Quang Trung cũng có ý định dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự. Chỉ tiếc là mạng vua không thọ, chưa kịp làm thì đã băng hà.

* Nên chăng, chúng ta khôi phục lại việc dạy và học chữ Nôm, như kế hoạch đưa Hán - Nôm vào chương trình ngoại khóa cho học sinh phổ thông do Câu lạc bộ Hán Nôm Đà Nẵng và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh này dự kiến thực hiện từ tháng 2-2010?

- Việc ít người biết chữ Nôm không có gì lạ. Nhìn lại lịch sử, chữ Nôm chỉ đóng vai trò thứ yếu, thậm chí còn bị xem thường, gọi là “nôm na mách qué”. Các triều đại phong kiến đều không sử dụng chữ Nôm trong các văn bản chính thức, khoa cử, đền chùa miếu mạo… Vì chữ Nôm không có quy định cho thống nhất nên có những chữ phải “đoán đọc” dựa trên văn cảnh.

Chữ Nôm có thể dùng theo nguyên hình chữ nho (ngày xưa các cụ gọi chữ Hán là chữ nho) hoặc là lấy hai chữ nho ghép lại để viết nên công tác nghiên cứu chữ Nôm đòi hỏi phải có sự hiểu biết về chữ Hán.

ApFLr9OC.jpgPhóng to

Việc khôi phục lại việc dạy chữ Nôm một cách đại trà, nên chừng mực, tránh dồn thêm áp lực lên vai học trò. Thêm nữa, văn học cổ tiền nhân để lại đều đã được phiên âm ra chữ quốc ngữ. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, việc bảo tồn văn học Nôm cần những người thật giỏi, để vừa bảo tồn, vừa có thể trao đổi với các tổ chức nghiên cứu về Việt Nam học trên thế giới.

Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm hiện nay phải bỏ nghề. Số ít được thu dụng cũng khó tập trung cho công tác nghiên cứu bởi còn phải vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền. Chính sách của chúng ta hiện nay giống như “có sinh mà không có dưỡng”. Một tiến sĩ ngành Hán Nôm nói rằng “nhà nghiên cứu là nhà giàu”. Nhận xét có phần nào đúng nhưng chưa đủ. Nhiều người giàu nhưng đâu có làm nghiên cứu.

Còn về chữ Hán, nếu đưa được vào học đường, thì cũng là cần thiết.

* Lý do là…

- Văn hóa của chúng ta là văn hóa cổ, trải dài 19 thế kỷ. Người Việt mới tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ đầu thế kỷ XX. Vả lại, như đã nói, muốn biết chữ Nôm, phải hiểu chữ Hán. Ngày xưa, dù ăn đói mặc rách, các bậc cha mẹ vẫn cố gắng gửi con cái đến nhà thầy đồ để học chữ. Học không phải thành ông nghè, ông cống, mà trước hết là để con cháu có thể đọc được gia phả, bài vị… thờ tổ tiên.

Thế hệ chúng tôi, học trường Tây, nhưng vẫn học chữ Hán, ba năm ở bậc tiểu học, bốn năm ở bậc trung học. Dẫu không siêng năng, chuyên chú thì sau bảy năm học, mỗi người vẫn có một số vốn chữ căn bản tối thiểu để hiểu được chính xác các từ ngữ Hán Việt.

Một giáo sư người Nhật Bản nói với tôi rằng các ông xa gốc rồi. Bây giờ đưa khách quốc tế đến thăm những nơi tôn nghiêm như đình chùa miếu mạo nhưng nhiều hướng dẫn viên du lịch của chúng ta không thể đọc được văn bia, hoành phi, câu đối… được khắc bằng chữ Hán trong khi nhiều đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì lại cắt nghĩa được một cách rành mạch. Nghĩa là nhiều người hiện nay đã bị đứt đoạn với di sản văn hóa của tiền nhân.

Văn học cổ nói riêng, và văn hóa cổ nói chung không chỉ dùng chữ Nôm. Bài thơ thần Nam quốc sơn hà Lý Thường Kiệt đọc bên sông Như Nguyệt, được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt trước ngoại bang phương Bắc, bằng chữ Hán. Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng bằng chữ Hán. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, nhưng làm thơ bằng chữ Hán.

Thực ra, chữ Hán đâu phải của riêng người Trung Quốc. Chữ Hán cũng như chữ Latin của người châu Âu. Chữ Hán là đồng văn tự, người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều sử dụng, nhưng cách đọc khác nhau. Ở nước ta, chữ Hán đã bị Việt hóa, chiếm khoảng 70% từ vựng, dù muốn hay không chúng ta cũng phải dùng trong nhiều trường hợp. Quốc hiệu của chúng ta là từ Hán Việt. Tên tôi, tên anh cũng là từ Hán Việt.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên