Những ngày tháng 4-2024, Ninh Thuận trời nóng như "đổ lửa", khiến người lao động các nghề ngoài trời đều tìm cách trốn nóng, nhưng với diêm dân lại phải ra đồng, bởi đây là lúc thuận lợi cho nghề làm muối.
Thuận lợi nghiệt ngã của diêm dân
Giữa trưa hè nắng gắt, khi nhiệt độ ngoài trời đạt ngưỡng 36 - 37 độ C, hàng trăm diêm dân trên cánh đồng muối ở hai xã Tri Hải và Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), với những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, dù đã che chắn nhiều lớp áo, vẫn phơi mình làm việc.
Tại cánh đồng muối xã Nhơn Hải, anh Phan Văn Niên (ở thôn Khánh Nhơn 2) cho hay nắng càng gắt thì muối làm ra sẽ càng đẹp nên dù nắng như thiêu đốt bà con diêm dân vẫn tìm mọi cách hạn chế ảnh hưởng nắng nóng, ra đồng làm việc rất đông.
"Dù nhọc nhằn mưu sinh dưới cái nắng oi bức nhưng diêm dân vẫn phấn khởi bởi vụ muối năm nay vừa đạt sản lượng lại vừa có giá.
Hiện giá muối trải bạt dao động từ 900.000 - 1 triệu đồng/tấn, muối nền đất từ 800.000 - 900.000 đồng/tấn. Sau khi trừ các chi phí, diêm dân cũng có lãi kha khá" - anh Niên vui vẻ nói.
Sau 2 tiếng dài phơi nắng ngoài đồng muối, anh Trương Xuân Hòa, ở xã Tri Hải, nghỉ tay dưới gốc cây, uống vội ly nước đá mát lạnh. Anh Hòa chia sẻ: "Nghề làm muối của diêm dân chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, trời càng nắng mẻ muối làm ra càng trắng và chất lượng. Năm nay thời tiết nắng gắt và oi bức hơn mọi năm. Dù mới 9h sáng nhưng mọi người ai cũng thở hổn hển. Do nắng gắt nên bà con diêm dân ra đồng từ sáng sớm đến khoảng 9h là nghỉ".
Kết tinh của nắng gió
Anh Hòa cho biết nếu thời tiết thuận lợi, vụ muối sẽ bắt đầu từ giữa tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 5 năm sau. Nếu trời ít mưa, vụ muối có thể kéo dài đến tháng 9.
Để có được một mẻ muối hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, xen lẫn mồ hôi của diêm dân đổ xuống cánh đồng.
Đầu tiên, muối phải lấy nước ở Đầm Vua cách đó chừng vài trăm mét. Sau đó, đưa nước vào ruộng rồi phơi dưới trời nắng. Dưới tác dụng ánh nắng mặt trời, lượng nước trong nước biển bốc hơi bớt, lúc này nồng độ mặn trong nước tăng cao hơn so với ban đầu.
Khi muối bắt đầu kết tủa, diêm dân dùng cào bằng để cào muối dồn lại như những hình chóp nhỏ trên mỗi ruộng. Sau đó, dùng xe gom lại, rồi mang về đóng gói.
Theo những người làm muối lâu năm ở huyện Ninh Hải, quá trình bốc hơi nước nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào thời tiết và diện tích. Nếu trời nắng nóng như năm nay thì chỉ mất vài ngày muối sẽ kết tinh trắng xóa, còn thời tiết âm u sẽ mất thời gian lâu hơn. Nếu có mưa là coi như bỏ không.
Anh Phan Văn Niên chia sẻ: "Muối ở huyện Ninh Hải khác với những nơi khác là hạt muối ở đây có màu trắng, vị đậm đà, thanh thanh đặc trưng miền nắng gió. Đối với chúng tôi, nghề muối là một phần trong hơi thở cuộc sống vì đây là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ".
Được mùa, được giá
Ông Trần Hữu Nhân, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết trên địa bàn huyện có tổng diện tích muối khoảng 652ha, chủ yếu tập trung ở các xã Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải và Nhơn Hải.
Trong đó, diện tích muối trải bạt 72ha.
Sản lượng muối từ đầu năm đến nay ước đạt 66.700 tấn/175.000 tấn. "Hầu hết các sản phẩm muối đều được các thương lái tại địa phương gom mua. Giá muối nền đất dao động từ 800.000 - 900.000 đồng/tấn, nền bạt từ 900.000 - 1 triệu đồng/tấn" - ông Nhân thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận