Nhu cầu sử dụng mật gấu ở Việt Nam ngày càng giảm vì người dân không còn thấy công dụng của nó - Ảnh: ANIMALS ASIA
Ở Việt Nam, hoạt động nuôi gấu đen châu Á và gấu chó - những loài được coi là dễ bị tuyệt chủng - bắt đầu vào những năm 1990 để đáp ứng nhu cầu sử dụng mật gấu ngày càng tăng.
Theo đông y, mật gấu có chứa axit ursodeoxycholic, được chứng minh về mặt y học có khả năng làm tan sỏi mật và điều trị bệnh gan.
Cuộc chiến chống nạn buôn bán mật
Đài National Geographic dẫn thông tin từ nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Animals Asia cho biết tại các trại nuôi gấu lấy mật phổ biến tình trạng gấu bị bỏ rơi, dịch bệnh và tù túng, vô nhân đạo.
Mật được dẫn lưu qua ống thông hoặc kim đưa vào túi mật của động vật, một thủ thuật gây đau đớn cho gấu. Chưa kể, bản thân người tiêu dùng có nguy cơ ăn phải mật bị ô nhiễm từ những con gấu bị bệnh.
Năm 2005, Việt Nam bắt đầu cấm bán và khai thác mật gấu. Chính phủ cũng đã tuyên bố ý định sẽ đóng cửa các trại nuôi gấu vào năm 2025.
Tuy nhiên, nông dân vẫn được phép nuôi nhốt gấu, miễn là chúng được gắn vi mạch và phải được đăng ký nuôi từ trước năm 2005. Hiện nay, còn hơn 300 con gấu vẫn thuộc sở hữu tư nhân tại hơn 100 trang trại. Trong đó, khoảng 150 con gấu được nuôi ở thủ đô Hà Nội.
Mật gấu nuôi ngày càng khan hiếm ở Việt Nam. Các quan chức chính phủ đã thường xuyên kiểm tra các trang trại để phát hiện việc nuôi gấu không đăng ký.
Khi lòng dân cũng "thờ ơ"
Vấn đề quan trọng là nhu cầu sử dụng mật gấu chữa bệnh đã giảm, khiến giá mật nuôi giảm mạnh. Khi không còn giá trị kinh tế, nhiều con gấu trong các trang trại đã chết vì bị bỏ mặc hoặc sức khỏe kém.
Đài National Geographic trích lại nghiên cứu của bà Elizabeth Davis, chuyên gia của Liên minh Động vật hoang dã, viết trên tạp chí học thuật Conversation and Social: "Sau khi khảo sát hơn 2.400 người ở 7 khu vực tại Việt Nam, có khoảng 31% người được khảo sát cho biết họ đã sử dụng mật gấu một lần trong đời, chủ yếu dùng để chữa các vết bầm tím, đau khớp, đau bụng và các vấn đề sau sinh. Ngoài ra, chỉ một ít mật gấu sử dụng làm rượu uống xã giao".
Đồng tác giả nghiên cứu này, ông Brian Crudge, một nhà sinh thái học và giám đốc khu vực của Tổ chức Free the Bears, chia sẻ với Đài National Geographic rằng tỉ lệ sử dụng mật gấu thấp liên quan nhiều đến việc người dân không còn thấy giá trị chữa bệnh cao ở loại mật này nữa.
Khi được hỏi họ sẽ làm gì sau khi các trại gấu đóng cửa ở Việt Nam, nhiều người tỏ ra không quan tâm: "Dù sao thì tôi cũng không còn dùng mật nữa".
Xu hướng trên phù hợp với việc đóng cửa các trang trại nuôi gấu gần đây trên khắp nước. Theo tổ chức phi lợi nhuận về phúc lợi động vật Four Paws, 34 trên tổng số 58 tỉnh đã thông báo rằng họ không còn gấu nuôi.
Ông Crudge đôi lúc lo lắng rằng mọi người sẽ chuyển sang lấy mật từ gấu đen châu Á hoang dã hoặc gấu chó, dẫn đến nạn săn trộm ngày càng gia tăng.
Điều đó dường như cũng không xảy ra. Một phần vì gấu mất môi trường sống. Mặt khác, việc giết gấu bất hợp pháp đã làm giảm đáng kể các quần thể hoang dã trong những thập kỷ gần đây. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng mật gấu dường như đang giảm thật sự. Ông Crudge nói đây là một điều đáng ngạc nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận