01/01/2022 08:49 GMT+7

Nâng tầm thương hiệu quốc gia

QUỲNH TRUNG - NGỌC HIỂN
QUỲNH TRUNG - NGỌC HIỂN

TTO - Bất chấp dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới, tăng khoảng 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỉ USD lên tới 388 tỉ USD.

Nâng tầm thương hiệu quốc gia - Ảnh 1.

Xoài cát Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản - Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị quảng bá sản phẩm Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần 31 tháng 12-2021, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết trong nền kinh tế hiện đại, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm được thị trường quốc tế càng lớn thì thương hiệu quốc gia ngày càng nâng tầm. Do đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam là vấn đề rất quan trọng.

Gạo Việt như ST25 vừa qua đã tăng tỉ lệ tiêu thụ vì chúng ta đã tạo được tiếng vang, tạo thương hiệu, đi đâu người ta cũng biết gạo Việt. Do đó, câu chuyện quảng bá phải lên tầm quốc gia mới tốt được, khi sản phẩm nhiều người biết thì sức tiêu thụ, khả năng tiếp cận thị trường sẽ tăng lên.

TS Hoàng Xuân Bình

Nông dân cũng phải qua đào tạo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại sứ Việt Nam tại Nhật Vũ Hồng Nam cho biết người Nhật rất thích hải sản và trái cây ở những nước nhiệt đới như Việt Nam, do đó nhu cầu mua nông sản Việt Nam ở Nhật rất lớn.

"Một số mặt hàng nông sản Việt Nam tiêu biểu được người Nhật yêu thích là cà phê, xoài và chuối, những thứ mà họ đã nhập ở nước khác nhưng về mặt chất lượng thì của Việt Nam ngon hơn. Điều và hạt tiêu của Việt Nam cũng rất được ưa chuộng ở Nhật. Còn hải sản có tôm, tôm nước lợ là những mặt hàng Nhật rất thiếu mà họ lại sử dụng rất nhiều trong các món ăn" - ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và trong các khuôn khổ thương mại này, hàng nông sản của ta luôn được ưu tiên, nên về mặt thuế quan không có cản trở gì. Cái chúng ta vướng nhất bây giờ là sự khác nhau về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất nông sản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản Việt Nam đi các nước, chúng ta phải đào tạo người nông dân, cũng như phải có trình độ phát triển nông nghiệp tăng cao, cao ở chỗ từ cây giống, công nghệ, chủng loại...

Ngoài ra, người nông dân phải tiếp cận những thông tin về yêu cầu của các thị trường nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, để họ nỗ lực đạt được trình độ sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nông nghiệp, hóa học...

"Người nông dân Việt Nam không chỉ xuất khẩu những thứ vừa trồng, mà còn phải xử lý, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, thêm giá trị gia tăng vào để biến các mặt hàng nông sản thành thương hiệu của Việt Nam" - ông Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, tân đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Israel khoảng 1,5 tỉ USD các mặt hàng, trong đó nông sản chiếm khoảng 100 triệu USD. Mặt hàng của Việt Nam chủ yếu là hạt tiêu, hạt điều, cà phê và một số mặt hàng thủy hải sản khác. "Đây là những mặt hàng mang tính hỗ trợ Israel và được người dân Israel rất ưa chuộng" - ông Trung nói với Tuổi Trẻ.

Theo đại sứ Trung, thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) theo tiêu chuẩn Halal (đáp ứng các tiêu chuẩn của đạo Hồi) là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho Việt Nam. "Việt Nam đã thành lập trung tâm về Halal. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia sẽ giúp đỡ tư vấn cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất. Một khi các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn của Halal thì hàng hóa Việt Nam sẽ gây ấn tượng tốt trong khu vực Trung Đông và châu Phi" - đại sứ Trung tự tin.

Câu chuyện bán hạt điều nguyên vỏ

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Nam - chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) - cho rằng để xuất khẩu thành công ở thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt phải hiểu thị trường và mang đến châu Âu những sản phẩm "thuần Việt", đừng sao chép của người khác.

Ông Nam kể với Tuổi Trẻ rằng trong số những doanh nghiệp bán hàng Việt Nam sang Pháp, ông ấn tượng với một doanh nghiệp chuyên bán nông sản (hạt điều) bởi họ đi theo một con đường riêng, một cách tiếp cận đặc biệt nên họ đã thành công.

Theo ông Nam, ở Pháp có đủ loại thương hiệu hạt điều của nhiều nước, nhưng doanh nghiệp Việt Nam bán được, thậm chí bán giá cao qua kênh bán hàng trực tuyến vì họ hiểu được thị trường. Thay vì bán điều bóc vỏ, doanh nghiệp này bán điều để nguyên vỏ kèm dụng cụ bóc vỏ. Đằng sau hạt điều còn nguyên vỏ này là một câu chuyện nhân văn khi doanh nghiệp kể về sự vất vả của những người phụ nữ bóc vỏ, do đó việc tự bóc vỏ là một hành động có ý nghĩa rất lớn, tôn trọng sức lao động con người. Nhiều người mua hàng vì câu chuyện, không đơn thuần chỉ là mua sản phẩm.

Ông Nam kể thêm doanh nghiệp này chia sẻ 5% doanh thu để phục vụ các hoạt động xã hội ở Việt Nam, điều này đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Không những thế, doanh nghiệp còn đóng gói, làm bao bì, thiết kế tại Pháp để phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người Pháp.

"Hiểu thị trường là một điều hết sức quan trọng, trong đó các doanh nghiệp cần phải học hỏi, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng" - ông Nam nhấn mạnh.

TS Hoàng Xuân Bình - chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan - cho biết chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu nhiều hơn nữa vào châu Âu, tận dụng lợi thế thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo ông Bình, hiện một số nông sản Việt Nam như chè, cà phê, hàng sấy khô, đông lạnh, pha chế nước uống... đang phát triển mạnh ở châu Âu, có những thương hiệu riêng, thương hiệu ngách không phụ thuộc vào quốc tế.

"Người châu Âu quan tâm thực phẩm liên quan đến sức khỏe, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19 nên nếu chúng ta làm tốt thì hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa. Do đó, khi có một khu công nghiệp nhỏ cho các nhà máy Việt Nam sang đây lắp ráp, pha chế, sản xuất đầu cuối, đóng gói thì chúng ta sẽ có một "Việt Nam ngay tại châu Âu", để người ta đến xem, tìm hiểu, đặt hàng, cấp chứng chỉ..." - ông Bình nói với Tuổi Trẻ.

Thương hiệu ôtô Việt ra mắt ở Mỹ

vinfast

Xe điện VinFast được giới thiệu tại triển lãm Los Angeles Auto Show vào tháng 11-2021 - Ảnh: AFP

Việc VinFast quyết định đem xe điện đến thị trường Mỹ, nơi đang thống trị bởi ông lớn Tesla, được đánh giá là đầy mạo hiểm nhưng cũng nhiều cơ hội. Đầu tháng 11, thông tin VinFast đầu tư 200 triệu USD lập trụ sở mới ở California được truyền thông quốc tế quan tâm. Tờ Financial Times cho biết chính quyền bang California đã ưu đãi thuế 20,5 triệu USD cho công ty Việt Nam giúp tạo ra hơn 1.000 việc làm tại Mỹ. "Chúng tôi rất hào hứng đưa Việt Nam và Mỹ lại gần nhau hơn thông qua VinFast" - ông Jeremy Snyder, giám đốc phát triển VinFast Mỹ, chia sẻ về việc ông là nhân viên đầu tiên của công ty Việt Nam trên đất Mỹ.

Ngoài ra, kế hoạch của VinFast phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ củng cố thêm thương hiệu của công ty tại thị trường Mỹ.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về câu chuyện VinFast, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết đây là xu hướng mà Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp và khuyến khích trong rất nhiều năm, kể cả vận động chính quyền trung ương cũng như các địa phương.

"Thời Tổng thống Donald Trump, chúng ta có một vấn đề đó là thâm hụt thương mại rất lớn. Chúng tôi rất khuyến khích các doanh nghiệp lớn của chúng ta đầu tư. Vingroup trong giai đoạn đó đã xúc tiến triển khai rất khẩn trương và cuối cùng thì mong muốn đó đã trở thành hiện thực. Đây là một xu hướng rất phù hợp với những ưu tiên của chính quyền Mỹ hiện tại, đó là thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng sạch" - đại sứ Ngọc cho biết.

NGÔ HẠNH - DIỆU AN

Thu ngàn tỉ từ xuất khẩu dừa

Bằng việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào các thị trường khó tính với mức tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu xuất khẩu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) năm 2021 đạt 56 triệu USD so với 43 triệu USD của năm 2020, trong đó sản phẩm chủ lực là nước dừa đóng hộp.

Theo ông David Mish - giám đốc kinh doanh quốc tế của Betrimex, dù trong năm 2021 Việt Nam trải qua dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng sản xuất và xuất khẩu của công ty có sự tăng trưởng tốt do thế giới chống dịch tốt hơn năm trước, nhiều nước mở cửa lại thị trường. Năm 2021 Betrimex đánh dấu cột mốc mới khi thâm nhập thị trường tỉ dân Trung Quốc và đạt được doanh thu vượt bậc. Các thị trường châu Âu, Úc cũng ghi nhận doanh số cao. "Năm 2022 chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào thị trường Mỹ và ra mắt các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tối ưu hóa chuỗi giá trị cây dừa" - ông David Mish cho biết.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu đồ uống không cồn từ Việt Nam sang Úc không những tăng trưởng lên đến 59% so với cùng kỳ năm 2020, mà còn cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu chung của Úc từ thế giới đối với ngành hàng này.

Cùng với sản phẩm nước uống kiềm ION, một mặt hàng khác cũng gây ấn tượng mạnh tại Úc là nước dừa đóng hộp. Nếu như trước đây, nước dừa đóng hộp là "lãnh địa" của hàng Thái tại Úc với giá rẻ bất ngờ, hàng Việt Nam khó cạnh tranh thì thời gian gần đây nhiều nhãn hàng nước dừa đóng hộp Việt Nam đã xuất hiện mạnh mẽ tại các hệ thống phân phối lớn ở Úc.

Hiện tại, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đang phối hợp với nhà phân phối độc quyền tại bang New South Wales là Công ty Philinh Pty để đẩy mạnh thông điệp nước dừa 100% nguyên chất nhằm nâng cao giá trị thương hiệu nước dừa Việt Nam.

Năm 2021 cũng được coi là dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh bởi các công ty Việt Nam được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu.

Cũng có mức tăng trưởng ấn tượng là Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) khi tăng tới 67% về xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính trong năm 2021. Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc công ty, cho biết năm 2021 công ty đưa ra thị trường 197.000 tấn gạo các loại. Trong đó, xuất khẩu trên 60.000 tấn với giá trị trên 31 triệu USD, tăng 67% về xuất khẩu so với cùng kỳ 2020. Thị trường chủ yếu mua gạo của Trung An là Hàn Quốc, EU đều là các thị trường cao cấp, khó tính nhưng có giá bán cao hơn.

hang viet tai sing

Nông sản Việt Nam bán tại siêu thị ở Singapore - Ảnh: THANH MINH

Trái bưởi Việt Nam sắp vào Mỹ

Tại Diễn đàn kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa sáng 31-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết trái bưởi Việt Nam đã được phía Mỹ đồng ý cho nhập khẩu vào thị trường này.

Cụ thể, các cơ quan chức năng của Mỹ vừa thông báo khoảng 60 ngày nữa, trái bưởi của Việt Nam sẽ chính thức được xuất khẩu vào Mỹ. Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu loại trái cây này vào Mỹ thì nhanh chóng phối hợp với các đơn vị kiểm dịch của Việt Nam để hoàn tất hồ sơ. Ngoài ra phía Mỹ cũng đang tiếp tục xem xét nhập khẩu trái dừa của Việt Nam. Theo Cục Trồng trọt, Việt Nam có 105.400ha bưởi, cho sản lượng gần 950.000 tấn.

TRẦN MẠNH

Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam? Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam?

TTO - Việc xây dựng thương hiệu để trở thành Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam là chiến lược mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới để phát triển bền vững.

QUỲNH TRUNG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên